Sử dụng màng bọc thực phẩm an toàn

07/09/2016 - 12:13
Hiện nay, màng bọc thực phẩm trở nên quen thuộc và luôn có trong bếp của rất nhiều gia đình. Thế nhưng không phải ai cũng biết chọn và sử dụng thế nào cho an toàn.

Trên thị trường có nhiều màng bọc khác nhau với các chất liệu được ghi là nhựa PVC, PE hoặc màng nhôm. Xuất xứ của sản phẩm cũng đa dạng từ Việt Nam, đến Thái Lan, Trung Quốc. Giá của mỗi hộp màng bọc loại nhỏ dao động trong khoảng từ 25.000 đến 50.000đ, loại hộp lớn từ 150.000đ đến 400.000đ.

Phân loại các loại màng bọc thực phẩm

Màng PVC: có màu trắng ngà/hoặc vàng nhạt và ít dai khi kéo dãn; sờ có cảm giác dính tay, khó tách các lớp màng bọc khi chúng tiếp xúc trực tiếp với nhau; khó cháy, chỉ cháy khi đốt trực tiếp bằng lửa và có mùi hắc. Khi sử dụng chất liệu này để làm bao bì thực phẩm, nhà sản xuất thường phải dùng đến phụ gia để tăng thêm tính năng mềm dẻo của màng. Một số chất tạo dẻo được công nhận là an toàn và cho phép sử dụng, tuy nhiên cũng có một số chất tạo dẻo lại có nguy cơ gây ngộ độc.

Màng PE: có màu trắng, trong suốt, dai khi kéo dãn; khi sờ và sản phẩm ít dính tay, dễ dàng tách các lớp màng bọc khi chúng tiếp xúc trực tiếp với nhau; dễ bị đốt cháy bằng lửa và cháy rất nhanh, không tắt và hầu như không tạo ra mùi khi cháy. Đối với màng này, ít khi nhà sản xuất sử dụng đến chất phụ gia tạo dẻo, vì vậy tương đối an toàn khi dùng làm bao bì thực phẩm.

img_0707.JPG
 Màng bọc PE trắng, trong an toàn hơn khi sử dụng.

Màng nhôm: được làm từ hợp kim nhôm tương tự như các xoong nồi dùng để nấu thức ăn.

mang-nhom.jpg
Màng nhôm bọc thức ăn 

Sử dụng và bảo quản

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, nên chọn mua màng bọc thực phẩm của các thương hiệu có uy tín, có đăng ký chất lượng và đã qua kiểm tra chất lượng (có tên, địa chỉ của nhà sản xuất), chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm. Nhằm phòng ngừa trường hợp màng bảo quản có sử dụng phụ gia độc hại, nên hạn chế bao gói thức ăn khi còn quá nóng, vì chất phụ gia dùng để dẻo hóa bao bì có thể được phóng thích và đi vào trong thức ăn.

Đối với các màng nhựa PE hoặc PVC, nên hạn chế bao gói các thực phẩm có nhiều dầu mỡ, nhất là khi cần hâm nóng trong lò vi sóng, các màng này có thể bị tan chảy dễ dàng.

Màng bọc thực phẩm PVC chỉ thích hợp với những loại thực phẩm chưa qua chế biến và cần phải rửa sạch lại thực phẩm khi chế biến món ăn; màng PE phù hợp dùng để bảo quản thức ăn đã qua sơ chế.

Màng nhôm thường được dùng để bọc bên ngoài thực phẩm như cá, thịt nướng, giúp giữ hơi nước bên trong thực phẩm, giúp thức ăn không bị bay hơi hay mất mùi và không bị cháy. Không được sử dụng màng nhôm trong lò vi sóng vì chất nhôm sẽ làm chệch hướng sóng điện từ, có thể gây hại cho lò.

1.jpg
 Thực phẩm cần bảo quản phải được làm sạch, để khô, ráo trước khi sử dụng màng bọc.

Người tiêu dùng nên chọn màng bọc PE trắng, trong, ít dính tay để bảo quản thực phẩm. Thực phẩm cần bảo quản phải được làm sạch, để khô, ráo trước khi sử dụng màng bọc trực tiếp bao phủ sản phẩm. Đối với thực phẩm ăn ngay, thực phẩm lỏng, thực phẩm có tính kiềm, hoặc acid (dưa muối, sa lát trộn dấm…), thực phẩm nhiều dầu, mỡ không sử dụng màng bọc trực tiếp bao phủ sản phẩm. Không sử dụng màng bọc ngay khi thức ăn còn nóng (trên 70o C). Tuyệt đối không rã đông, chế biến bằng lò vi sóng hoặc các phương pháp gia nhiệt khác (nướng, áp chảo, rán…) đối với thực phẩm được bao gói cùng với màng bọc thực phẩm.

Cần bảo quản màng bọc ở nơi có nhiệt độ trung bình. Những nơi có nhiệt độ cao hoặc quá thấp dễ làm màng bọc biến chất và sinh độc tố. Không sử dụng màng bọc có dấu hiệu nấm mốc, bị sun, xuất hiện mùi lạ… Ngoài màng bọc, bạn nên mua sắm các vật đựng thức ăn chất lượng, có nắp đậy đi kèm để bảo quản tốt thực phẩm trong nhà.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm