Cơm độn toàn ngô, khoai lang hoặc sắn tàu mà vẫn đói quanh năm. Quê tôi có con sông Văn Úc chảy qua nên ruộng bãi trù phú. Bãi ngô xanh mướt giúp người dân quê đỡ đói khi “ngày ba tháng tám”. Ngày ấy, chỉ trồng ngô tẻ để có năng suất. Một hạt gạo “cõng” bao nhiêu hạt ngô vàng cháy bát. Ăn độn nhiều, không biết hương vị trọn vẹn của bát cơm nên mẹ tôi đem bung ngô ăn riêng. Tôi nhớ mãi cái mùi nồng nồng của ngô tẻ xay bung.
Ngày ấy, đường hiếm hoi lắm chỉ để lúc ốm đau mới dùng, nên chỉ có ngô bung với muối nhưng cũng chỉ được lưng bụng. Nhiều bữa, em tôi phụng phịu không ăn, mẹ tôi nhường cả lưng bát cơm cho em. Món bánh đúc ngô mẹ làm khiến tôi nhớ mãi. Giờ thèm lắm nhưng không tìm đâu ra! Có nhà còn cân đong chia tiêu chuẩn cho từng bữa, được ăn no là mơ ước xa vời. Khi chúng tôi học sư phạm, cơm cũng toàn ngô. Nhiều nam sinh viên không chịu được toàn đau bụng. Thế mà lũ con gái chúng tôi có 3 đứa mà chén hết bay 5 suất.
Ngày ấy đong gạo là cả một kỳ công. Xếp hàng cả tuần có khi cả tháng mà còn thấp thỏm sợ mất sổ mới đong được mấy cân gạo hẩm và ngô tẻ xay, có khi là hạt bo bo. Năm 1972, có lần lên lớp, một học sinh nam bị ngất phải cấp cứu. Nhìn em đau đớn quằn quại thật tội nghiệp. Thì ra mấy ngày liền, em toàn ăn sắn tàu nên bị ngộ độc. Phần lớn học trò ngày ấy đều đói nghèo, thiếu thốn như thế. Vậy mà các em chăm học, vẫn nghĩa tình. Nghĩ lại bây giờ “sống mũi còn cay”!
Cùng với ngô, khoai lang cũng là bạn thân thiết của người dân quê tôi. Mùa dỡ khoai, nghỉ hè, chúng tôi thường rủ nhau đi mót. Chủ ruộng chỉ cần lấy chiếc cuốc lưỡi nhỏ xới hai bên luống rồi túm gốc nhấc lên. Những chùm khoai mũm mĩm thật thích mắt. Chúng tôi lụi cụi phía sau, cần mẫn cuốc lại để kiếm những củ sót lại. Thế mà mỗi buổi cũng được cân hơn, cân kém. Có đứa làm giỏi được người lớn thuê làm rồi trả công bằng vài cân khoai. Khoai “chuột lột” trồng đất cát bở tơi rất ngon nhưng ăn nhiều nóng ruột nên người ta nghĩ ra nhiều món cho dễ ăn.
Mùa dỡ khoai, nhà nào cũng chất đầy trong buồng và gầm giường. Thế nên nhà nào cũng tranh thủ ngày nắng, thái khoai phơi khô. Khoai được nắng rất thơm cho vào vại ủ kĩ ăn dần. Ngon nhất là món khoai khô bung với đỗ đen. Mẹ tôi ngâm đỗ, khoai khô cho mềm tay, đun mươi phút rồi gạn hết nước, vùi trong trấu. Tiếng sau bắc ra. Mùi khoai đỗ đã thấy bùi bở thật quyến rũ. Món chè khoai lang với đỗ đen cũng đưa ta trở về tuổi thơ thời nghèo khó mà nồng ấm tình quê, tình gia đình.
Giờ đủ loại gạo ngon, thức ăn không hiếm. Ngô, khoai thành hàng độc nhiều người thèm, mới thấy sung sướng! Trong cái lạnh giá của mùa đông, ăn một bát bắp nếp bung còn nóng thì rất ngon miệng. Vì thế mà ở ngã ba Lê Lợi (Hải Phòng) hay ở chợ Đằng Lâm (quận Hải An), món quà sáng này đắt hàng. Khách đủ lứa tuổi, nhưng đông nhất là người đứng tuổi.
Nói là ngô bung nhưng cũng cầu kỳ. Món này “kén” nguyên liệu lắm. Người nấu cũng phải có nghệ thuật. Phải là ngô nếp, đỗ xanh lòng. Hành xào mỡ giòn không cháy. Ngô bung chín tới mới đậm đà. Đỗ xanh đãi sạch vỏ, nhặt sạn mang đồ chín, giã nhuyễn, nắm chặt, tròn to bằng quả cam. Ngô xới vào bát. Người bán nhẹ tay thái lát đỗ mỏng tơi đều trên bắp.
Mấy thìa đường trắng rải lên, rắc trên cùng là ít hành. Màu trắng ngà của ngô, vàng ươm của đỗ xanh, đường trắng tinh, hành vàng giòn tôn nhau thật quyến rũ. Vị bùi của đỗ, dẻo thơm của ngô, quyện vị ngọt của đường, hương của hành mỡ thành món ăn sáng hấp dẫn mọi lứa tuổi. Có người bảo ăn thứ này bổ mà chắc dạ.