Không khó để bắt gặp hình ảnh người đi bộ dán mắt vào điện thoại đi trên đường phố Seoul |
Những “thây ma” đang chiếm giữ đường phố của Thủ đô Seoul. Đó không phải là một cảnh trong “Chuyến tàu tới Busan”, một bộ phim bom tấn trong mùa hè này của điện ảnh Hàn Quốc, mà là một cách nói ví von về những người nghiện điện thoại di động hằng ngày vẫn đi lại trên đường trong trạng thái dường như chẳng quan tâm đến bất cứ điều gì xung quanh ngoại trừ tin nhắn và thông báo trên điện thoại của mình.
Ở một thành phố có hơn 80% dân số sở hữu điện thoại thông minh như Seoul thật không khó để chứng kiến cảnh tượng này. “Tôi suýt nữa đã đâm vào ô tô trong lúc mải nhắn tin khi đi sang đường. Tôi không nghĩ việc nhắn tin khi sang đường có gì đáng lo ngại. Có lẽ tôi chưa thấy rõ mức độ nguy hiểm của hành động đó”, Shin Ji-won, một cô gái 24 tuổi, cho biết.
Chính quyền thành phố Seoul cho biết, số tai nạn giao thông liên quan tới người đi bộ đã tăng gấp 3 lần trong vòng 5 năm qua. “Con số này không chỉ cho thấy sự gia tăng đáng lo ngại về số lượng mà còn là mức độ nguy hiểm của những vụ tai nạn đối với người đi bộ. Trước thực tế đó, chính quyền thành phố phải hành động để thay đổi”, người đứng đầu cơ quan điều hành giao thông của thành phố Kang Jin-dong cho biết.
Biển báo được lắp đặt tại 5 khu vực đông người đi bộ trong thành phố Seoul |
Tại 5 khu vực có đông khách bộ hành nhất của thành phố, người ta đã cho lắp những biển báo trên vỉa hè. “Hãy cẩn thận khi sử dụng smarphone trong khi đi bộ”, đó là nội dung một biển báo có hình một người đi bộ do mải sử dụng điện thoại di động nên đã va vào ô tô.
Ngoài biển báo, trên vỉa hè còn dán các miếng dán mang tính nhắc nhở, tương tự biển báo cấm hút thuốc lá, với dòng chữ “Đi bộ an toàn”. Ông Kang cho biết, dự án thí điểm trong vòng 6 tháng với chi phí khoảng 33.000$ này đang tiến triển tốt. “Tuy nhiên, biển báo cần phải to hơn để gây sự chú ý hơn”, Kim Young-il, 33 tuổi, một người nghiện nhắn tin khi đi bộ, cho biết.
Hình cảnh báo được dán trên vỉa hè |
Ông Kang cho biết, cơ quan điều hành giao thông của thành phố đang lấy ý kiến phản hồi, đóng góp của người dân về dự án này. Theo kế hoạch, dự án sẽ được nhân rộng ra cả nước vào năm 2017.
Seoul không phải là thành phố duy nhất trên thế giới tìm cách giải quyết vấn đề mất tập trung của người đi bộ khi tham gia lưu thông do bị phân tâm bởi điện thoại. Tại Augsburg, một thành phố gần Munich, Đức, người ta đã lắp dải đèn LED trên mặt đất để cảnh báo người đi bộ khi băng qua đường ray xe điện. Năm 2014, một công viên ở Trùng Khánh, Trung Quốc, đã sơn làn đường dài 30m trên vỉa hè để phân chia làn dành cho người đi bộ có thói quen hay nhắn tin mang tính cảnh báo. Tại thành phố Rexburg, bang Idaho, Mỹ, chính quyền thành phố còn thông qua một đạo luật năm 2011, phạt 50$ đối với người nhắn tin trong lúc đi sang đường.
Nghiên cứu cho thấy 15% người sử dụng smartphone ở Hàn Quốc bị "nghiện" điện thoại |
“Nghiên cứu cho thấy 15% người sử dụng điện thoại thông minh ở Hàn Quốc bị “nghiện” điện thoại”, Hyun-Seob Cho, một nhà tâm lý học và Giáo sư về phục hồi chức năng sau cai nghiện của trường ĐH Chongshin cho biết. Theo Giáo sư Cho, có nhiều dấu hiệu cho thấy một người bị nghiện sử dụng điện thoại thông minh. Đơn cử, cảm giác chiếc điện thoại như một phần cơ thể của mình, bạn cảm thấy lo lắng nếu không có điện thoại bên mình. Có người nghiện điện thoại di động đến mức họ phải mang theo thiết bị này đến mọi nơi, kể cả buồng tắm. Theo Giáo sư Cho, chứng nghiện điện thoại di động không dễ chữa. Bản thân người dung phải tự kiểm soát mình và sẵn sàng trì hoãn sự hài lòng trước mỗi tin nhắn, chạm và vuốt, dù chỉ là vài giây. “Tôi nghĩ mình cũng là một thây ma điện thoại di động. Tôi cần phải thay đổi nhưng thật không dễ để đặt cái điện thoại xa khỏi tay bạn”, Shin Ji-won cho biết.