Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc BV Nhi đồng 1 cho biết, trước đây, tại Việt Nam không phẫu thuật được bệnh liệt đám rối thần kinh cánh tay do phẫu thuật chuyên sâu, phức tạp. Đến năm 2010, được sự giúp đỡ của các bác sĩ người Pháp Alain Gilbert, BV Nhi đồng 1 mới phẫu thuật cho trẻ bị mắc bệnh này. “Trong 5 năm qua, BV Nhi đồng 1 đã phẫu thuật cho hơn 100 trường hợp, qua đánh giá sơ bộ thấy 70 – 80% trẻ phục hồi tốt. Hiện mỗi tháng, bệnh viện tiếp nhận điều từ từ 5-6 trường hợp”.
Sở dĩ trẻ bị liệt đám rối dây thần kinh cánh tay là do sang chấn sản khoa. Những trường hợp sản phụ sinh thường nhưng khó sinh, các bác sĩ, hộ sinh phải kéo em bé ra ngoài làm tổn thương vùng đám rối thần kinh chi phối toàn bộ cánh tay. Từ đó dẫn đến vùng tay bị tổn thương sẽ không cử động được, nhẹ thì bị liệt một phần cánh tay, nặng thì dẫn tới liệt toàn bộ cánh tay.
Nếu tổn thương được phát hiện, điều trị kịp thời thì có thể trả lại cánh tay hoạt động bình thường cho bé. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà trẻ thường được điều trị muộn, khiến cho nhiều trẻ bị liệt cánh tay suốt đời. “Do trình độ y tế, dân trí còn hạn chế. Nhiều bậc phụ huynh rất thiếu thông tin về bệnh, còn một số khác nghĩ rằng nên để con lớn lên mới tiến hành điều trị khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn. Từ đó làm cho cánh tay của trẻ có thể bị liệt suốt đời”, BS Lê Hữu Khánh, trưởng khoa chấn thương – chỉnh hình, BV Nhi đồng 1 cho hay.
BS Đặng Khải Minh, khoa chấn thương - chỉnh hình, BV Nhi đồng 1, người phụ trách mổ các trường hợp liệt đám rối thần kinh cách tay cho biết, đối với những trẻ mắc bệnh, trong khoảng thời gian từ 1 – 2 ngày sau khi bé được sinh ra sẽ thấy cánh tay của bé yếu hoặc không cử động được.
Thời gian vàng để phẫu thuật bệnh liệt đám rối thần kinh cánh tay là khi em bé từ 3 đến 12 tháng tuổi. Trễ hơn, cũng có thể phẫu thuật được những kết quả phục hồi sẽ không cao, khó có thể giúp cánh tay của bé hoạt động được bình thường trở lại.
Trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi có thể phẫu thuật can thiệp trên thần kinh bằng cách khâu nối thần kinh hoặc chuyển ghép thần kinh. Còn với những trẻ lớn hơn thì thực hiện phẫu thuật chuyển gân cơ, một số trường hợp dùng cơ ở lưng chuyển về phần cánh tay, tuy nhiên chỉ điều trị được một phần thôi chứ không điều trị hoàn toàn được.
Thời gian điều trị, tiếp nhận lý tưởng nhất là sau sinh được 2 tuần, các bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi trong vòng 3 tháng, mỗi một tháng sẽ đánh giá 1 lần để xem mức độ phục hồi như thế nào. Sau 3 tháng theo dõi thì quyết định sẽ phẫu thuật hay không. “Thời gian phẫu thuật có thể kéo dài từ 2 – 6 tiếng, tùy vào chỉ định phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật phải chờ khoảng thời gian từ 9 – 12 tháng thì mới đánh giá được mức độ phục hồi. Bệnh nhi sẽ được băng cố định trong vòng 3 tuần, sau đó sẽ được tập vật lý trị liệu thụ động”, Bs Minh thông tin.
Các bác sĩ khuyến cáo, sau khi sinh, các bậc phụ huynh cần để ý khả nặng vận động của con. Nếu thấy trẻ bị yếu hoặc liệt chi, phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện để các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và có giải pháp can thiệp kịp thời.