Mới đây, nhiều phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bức xúc khi nước đóng bình mà nhà trường sử dụng cho các bé uống có trực khuẩn mủ xanh.
Theo đó, kết quả xét nghiệm của Viện Hóa học được trả vào ngày 24/12 cho thấy, xét nghiệm 1 mẫu nước còn nguyên niêm phong của nhà sản xuất phát hiện vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh) với tỉ lệ 68vk/250ml nước”. Ngay sau đó, nhà trường đã thay thế bằng một loại nước khác.
Vậy trực khuẩn mủ xanh có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không, nguy hiểm như thế nào là câu hỏi được nhiều phụ huynh quan tâm.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), trực khuẩn mủ xanh là một nhóm vi khuẩn có thể gây ra nhiều loại nhiễm trùng khác nhau. Là nguyên nhân chính gây ra nhiễm trùng bệnh viện và nhiễm trùng cơ hội. Theo đó, người nhiễm trực khuẩn mủ xanh có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng máu), viêm phổi, viêm họng và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Trực khuẩn mủ xanh sống ở trong đất, nước. Ở nơi có không khí, đủ độ ẩm và không có ánh sáng mặt trời, vi khuẩn sống được hằng tuần. Trong môi trường chất dinh dưỡng tối thiểu trong tủ lạnh, chúng có thể sống được 6 tháng. Vi khuẩn bị tiêu diệt ở 100 độ C và bởi các thuốc sát khuẩn thông thường.
Trực khuẩn mủ xanh xâm nhập vào cơ thể qua da (nhất là sau khi bị bỏng) hoặc qua vết thương, do phẫu thuật. Tại chỗ vi khuẩn gây viêm có mủ điển hình là mủ màu xanh. Nếu cơ thể giảm sức đề kháng hoặc do bệnh toàn thân, vi khuẩn xâm nhập và gây viêm các cơ quan như viêm bàng quang, tai giữa, màng não, màng bụng. Ngoài ra, ngày nay trực khuẩn mủ xanh được coi là tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện mắc phải ở những bệnh nhân nằm viện lâu ngày.
Khi bị nhiễm trực khuẩn mủ xanh, triệu chứng sẽ thay đổi tùy theo loại nhiễm trùng. Ví như, nếu bị nhiễm trùng máu, bệnh nhân có các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể, đau đầu nhẹ, nhịp tim nhanh, thở nhanh, buồn nôn/nôn, tiêu chảy, giảm đi tiểu; nếu bị viêm phổi sẽ có các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, khó thở, ho; nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây ra muốn đi tiểu thường xuyên, đi tiểu đau, có mùi khó chịu trong nước tiểu, nước tiểu có máu. Người dân có thể bị nhiễm trực khuẩn mủ xanh, trong môi trường y tế hoặc tiếp xúc với nước bị ô nhiễm
Để phòng bệnh, nhân viên y tế cần giữ gìn vệ sinh chung, triệt để thực hiện các quy trình tiệt trùng, làm đúng các thao tác vô trùng để tránh lây chéo trong BV. Đối với cá nhân, giữ gìn vệ sinh, tránh xây xát da và niêm mạc, tăng cường sức đề kháng chung, tránh lạm dụng kháng sinh và các thuốc gây suy giảm miễn dịch.