Sức mạnh của hòa bình và tình yêu thương

18/09/2015 - 17:46
Trong suốt cuộc đời, Mahatma Gandhi phản đối tất cả các hình thức khủng bố bạo lực, thay vào đó, chỉ áp dụng những tiêu chuẩn đạo đức tối cao.

Mahatma Gandhi (1868-1948) nhà đấu tranh vì hòa bình và độc lập dân tộc của Ấn Độ. Ông là người khởi xướng nguyên lí bất bạo lực với tên Chấp trì chân lí có ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh bất bạo động khắp thế giới cho đến ngày nay. Tạp chí Times đã xếp cái tên Mahatma Gandhi đứng thứ hai sau Albert Einstein trong danh sách “Nhân vật thế kỷ” và khẳng định ảnh hưởng của Gandhi tới những nhà lãnh đạo tương lai. Cuộc sống của Gandhi cho thấy sức mạnh tinh thần mạnh mẽ có thể mang đến hòa bình, tình yêu thương, chiến thắng bất cứ cuộc chiến tranh bạo lực nào.

Ông được hàng triệu dân Ấn Độ gọi một cách tôn kính là Mahātmā, nghĩa là "Linh hồn lớn", "Vĩ nhân" hoặc "Đại nhân" 

  1. Bạn cần phải trở thành người đầu tiên trong thế giới mà bạn muốn thấy”

Điều tâm niệm nổi tiếng của Gandhi muốn nói với mọi người rằng: Trước khi chúng ta có thể thay đổi thế giới, chúng ta phải thay đổi chính mình. Bạn muốn thấy một thế giới nhân ái, tràn đầy tình yêu thương, hãy giúp chính mình trở thành một người mang trái tim nhân ái. Thay đổi bản thân là việc cần làm trước khi đưa ra lời khuyên hay lời kêu gọi những người khác. Có một câu chuyện về Gandhi kể rằng, một người mẹ đưa con đến gặp Gandhi vì bà muốn Gandhi nói với con trai mình rằng: Cần phải bớt lượng đường trong thói quen ăn kẹo và bánh ngọt của cậu bé vì nó có hại cho sức khỏe. Gandhi đã không nói gì và muốn hai mẹ con họ trở lại sau 1 tháng nữa. Trong một tháng đó, Gandhi đã cắt giảm lượng thức ăn chứa đường trong chính khẩu phần ăn của mình, trước khi gặp lại và đưa ra lời khuyên với cậu bé. Sức mạnh của những lời kêu gọi của Gandhi về hòa bình, về đấu tranh không bạo lực chính là bởi nhân cách và trái tim yêu chuộng hòa bình xuất phát từ chính con người ông.

  1. “Kẻ yếu không thể tha thứ. Tha thứ là thuộc tính của kẻ mạnh”

Trong suốt cuộc đời đấu tranh vì hòa bình của mình, Gandhi đã bị ám sát rất nhiều lần nhưng ông chưa bao giờ căm hận và kích động bạo lực để chống lại những thế lực chống đối. Gandhi với những am hiểu sâu sắc về Phật giáo, Ấn Độ giáo và cả Thiên Chúa giáo... đã khơi gợi lòng từ bi trong mỗi trái tim con người. Một trong những nguyên tắc của Chấp trì chân lí do Gandhi khởi xướng là ngọn lửa từ bi. Theo đó, “nếu một ai đó tổn thương ta vì vô minh thì ta thắng họ bằng tình thương. Chỉ bởi tình thương mà thế giới tiến bước”. Như mẹ Teresa từng nói: Tha thứ là một phần của tình yêu. Chỉ có tình yêu thương thực sự mới có thể tha thứ. Gandhi nhấn mạnh thêm rằng: Tha thứ là việc làm của kẻ mạnh. Bởi tha thứ không phải là một việc dễ dàng. Một người có thể tha thứ là một người có thể chiến thắng những tổn thương, đau đớn của chính mình để mang đến tình yêu thương cho người khác. Người đó là kẻ mạnh.

 Mahatma Gandhi thời còn trẻ

  1. “Luôn luôn thanh lọc những suy nghĩ của bạn”

Sức mạnh tinh thần, sức mạnh của sự khiêm nhường và tình yêu thương được tạo nên bắt đầu từ những suy nghĩ rộng lượng và vị tha. Gandhi nói rằng ông chỉ đơn giản là một người luôn biết thanh lọc những suy nghĩ của mình. Trong đời sống cá nhân, Gandhi nổi tiếng là một người thích sự im lặng. Ông thường dành một ngày trong tuần cho sự an tĩnh nội tâm. Gandhi nói rằng khi những cuộc đấu tranh và sự kiện huyên náo làm thế giới nội tâm của ông hỗn loạn, ông cần sự tĩnh lặng tuyệt đối. Trong những ngày đó, Gandhi giao tiếp với những người xung quanh trên giấy.

  1. “Sống như thể bạn sẽ chết vào ngày mai. Và học như thể bạn sẽ sống mãi mãi”
Trong cuộc sống khiêm nhường, giản dị nhưng cũng vô cùng quyết liệt, mạnh mẽ của mình, Gandhi chưa bao giờ run sợ trước cái chết. Với ông, cái chết có thể đến trong ngày mai chỉ như một sự nhắc nhở rằng, ông sẽ dành đến hơi thở cuối cùng cho niềm tin và sự đấu tranh vì hòa bình ngày hôm nay. Gandhi dành một phần quan trọng trong cuộc đời của mình để học tập. Ông am hiểu những tôn giáo lâu đời như Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Kitô giáo, Kina giáo, Phật giáo và cả tôn giáo chủ đạo của phương Tây – Thiên Chúa giáo. Gandhi là một du học sinh của Đại học College, London, Anh từ năm 19 tuổi và am hiểu sâu sắc văn hóa phương Tây. Ông đồng thời là người bạn, người bàn luận về triết học với danh nhân Ấn Độ, nhà thơ Rabindranath Tagore. Thói quen đọc sách là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Gandhi. Ông đã học và tìm hiểu thế giới như thể sẽ sống mãi mãi và sự thực, tư tưởng về hòa bình và nhân ái của Gandhi đã sống mãi như “một tư tưởng chủ đạo của thế kỷ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm