Sữa học đường: Sữa tươi hay hoàn nguyên đều là... sữa công nghiệp

24/11/2018 - 06:30
Trong khi vẫn tồn trại nhiều ý kiến trái chiều về quy chuẩn sữa học đường thì Tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và đào tạo cộng đồng - Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng, dù là sữa tươi hay sữa hoàn nguyên, thì những loại sữa ấy đều là sữa công nghiệp.
"Sở dĩ chúng tôi gọi các loại sữa trên thị trường là "sữa công nghiệp" bởi thành phần của các sản phẩm đó chứa nhiều loại hóa chất cả có tên (phải khai báo) và không tên, sử dụng trong quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển" - TS Tuấn giải thích.
ts-tuan-6513-620f6.jpg
Tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và đào tạo cộng đồng - Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam

 

Theo TS Trần Tuấn, việc sử dụng sữa công nghiệp tập thể như thế tồn tại rất nhiều nguy cơ xấu ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, đặc biệt là trẻ em. Chắc hẳn chúng ta vẫn không quên câu chuyện ngộ độc sữa tập thể từng xảy ra tại Trung Quốc gây rúng động cả thế giới khi các nhà chức trách phát hiện có cả chất melamine trong sữa.
 
Trước đó, Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình sữa học đường (SHĐ) để cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 có yêu cầu rõ, phải sử dụng sữa có nguồn gốc 100% từ sữa tươi nguyên liệu cho chương trình SHĐ. Ngày 17/9/2018, Bộ Y tế đã có văn bản số 5454 - BYT/ATTP đề xuất với Chính phủ: Ngoài sản phẩm sữa tươi, các sản phẩm sữa dạng lỏng cũng được tham gia Chương trình SHĐ. Tiếp đó, tại hội thảo “Chuyên đề truyền thông sữa và sản phẩm sữa với dinh dưỡng học đường” do Hiệp hội sữa Việt Nam vào cuối tháng 10/2018, Công ty Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy cũng bày tỏ mong muốn Bộ Y tế có thể mở rộng tiêu chí SHĐ hơn bởi do cơ địa, nhiều trẻ em hễ cứ uống sữa từ động vật là bị đau bụng, tiêu chảy. 
 
Hiệu quả kém, nguy cơ mất an toàn cao
 
Mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học là một chương trình đúng đắn nhưng việc vận hành chương trình SHĐ là lệch lạc.
 
Trước hết, sữa là một môi trường dinh dưỡng rất dễ bị nhiễm trùng, nhất là điều kiện khí hậu Việt Nam nóng ẩm, mưa nhiều thì không tránh khỏi sản phẩm bị hư hỏng. Việc ngộ độc tập thể khi triển khai sữa học đường rất cao mà điển hình là vụ ngộ độc vào tháng 3/2018 ở Đồng Nai.
dongnai.jpg
73 học sinh ở Đồng Nai bị ngộ độc sau khi uống sữa

 

Tiếp đó, với việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ hàng đầu phải kể đến là việc chống suy dinh dưỡng trong bào thai; thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và kéo dài việc bú sữa mẹ ít nhất tới năm 2 tuổi; can thiệp “chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ trong 1000 ngày đầu đời” đang được WHO, UNICEF, cùng các tổ chức vì trẻ em ở nước ta như RTCCD thúc đẩy; củng cố hệ thống tư vấn dinh dưỡng thông qua triển khai nhân rộng các mô hình chăm sóc dinh dưỡng tốt như chương trình BetiButi (Hội sữa mẹ)...
 
Chỉ sử dụng số tiền "khổng lồ" từ nguồn ngân sách nhà nước và sự đóng góp của phụ huynh vào việc uống sữa thì hiệu quả thấp, mà lại có quá nhiều nguy cơ mất an toàn.
 
"Lợi ích mang lại thực sự không phải cho trẻ em mà là cho doanh nghiệp sữa cùng một số bộ phận khởi động, vận hành chương trình này mà thôi" - TS Trần Tuấn phân tích.
 
Bác sĩ, tiến sĩ Trần Tuấn là một chuyên gia phản biện chính sách y tế và phát triển cộng đồng. Ông là giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, Cơ quan điều phối liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam. Ông từng là giảng viên Đại học Y Hà Nội, nghiên cứu viên sức khỏe quốc tế Takemi (Đại học Y tế công cộng Harvard). Ông lấy bằng Tiến sĩ Dịch Tễ học và Sức khỏe Dân số ở Đại học Newcastle (Úc).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm