Sức mạnh của những người hâm mộ "bảo vật quốc gia" ở Trung Quốc

Hữu Hiển
10/08/2023 - 16:39
Sức mạnh của những người hâm mộ "bảo vật quốc gia" ở Trung Quốc
Theo trang tin Sixth Tone, những người hâm mộ gấu trúc tại Trung Quốc đã không còn đơn thuần chỉ là chia sẻ các video đáng yêu. Niềm đam mê mãnh liệt và ảnh hưởng trực tuyến của họ thậm chí có thể tác động đến các chính sách và công tác quản lý công viên.

Đầu tháng 5 vừa qua, không một ai ở Công viên Thung lũng Gấu trúc Đô Giang Yển ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc nhận thấy một du khách ném lõi ngô vào Mei Lan- con gấu trúc khổng lồ nổi tiếng nhất của công viên. Nhưng ai đó đã theo dõi cẩn thận: Một nhóm hâm mộ Mei Lan đầy cuồng nhiệt đã ghi lại sự việc bằng camera.

Đoạn video nhanh chóng được đăng tải và nhóm hâm mộ gấu trúc Mei Lan đã bắt đầu một chiến dịch trực tuyến nhằm vào du khách có hành động sai trái. Cuối cùng, một người phụ nữ 65 tuổi đã được xác định và nhanh chóng phải nhận hình phạt cấm đến công viên suốt đời.

Sức mạnh của những người hâm mộ 'bảo vật quốc gia' Trung Quốc - Ảnh 1.

Một du khách ném lõi ngô vào Mei Lan, tháng 5/2023. Ảnh: Weibo

Lực lượng có sức mạnh đáng kể

Theo trang tin Sixth Tone, đây không phải là ví dụ duy nhất về tầm ảnh hưởng của văn hóa hâm mộ gấu trúc trực tuyến đang phát triển mạnh tại Trung Quốc. Trong vài năm trở lại đây, đối với gấu trúc ở Tứ Xuyên, Giang Tô và Thiểm Tây cho đến cả gấu trúc ở Mỹ, ranh giới giữa sở thích ngẫu nhiên và quyết tâm không lay chuyển đã bắt đầu mờ nhạt. Và các nhóm hâm mộ gấu trúc, với hàng chục nghìn thành viên, là một lực lượng có sức mạnh đáng kể.

Icey Xu - người đã nói chuyện với Sixth Tone bằng bí danh để bảo vệ quyền riêng tư của mình, dẫn đầu nhóm hâm mộ Mei Lan trên Weibo, nhóm có 58.000 người theo dõi. Phối hợp với một số người hâm mộ sống ở Thành Đô, các thành viên của nhóm thay phiên nhau đến thăm Mei Lan để phát trực tiếp mọi hành động của "cô gấu trúc" này ra thế giới.

Xu và nhóm của cô ấy tự coi mình là những người bảo vệ Mei Lan — được gọi là "gấu trúc phù hợp nhất để giới thiệu các buổi phát trực tiếp ăn uống vô độ". Xu nói rằng, nhóm của mình tin rằng họ cung cấp sự giám sát liên tục khi nguồn lực và nhân lực tại cơ sở nuôi gấu trúc bị hạn chế.

"Ý định ban đầu của tôi là đảm bảo cho nó [gấu trúc Mei Lan] được bình an và phát triển khỏe mạnh, đồng thời ngăn chặn bất cứ điều gì không hay xảy ra với nó. Nếu nó thực sự bị đối xử bất công, chúng tôi có khả năng nói lên mối quan tâm của mình dành cho nó", Xu nói.

Theo trang tin Sixth Tone, những nhóm hâm mộ gấu trúc như vậy bắt nguồn từ năm 2013, khi kênh iPanda được ra mắt.

Sau đó, kênh thuộc sở hữu của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) này đã sử dụng hai phương pháp khéo léo để thu hút người dùng internet bằng các video về gấu trúc: phát trực tiếp 24 giờ và "plugin nhận dạng gấu trúc" - một tập hợp các video hướng dẫn người xem cách nhận dạng từng con gấu trúc.

Chẳng mấy chốc, những người hâm mộ gấu trúc đã dành hàng giờ mỗi ngày để xem các chương trình phát sóng trực tiếp, háo hức làm mới các trang web để đón chờ các nội dung mới có các video cận cảnh và cá nhân hóa.

"Đó là ngay trước thời đại của Douyin [Tiktok phiên bản Trung Quốc]. Tôi thấy việc phát trực tiếp cực kỳ mới lạ. Nó y hệt như 'The Truman Show'. Xem gấu trúc, dù chúng không phải là con người, đôi khi thỏa mãn ham muốn mãn nhãn tự nhiên của con người", Peter Wang - một blogger về gấu trúc ở Thành Đô - cho biết.

Nỗi ám ảnh có phần cực đoan

Nhưng theo trang tin Sixth Tone, một thập kỷ sau, các nhóm hâm mộ gấu trúc tại Trung Quốc đã dần phát triển từ việc chỉ chia sẻ và bình luận về những video dễ thương đến đôi khi gây áp lực cho các quan chức, điều này hiện đang bắt đầu tác động đến ban quản lý công viên.

Sức mạnh của những người hâm mộ 'bảo vật quốc gia' Trung Quốc - Ảnh 2.

Stiker về gấu trúc Hehua do Peter Wang làm. Ảnh: WeChat

Khi một con gấu trúc ở Tứ Xuyên bị ướt giữa trận mưa như trút nước, những người hâm mộ nó bắt đầu công khai tố cáo Cơ sở nuôi gấu trúc Thành Đô trên mạng. Và ở Thiểm Tây, người hâm mộ đã nhắm mục tiêu vào một công viên vì đã quên đóng cửa sổ giữa hai hàng rào sau khi một con gấu trúc cắn một con gấu trúc khác.

Gần đây hơn, một video quay cảnh một người trông coi gấu trúc ở thành phố Nam Kinh thúc giục một con gấu trúc tên là Nuan Nuan quay trở lại hang của nó bằng cách dùng sào tre vỗ vào nó đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc vào tháng 4.

Cho rằng việc này là lạm dụng động vật, những người hâm mộ gấu trúc bắt đầu đe dọa trực tuyến người trông coi gấu trúc và lăng mạ Công viên động vật hoang dã hồ Ziqing ở Nam Kinh. Dưới sức nặng của truyền thông mạng, công viên đã cấm người trông coi làm việc với gấu trúc.

Ngày 21/4, Nhật báo Bắc Kinh đăng một bài xã luận chỉ trích cư dân mạng Trung Quốc phản ứng thái quá và nhấn mạnh rằng "văn hóa hâm mộ bệnh hoạn nên tránh xa bảo vật quốc gia".

"Sự so sánh, nghi ngờ và ghen tị của con người đã châm ngòi cho một cuộc chiến. Áp lực đối với sở thú cũng ngày càng lớn khiến họ phải thận trọng hơn. Sau sự cố này, phần lớn những người trông coi gấu trúc có thể sẽ cẩn thận hơn, vì một chút sơ suất cũng có thể khiến họ mất việc và gặp phải bạo lực mạng. Đây rõ ràng không phải là điều tốt cho công việc bảo tồn gấu trúc", bài xã luận viết.

Xu - người đứng đầu nhóm người hâm mộ Mei Lan - cũng đồng tình. Cô nói rằng, mình đã cố gắng hết sức để có thể hiểu rõ hơn về áp lực mà những người trông coi gấu trúc phải đối mặt. Với tư cách là người quản lý nhóm người hâm mộ trên Weibo, cô ấy thường chặn một số nội dung cực đoan và chưa được kiểm chứng.

Xu nói: "Chúng tôi cũng không muốn thấy loại văn hóa cực đoan và hành vi ám ảnh này."

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm