pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sinh con sau tuổi 35, phụ nữ đối diện với những nguy hiểm gì?
Vừa qua, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa đã hỗ trợ thành công một ca sinh mổ cho sản phụ 63 tuổi (trú tại huyện Thọ Xuân). Bé trai nặng 3kg, khỏe mạnh bình thường, chào đời bằng phương pháp sinh mổ. Trước đó, hai vợ chồng sản phụ đã được các bác sĩ tại bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Đây được coi là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam sinh con thành công ở lứa tuổi này bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Đây cũng là tín hiệu tích cực tạo động lực cho những người phụ nữ lớn tuổi mong muốn có con nhờ các phương pháp hỗ trợ sinh sản.
Chia sẻ về trường hợp này, Ths.BS Phan Chí Thành (Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, BV Phụ sản Trung ương) cho hay: Đây là trường hợp đặc biệt vì trên thực tế rất ít người thành công.
Theo BS Thành, những trường hợp phụ nữ tuổi cao mang thai tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và tỷ lệ thành công của IVF cũng thấp hơn nhiều so với độ tuổi 20-34.
"Sau 35 tuổi, tỷ lệ thành công của thụ tinh ống nghiệm bằng phương pháp sử dụng trứng của người mẹ đã tụt giảm, sau 40 tuổi tỷ lệ thành công rất thấp. Đặc biệt sau tuổi 45, chúng tôi không khuyến cáo sử dụng trứng của người mẹ vì hầu hết chu kỳ IVF sẽ thất bại và đem lại phôi bất thường cao do trứng bị thoái hóa", BS Thành nhấn mạnh.
Cũng theo BS Thành, độ tuổi của chị em phụ nữ ảnh hưởng lớn đến khả năng làm mẹ do tuổi càng cao chất lượng trứng càng kém và số lượng trứng ít khiến việc thụ thai gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, ở độ tuổi 20-30, phụ nữ dễ thụ thai nhất. Sau đó, khả năng thụ thai giảm dần, ở mốc 35 tuổi trở đi bắt đầu giảm mạnh. Đến khi bước sang tuổi 45, rất ít phụ nữ có thể thụ thai một cách tự nhiên do tỉ lệ thai bất thường cao.
Những nguy cơ có thể gặp khi mang thai muộn
Theo BS Thành, mang thai sau tuổi 35 có thể gặp nhiều khó khăn, thậm chí đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé.
"Phụ nữ lớn tuổi thường có sẵn nhiều vấn đề về bệnh lý hơn so với phụ nữ trẻ, chẳng hạn như bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp dễ dẫn tới nguy cơ tiền sản giật. Nguy cơ mắc tiểu đường hay tiểu đường thai lỳ cũng gia tăng theo tuổi, gây nhiều biến hứng đe dọa trực tiếp đến tính mạng người mẹ", BS Thành cho hay.
Đáng lưu ý, người mẹ lớn tuổi mang thai khiến nguy cơ thai nhi nhỏ hơn so với tuổi thai, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, nhẹ cân, nguy cơ sinh non, thai dị tật, sẩy thai... cao hơn so với người mẹ trẻ tuổi.
"Bản thân quá trình mang thai cũng sẽ làm cho các bệnh lý nền sẵn có của người mẹ như tăng huyết áp, tiểu đường, suy tim, suy thận nặng lên rất nhiều. Người mẹ cao tuổi thì nguy cơ xuất hiện các bệnh lý trong thai kỳ tăng cao hơn như tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật đẻ non hay sẩy thai. Như một vòng xoắn bệnh lý quá trình mang thai làm cho sức khỏe người mẹ kém đi và khi người mẹ không khỏe thì lại càng ảnh hưởng đến thai nhi", BS Thành nói thêm.
Ngoài ra, sau khi sinh con, khoảng cách và tuổi tác cũng ảnh hưởng đến quá trình nuôi dưỡng, trò chuyện với con.
Phụ nữ sinh con sau 35 tuổi cần lưu ý gì
BS Thành khuyến cáo, phụ nữ mang thai, đặc biệt là mang thai muộn sau 35 tuổi cần lưu ý nhiều điều để đảm bảo sức khỏe của bản thân và thai nhi.
Thứ nhất, người phụ nữ nên khám sức khỏe trước khi dự định mang thai để xem đủ điều kiện, sức khỏe làm mẹ hay không. Nếu không đủ sức khỏe thì không nên cố mang thai mà cần được tư vấn các biện pháp tránh thai, tránh trường hợp mang thai ngoài ý muốn khi mẹ có bệnh lý nền nặng.
Thứ hai, trong quá trình mang thai phải sàng lọc dị tật, đồng thời theo dõi chặt chẽ cả quá trình thai kỳ.
Thứ bam phụ nữ mang thai nên xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, tăng cường sức đề kháng cho mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi.
BS Thành cũng đưa ra lời khuyên, độ tuổi mang thai tốt nhất của phụ nữ là dưới 35 tuổi. Nên cố gắng mang thai trong vòng 1 năm sau khi kết hôn, nếu không có thai thì nên đi khám hiếm muộn. Với phụ nữ trên 35 tuổi, nếu trong vòng tháng cố gắng mang thai mà không đạt hiệu quả thì nên đi khám hiếm muộn.