Sản xuất, bán thực phẩm bẩn: 20 năm tù

18/12/2015 - 08:28
Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm làm chết 3 người trở lên, hoặc thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên... có thể bị phạt tù đến 20 năm.

Chất cấm bị phát hiện và niêm phong tại Công ty Trường Phú

Bước tiến trong xây dựng luật

Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, trong đó Điều 244 trong Bộ luật Hình sự (hiện hành) được thay thế bằng Điều 317 - tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Theo đó, sẽ truy tố hình sự với người sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm... 

Luật sư Mai Hương (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: "Việc quy định chi tiết, cụ thể các hành vi là một bước tiến trong xây dựng, ban hành Luật của Quốc hội được cử tri đồng tình ủng hộ khi mà vấn đề thực phẩm “bẩn” vi phạm nghiêm trọng VSATTP; sử dụng, pha trộn các loại chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt vì lợi nhuận trước mắt đang gây nên những hậu quả đau lòng với xã hội như ô nhiễm, bệnh tật, đặc biệt là các bệnh về ung thư. Việc quy định cụ thể các hành vi vi phạm ATTP sẽ bị xử lý hình sự với mức phạt tù từ 1 năm đến 20 năm còn thể hiện Luật đã tiếp cận được những vấn đề đang và sẽ diễn ra trong thực tế cuộc sống với những quy định chi tiết, rõ ràng đầy tính răn đe”.   

Bộ luật Hình sự (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. 

Tình trạng sử dụng chất cấm rất phức tạp

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT), Thanh tra Bộ và Cục Cảnh sát môi trường (C49 - Bộ Công an) cho hay: đơn vị này cùng các đơn vị chức năng vừa lấy 89 mẫu thức ăn chăn nuôi của các công ty nghi vấn. Kết quả cho thấy có 23 mẫu dương tính với Salbutamol, trong đó 16 mẫu vượt ngưỡng cho phép (50ppb). Kiểm tra 13 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội... xác định được hai công ty có sử dụng Salbutamol là công ty Trường Phú và công ty Thịnh Đức. Hai công ty này còn sử dụng chất tạo mầu công nghiệp (Auramine) để sản xuất thức ăn cho gà. Hiện toàn bộ sản phẩm vi phạm đã được niêm phong và chuyển cho cơ quan CA xử lý.

Từ thông tin phản ánh qua hòm thư điện tử và đường dây nóng, ngày 2/12, Thanh tra Bộ lấy mẫu thức ăn tại trang trại của ông Nguyễn Quyền Anh ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã phát hiện có chứa Salbutamol với hàm lượng 4.845 ppb, cao gấp gần 100 lần so với quy định. “Việc liên tục phát hiện sai phạm liên quan tới sử dụng Salbutamol cho thấy, tình trạng sử dụng chất cấm vẫn rất phức tạp,” ông Dũng cho biết thêm.

Báo cáo của Cục Chăn nuôi về kết quả kiểm soát chất cấm trong 10 tháng của năm 2015 cho thấy: Tại 22 tỉnh, thành phố, khi kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi lợn thịt, cơ sở giết mổ, đã phát hiện 1 mẫu thức ăn, 135 mẫu nước tiểu dương tính với chất Salbutamol. Nồng độ chất Salbutamol trong các mẫu nước tiểu rất cao (cao nhất tính theo chỉ số chuyên ngành là 665ppb). Vi phạm này tập trung ở các tỉnh Đồng Nai, An Giang, Tiền Giang, Tây Ninh…                         

Salbutamol là hóa chất có tác dụng giãn phế quản, được dùng làm thuốc điều trị hen suyễn, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Khi trộn vào thức ăn gia súc, gia cầm, các chất này có tác dụng thúc cho lợn lớn nhanh hơn, mông, vai nở hơn, tỉ lệ nạc cao hơn, màu sắc thịt đỏ hơn... Tuy nhiên, người ăn phải thịt gia súc nuôi bằng hóa chất này sẽ bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, có nguy cơ tích lũy trong cơ thể và bị ngộ độc cao.

Khoản 4 Điều 317 tội vi phạm về VSATTP quy định: Người nào vi phạm các quy định về ATTP mà phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Làm chết 03 người trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Thu lợi bất chính 1tỷ đồng trở lên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm