Bé Bon (con trai anh Tuấn) vô cùng bướng bỉnh và nghịch ngợm. Bé hoạt động luôn chân luôn tay và không bao giờ chịu ngồi yên dù chỉ 1 phút. Dù ở lớp hay đi chơi, bé Bon cũng khiến người lớn mệt nhoài vì phải canh chừng bé. Bởi, chỉ sơ sểnh vài phút, đống đồ chơi sẽ lanh tanh bành, những đứa trẻ chơi cùng sẽ gào thét vì bị Bon đánh.
Thấy con trai không “thuần” như nhiều đứa trẻ khác, anh Tuấn rất lo. Anh sợ, với tính cách ấy, sau này con dễ trở thành “đầu gấu”, suốt ngày đi đánh nhau và không thể quản lý nổi. Thế nên, anh rèn con vào nếp ngay từ nhỏ với cách giáo dục rất nghiêm khắc. Anh yêu cầu con làm gì cũng phải xin phép bố, từ những việc nhỏ nhất.
Con khát nước và ra rót nước uống, thế nhưng chưa kịp uống đã bị bố quát: Con đã xin phép bố uống nước chưa? Lần sau không xin phép, bố sẽ không cho con uống đâu nhé! Đang ở trên giường nhảy xuống sàn nhà chơi, Bon cũng bị bố quát giật lại: Ai cho phép chơi mà con xuống? Muốn xuống chơi, con phải xin phép chứ!...
Nhiều khi đang chơi vui với các bạn thì cu cậu lại bị bố quát ầm ĩ: Bố có cho phép con chơi trò này đâu mà con chơi. Ra đứng úp mặt vào tường! Chỉ tội cho cu Bon, tiếng thét của bố làm cậu ấm ức, hậm hực và sợ sệt khi bố giơ tay đánh.
Ai tiếp xúc với ông bố này cũng cảm thấy hãi hùng khi anh quá áp đặt con, cấm đoán con những chuyện không cần thiết. Chỉ tội cho cậu con trai mất hết tự do và bị giam cầm trong khuôn phép quá cứng nhắc của bố. Ông bố thì khăng khăng bảo vệ sự “quân phiệt” của mình với lý lẽ “dẹp loạn ngay từ đầu để con không có cơ hội biến thành giặc”.
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương, tác giả cuốn sách "Dạy con trong hoang mang", cho rằng, cách dạy con theo kiểu độc đoán có thể tạo nên những đứa con biết lễ phép và vâng lời trong gia đình, có thể học tập tốt, kỷ luật tốt ở trường và công dân biết phục tùng ngoài xã hội. Tuy nhiên, việc dạy con độc đoán sẽ mang lại những hậu quả tiêu cực. Đó là sự tức giận, bất mãn và uất ức của con cái khi chúng bị áp lực hay thậm chí đàn áp để tuân phục những mệnh lệnh, lề luật của bố mẹ.
Về cảm xúc, chúng thường tự ti, bất hạnh, giận dữ hay yếu duối, thiếu tình nhân ái. Về trí tuệ, chúng không có khả năng sáng tạo và tư duy độc lập. Trong xã hội, chúng kém khi ứng xử giao tiếp. Nếu trở thành người lãnh đạo, chúng sẽ áp dụng mô hình “cai trị” của cha mẹ đối với nhân viên: Đòi hỏi rất nhiều nhưng hỗ trợ không bao nhiêu, thích nhân viên phục tùng và không được phép thắc mắc và kiếm lỗi để trừng phạt nhiều hơn là thấy công để khen thưởng. Nếu là cấp dưới, những đứa trẻ này luôn sống trong sự sợ hãi sẽ thất bại, một mặt luôn muốn làm vui lòng nhưng lại ngấm ngầm bất mãn, căm tức cấp trên.