Sản phụ và mẹ nhập viện do sưởi ấm bằng than củi, chuyên gia khuyến cáo cách sơ cứu

Linh Trần
19/01/2023 - 20:45
Sản phụ và mẹ đốt than củi sưởi ấm trong phòng kín. Khi gia đình phát hiện, cả 2 đã hôn mê nhưng được cấp cứu kịp thời.

Ngày 19/1, bác sĩ Lê Thị Lan Hạnh, Khoa Hồi sức cấp cứu và chống độc (Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), cho biết, Bệnh viện vừa cứu sống sản phụ N.T.N. (20 tuổi, trú tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) và mẹ do bị ngộ độc khí CO khi dùng than sưởi ấm trong phòng kín.

Trước đó, sáng 19/1, bà N.T.Ng. (55 tuổi, trú tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) được đưa tới Khoa Hồi sức cấp cứu và Chống độc trong tình trạng hôn mê, tăng trương lực cơ tay chân, SPO2 80%, khó thở, thở nhanh. Con gái bệnh nhân là N.T.N. cũng nhập viện trong tình trạng lơ mơ, không tiếp xúc, SPO2 98%, khó thở, thở nhanh, mệt lả, vã nhiều mồ hôi… 

Gia đình cho biết, chị N. vừa sinh con được 5 ngày. Quá trình sau sinh, sản phụ này có nằm sưởi than trong phòng kín. Trước khi 2 mẹ con nhập viện khoảng 15 phút, gia đình phát hiện bà Ng. và chị N. hôn mê, bất tỉnh, gọi không trả lời, trong phòng kín có đốt than sưởi ấm. 

Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán mẹ con chị N. bị ngộ độc khí than CO do nằm sưởi than củi. Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức cấp cứu, cho bệnh nhân thở oxy, truyền dịch. 

Hiện bà Ng. và sản phụ N. đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần ổn định và đang được tiếp tục điều trị phục hồi. 

Sản phụ và mẹ phải nhập viện cấp cứu do sưởi ấm bằng than củi, chuyên gia hướng dẫn cách sơ cứu khi bị ngộ độc - Ảnh 1.

Bác sĩ cấp cứu cho sản phụ bị ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than củi trong phòng kín

Cách sơ cứu khi bị ngộ độc khí CO

Theo bác sĩ Hạnh, ngộ độc khí than là do thiếu oxy não, trong khi các tế bào chất xám chỉ huy hoạt động của con người, chịu trách nhiệm về hoạt động tinh thần, tình cảm, lý trí lại rất nhạy cảm với tình trạng thiếu oxy. Vì vậy, khi ngộ độc khí than, các tế bào này sẽ tổn thương trước. Ngộ độc quá nặng sẽ gây tử vong, còn những người sống sót thì bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần.

Nạn nhân bị ngộ độc khí CO, nếu ngộ độc nhẹ thường chỉ thấy đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, nôn, mệt mỏi, vì thế người bệnh dễ nhầm là bị nhiễm virus. Ở một số người thấy da bị đỏ nhưng đây là triệu chứng không đặc hiệu.

Khi bị ngộ độc nặng thấy đau ngực, hồi hộp, mất định hướng, co giật, hôn mê, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, thiếu máu cơ tim, bỏng da, tiểu tiện và đại tiện không tự chủ. Bệnh nhân có thể bị ngất, tím ở môi và các đầu ngón tay, ngón chân; co cứng tay chân hoặc có những động tác bất thường. Nạn nhân thấy khó thở, thở trào bọt hồng. Tay chân sưng đau, nước tiểu sẫm màu, đỏ và ít dần.

Theo các bác sĩ, người bị ngộ độc khí CO thường ở trong phòng đóng kín cửa nhưng có động cơ đang nổ như: xe máy, máy phát điện hoặc bếp than, củi... Nếu bệnh nhân bất tỉnh hoặc tử vong thì nghĩ ngay đến ngộ độc khí. Khi đó, người nhà cần nhanh chóng mở các cửa, khẩn trương đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc và đưa đến cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất để được xử lý và điều trị kịp thời. Bởi khi ngộ độc CO trên 60% thì tỷ lệ hôn mê và tử vong cao.

Ngoài ra, bản thân người đến cấp cứu nạn nhân cũng phải chú ý đảm bảo an toàn cho mình, đồng thời nhanh chóng gọi người khác hỗ trợ, gọi cấp cứu 115. Nếu bệnh nhân thở yếu hoặc ngừng thở, phải tiến hành ngay việc thổi ngạt bằng hô hấp nhân tạo miệng - miệng hay miệng - mũi.

Nếu nạn nhân không còn tỉnh thì đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng cách và kịp thời.

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng tránh ngộ độc thì cần phải dùng than đúng cách. Không đốt than, củi trong nhà, không cho động cơ xe máy, ôtô,... nổ máy trong phòng kể cả khi mở cửa cũng rất nguy hiểm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm