Số bé trai bị lõm ngực nhiều gấp đôi bé gái

26/05/2017 - 11:57
Cứ 1000 trẻ có khoảng 2-3 em bị lõm ngực, trong đó tỷ lệ mắc giữa nam và nữ là 4:2. Theo các bác sĩ, phẫu thuật lõm ngực cho trẻ từ 7 tuổi trở lên là an toàn, hiệu quả nhất.
Bệnh lõm ngực là một bệnh thuộc dạng dị tật xuất hiện từ bào thai. Sinh ra đứa trẻ đã mang sẵn nguyên nhân gây bệnh. Người bị bệnh xuất hiện một vết lõm sâu ở thành ngực trước. Trên cơ thể người bệnh, thành ngực không nở nang mà trái lại, chúng bị lõm sâu vào trong lồng ngực.

Bản chất của bệnh là do sự phát triển bất thường của một số xương sườn và xương ức theo chiều hướng đi vào trong và ra sau. Chính vì thế mà tạo ra một vết lõm hiển hiện ngay trước ngực đúng như tên gọi bệnh lõm ngực. 

Bác sĩ Lê Hữu Phúc, phụ trách khoa Chấn thương chỉnh hình – BV Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, cứ khoảng 1.000 trẻ sinh ra thì có khoảng 2-3 trẻ bị biến dạng lồng ngực. Trong đó, tỉ lệ mắc bệnh của bé gái chỉ bằng nửa so với bé trai (2:4).

Theo bác sĩ Phúc, BV Nhi đồng 1 tiến hành tiến hành phẫu thuật lõm ngực từ năm 2010. Trong thời gian đầu, mỗi năm, bệnh viện chỉ phẫu thuật cho khoảng 80 trường hợp. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây thì số lượng bệnh nhân được phẫu thuật đã tăng lên gần gấp đôi, với 150 trường hợp/năm. Trong đó, đa số bệnh nhân nhập viện vào khoảng từ 7-15 tuổi.

“Bệnh lõm ngực không chỉ làm giảm tính thẩm mỹ mà đối với những trường hợp bị nặng, nó có thể kèm theo những bất thường liên quan đến bệnh lý về tim mạch, phổi… ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vì thế, khi phát hiện trẻ bị lõm ngực thì các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, điều trị”, bác sĩ Phúc cho hay.

Bác sĩ Đặng Khải Minh, khoa Chấn thương chỉnh hình – BV Nhi đồng 1 cho biết, khi sinh ra, có những trường hợp lõm ngực nặng thì cha mẹ có thể phát hiện ra ngay do vùng ngực của trẻ bị lõm sâu vào trong.  Nhưng cũng có trường hợp bị lõm nhẹ, khoảng 9 tuổi hoặc thậm chí đến 14 tuổi mới phát hiện được.

tre-lom-nguc-1.jpg
Một bé trai đang điều trị lõm ngực tại BV Nhi đồng 1, TPHCM
“Nếu bé ở tầm 2-3 tuổi thì sẽ có phác đồ điều trị, hướng dẫn cho trẻ tự tập ở nhà, cho trẻ đi bơi hoặc vận động để tăng công hô hấp. Chúng tôi khuyến cáo cha mẹ phải đặc biệt xem con như một đứa trẻ bình thường. Bên cạnh đó, chú ý cho con tập bơi là tốt nhất.  Bé sau 5 tuổi thì mỗi năm đến bệnh viện kiểm tra một lần. Trên lâm sàng, nếu có chỉ định phẫu thuật thì sẽ CT kiểm tra tất cả lồng ngực, và quyết định có phẫu thuật cho bệnh nhân hay không”, bác sĩ Minh thông tin.

Theo Bác sĩ Minh, một ca phẫu thuật ngực lõm sẽ kéo dài trong khoảng 30 phút, độ tuổi phẫu thuật tốt nhất là từ 7 tuổi trở lên. Trong quá trình mổ bác sĩ thì sử dụng một thanh nâng ngực bằng kim loại đã uốn cong theo hình lồng ngực. Đặt thanh này phía sau xương ức và trên những xương sườn. Sau khoảng 2-3 năm, khi ngực đã được định hình thì tiến hành rút thanh nâng ngực ra.

Tuy nhiên, đối với những bệnh nhi được chỉ định mổ từ 2-3 tuổi thì chỉ khoảng hơn 1 năm là phải lấy thanh nâng ngực ra vì sự phát triển sẽ gây chèn ép, ảnh hưởng đến trẻ. 3 tháng sau phẫu thuật thì trẻ vận động nhẹ nhàng, hạn chế đi xe đạp, vận động thể thao mạnh. Từ 3-6 tháng sau mổ, trẻ tập những động tác nhẹ nhàng. Sau 6 tháng, khi kiểm tra lại, nếu thanh nâng ngực không di lệch thì trẻ được khuyến cao chơi thể thao, đặc biệt là môn bơi lội để phát triển lồng ngực.

Cũng theo bác sĩ Minh, trong phẫu thuật ngực lõm thì việc giảm đau được đánh giá là là rất quan trọng. “ Trước đây, khi mới triển khai mổ cho bệnh nhân thì bệnh nhân rất đau, phải sử dụng máy thở và morphin để giảm đau. Do vậy, bệnh viên chỉ phẫu thuật được từ 1 – 2 ca/ngày. Sau này, với sự phát triển kĩ thuật, dùng tê ngoài màng cứng, giảm đau truyền tĩnh mạch, không dùng morphin nên sau mổ bệnh nhân không cần nằm hồi sức và máy thở. Điều này giúp cho số lượng bệnh nhân được phẫu thuật mỗi ngày tăng lên gấp 2-3 lần”, bác sĩ  Minh cho hay.

Hiện tại, chi phí một ca phẫu thuật lõm ngực tại BV Nhi đồng 1 là khoảng 25 triệu đồng. Trong hai năm trở lại đây, phẫu thuật lõm ngực đã được Bảo hiểm y tế chi trả 80%, giúp cho nhiều người dễ dàng tiếp cận phẫu thuật hơn.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm