'Sao không hỏi vì sao xe cấp cứu 1h mới tới ?'

03/03/2016 - 17:50
Trong khi dư luận lên án những người "lãnh cảm" trong vụ tai nạn thương tâm tại Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội), bác sĩ Võ Xuân Sơn đặt câu hỏi: "Tại sao xe cấp cứu phải mất tới 1 giờ mới tới được hiện trường?"
Trên trang Facebook cá nhân, bác sĩ Võ Xuân Sơn - công tác tại TP HCM - cho rằng, hẳn là cần lên án thái độ thờ ơ với tính mạng con người của một bộ phận người dân hiện nay. Nhưng trước hết, chính quyền cần phải quan tâm đến các vấn đề sống còn của người dân hơn nữa. Không thể đổ hết lỗi cho dân được. Dưới đây là nội dung bài chia sẻ của facebooker Võ Xuân Sơn: 

"Rất nhiều ý kiến trái chiều nhau, người thì phẫn nộ vì thái độ thấy chết không cứu, người lại cho rằng việc cứu người làm người ta gặp phiền phức, có người cho rằng không biết cấp cứu chỉ gây thêm nguy hiểm cho nạn nhân. Tuy nhiên, có một vấn đề mà không ai đặt câu hỏi, là tại sao xe cấp cứu phải mất tới 1 giờ mới tới được hiện trường vụ tai nạn?
tai_nan_camry.jpg
Xe Camry đâm và làm tử vong 3 người ở Ái Mộ, Long Biên, Hà Nội
Cách đây khoảng 35 năm, tại một thành phố tỉnh lẻ của một nước Đông Âu, tôi đang chờ xe đi qua để đi bộ qua ngã tư đường (không có đèn giao thông), thì một chiếc xe hơi rẽ trái tông vào bên hông một chiếc tàu điện đang đi thẳng. Lần đầu tiên nhìn thấy tai nạn ở nước ngoài, tôi sững người.
 
Sau khoảng 1 phút sững sờ, tôi băng qua ngã tư. Khi đi qua gần hết ngã tư thì nghe còi hú. Xe cảnh sát chạy đằng trước, xe cấp cứu chạy đằng sau lao đến. Tôi phải vội vàng chạy lên lề đường để cho xe cảnh sát và xe cấp cứu tiến đến sát hiện trường vụ tai nạn. Chỉ khoảng hơn 1 phút từ khi tai nạn xảy ra.

Cách đây 15 năm, tại một trạm xe buýt ở nước Mỹ, một thanh niên ăn mặc bụi, đến gặp tôi xin thuốc hút. Tôi không cho, anh ta nói gì đó bằng tiếng tây Ban Nha, vẻ cà khịa.

Một chút sau, một xe cảnh sát chạy tới ngã tư giải quyết gì đó. Thanh niên định cà khịa với tôi lảng đi. Vài phút sau xe cảnh sát cũng đi luôn. 15 phút sau, xe cảnh sát lại quay lại. Một cảnh sát hỏi tôi là thanh niên kia đâu rồi. Thì ra là họ sợ tôi bị tấn công. Một cảnh sát xuống xe, hướng dẫn tôi cách nhấn chuông báo động nếu bị tấn công.
 
Cách đây khoảng 10 năm. Tôi đang ở Bình Dương thì nhận được điện thoại của chị tôi (60 tuổi) bị té trên sân thượng nhà. Không biết té thế nào nhưng chị đang nằm dưới sàn, rất đau cổ và tê tay chân. Tôi nói chị gọi cấp cứu, vì nhà chị ở cách Trung tâm Y tế quận khoảng 500m, còn tôi đang ở cách đó khoảng hơn 30 km.
xe_cuu_thuong.jpg
Xe cấp cứu tại Việt Nam phải mất rất nhiều thời gian tới được hiện trường
Khoảng nửa giờ sau, chị lại gọi cho tôi, rằng chị rất đau, mà cấp cứu thì chẳng thấy đâu. Cũng phải mất 30 phút sau tôi mới chạy về tới Sài Gòn. Khi tới nhà chị, tôi thấy xe cấp cứu đang đậu trước cửa - xe của Trung tâm Y tế cách nhà chị 500m. Chạy lên sân thượng, chị đang nằm dưới sàn. Anh lái xe và một điều dưỡng vừa mới tới, đang yêu cầu chị ngồi dậy. Tôi phải gọi cho đứa em chạy vào bệnh viện mua một cái nẹp cổ mang đến nhà chị. Sau hơn 3 giờ kể từ khi té, chị tôi mới được đưa xuống khỏi sân thượng và đưa vào bệnh viện.

Khi còn trực cấp cứu, tôi gặp những chuyện rất đau lòng. Có người bị tai nạn giao thông, tại hiện trường không bị liệt, nhưng khi đưa đến bệnh viện thì liệt tứ chi do chấn thương cột sống cổ. Có trường hợp té giếng bị đau lưng nhưng không liệt. Cho một người xuống, buộc dây vào lưng nạn nhân kéo lên. Khi lên tới gần miệng giếng thì dây đứt, nạn nhân và cả người xuống cấp cứu đều liệt tứ chi.  

Có một thời gian, tôi được phân công báo cáo các bài về sơ cấp cứu nạn nhân chấn thương cột sống tại hiện trường cho y tế tuyến quận huyện ở khu vực phía Nam, một chương trình phổ biến kiến thức sơ cấp cứu của Bộ Y tế. Gần đây, ở Sài gòn, người ta đã chú ý hơn đến công tác cấp cứu tại hiện trường, thành lập những đội cấp cứu phản ứng nhanh. Đặc biệt là mới có đội xe cấp cứu tư nhân hùng hậu nhập từ Mỹ".

Bài viết của facebooker Võ Xuân Sơn nhận được nhiều bình luận của cộng đồng mạng. Tài khoản Hue Dang viết: "Cảm ơn bài viết của anh, cần phát triển dịch vụ sơ cứu và trang bị kiến thức sơ cứu cho người dân. Đặc biệt nên có đội phản ứng nhanh như anh nói".

Duy Minh bình luận: "Cấp cứu nơi công cộng là trách nhiệm của chính quyền, những người được huấn luyện chuyên môn để xử trí cấp cứu. Người dân có trách nhiệm hỗ trợ tại chỗ cho người bị nạn và gọi ngay cho cơ quan cấp cứu. Ở các nước người ta quy định trách nhiệm của các cơ quan cấp cứu trong vòng thời gian nhất định phải có mặt tại hiện trường, nếu trễ sẽ bị truy cứu trước pháp luật. Ở Việt Nam thì người ta lại truy cứu người đi qua khu vực tai nạn để kết tội nhưng không đề cập đến đơn vị chịu trách nhiệm cấp cứu tai nạn".

Facebooker Nguyen Kiet cho rằng: "Kể cả sinh viên Y khoa còn không biết sơ cấp cứu nữa huống chi là người dân". Đồng quan điểm này, tài khoản Nguyễn Châu Hoàng Thành cho rằng, kiến thức về cấp cứu - cứu hộ, cứu nạn nên được phổ cập như thường thức.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm