pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sức sống lâu dài của tiểu thuyết “Bắt trẻ đồng xanh”
Tiểu thuyết “Bắt trẻ đồng xanh”
Tiếng nói tâm hồn của người trẻ "nổi loạn"
"Bắt trẻ đồng xanh" của nhà văn Mỹ J.D.Salinger xoay quanh câu chuyện của Holden Caulfield - cậu bé 17 tuổi vừa bị đuổi khỏi trường dự bị đại học Pencey. Chàng trai thông minh và nhạy cảm dùng lối kể cay độc pha lẫn giễu cợt để mô tả một xã hội đầy rẫy những xấu xa, bỉ ổi, những bộ mặt đạo đức giả khiến cậu không thể chịu nổi. Qua đôi mắt của Holden Caulfield, xã hội Mỹ hiện lên với đầy những mảng tối. Đó là một xã hội thiếu thốn sự chân thật. Xã hội của những bộ tịch và đạo đức giả.
Holden Caulfield chán ghét mọi thứ. Cậu ghét điện ảnh, ghét thói đạo đức giả thực dụng, ghét cách người ta từ thiện chỉ để lấy cái danh, ghét thầy hiệu trưởng, ghét ông học sinh cũ giàu phất lên nhờ việc bán quan tài, ghét luôn cả mấy thằng bạn... Có ấn tượng xấu đối với hầu hết người mình gặp, Holden Caulfield cho rằng cậu đang sống rất tử tế, với những giá trị đạo đức và rất là con người. Cậu nghĩ cuộc sống này thật đơn giản nhưng con người lại đang chọn một cách sống quá bộ tịch, ai ai cũng đang đâm đầu vào kiếm tiền, làm giàu và nói những câu chuyện hết sức nhạt nhẽo. Cũng vì thế, cậu không thèm học hành gì theo cách thầy cô muốn, để rồi bị đuổi khỏi ngôi trường Pencey.
Có thể thấy những suy tưởng, những tâm trạng chán chường của cậu thiếu niên ấy thật sự gần gũi với những người trẻ hiện nay. Trong guồng quay của xã hội, khi vật chất dần trở thành thứ để định danh con người, thì có bao nhiêu người như Holden Caulfield, bởi vì quá chán ghét mà trở thành nhân vật bị đẩy ra ngoài rìa xã hội.
Việc tác giả lật tẩy hết những góc tối trong tâm trí người trẻ qua nhân vật Holden Caulfield cũng đã khiến nhiều cha mẹ phải bàng hoàng. Ngày nay có bao nhiêu đứa trẻ đang lớn, đang chật vật hòa mình với cuộc đời, đang muốn một lần bỏ tất cả để lang thang nơi góc trời và thương tiếc cái tôi thảm hại của bản thân? Holden có thể coi là đại diện cho hình ảnh của người trẻ bị mất phương hướng, thiếu cân bằng và dễ bị tổn thương - một hình ảnh dễ thấy của lớp thanh niên hiện nay.
Dấu ấn về giá trị nhân văn
Không chỉ tạo nên sức sống bằng việc mô tả một hiện thực trần trụi còn đúng đến tận hôm nay, "Bắt trẻ đồng xanh" còn tạo được dấu ấn bởi giá trị nhân văn, sự tử tế mà nó truyền tải. Mặc dù với những suy nghĩ và lời nói tiêu cực, và Holden Caulfield khinh ghét cả thế giới, nhưng tác giả lại rất thành công khi xây dựng được hình ảnh một cậu bé 17 tuổi và không để người đọc ghét bỏ. Thay vào đó là sự đồng cảm với chính cậu.
Phía sau vẻ ngoài chán chường, bất mãn là một Holden đầy lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn của cậu chính là Allie – người em trai đã qua đời khi cậu 13 tuổi; là Phoebe – cô em gái mà cậu có thể "cà riềng cà tỏi" cùng suốt ngày đêm. Trong mấy ngày vất vưởng, những lúc tâm hồn trống rỗng hoặc khi yếu lòng Holden lại nhớ Phoebe. Cậu đến công viên, viện bảo tàng Phoebe thường lui tới để được nhìn em từ xa. Cậu mua cho Phoebe một đĩa CD, đĩa bị gãy, cậu giữ lại những mảnh vỡ và luôn mang theo bên mình. Có đêm quá nhớ Phoebe, cậu lén vào nhà của chính mình vào phòng em chỉ để nghe em kể luyên thuyên về vở kịch câm em sắp diễn. Holden từng có ý nghĩ sẽ không về nhà nữa, sẽ đi thật xa và sống ở một nơi nào đó, lập nghiệp rồi có gia đình. Trước khi thực hiện ý định, người duy nhất cậu gặp cũng chỉ là Phoebe...
"Bắt trẻ đồng xanh" kết thúc bằng cảnh Holden bình yên nhìn Phoebe vui đùa. Cậu không còn quan tâm đến việc mình đã ốm ra sao hay ngôi trường thứ năm sẽ như thế nào. Nó không hẳn là một kết thúc mở. Nó tựa như một đoạn ngắn trong cuộc hành trình trưởng thành đầy rẫy những nỗi cay đắng của Holden Caulfield. Một nốt trầm xuống làm dịu đi không khí buồn bã của cuốn tiểu thuyết. Nhưng cũng bởi vì thế, nó khiến cho ta có niềm tin rằng, trưởng thành cay đắng ấy đôi khi cũng có vài khoảnh khắc thực đẹp. Cuộc đời vốn thế, vẫy vùng ra sao, trống rỗng ra sao, rồi cũng sẽ lớn lên...
Tiểu thuyết gây tranh cãi suốt 70 năm
"Bắt trẻ đồng xanh" xuất bản lần đầu tiên tại Mỹ năm 1951. Với việc sử dụng nhiều ngôn từ thô tục, lối xây dựng nhân vật chán chường và đề cập đến vấn đề tình dục của thanh thiếu niên, tác phẩm đã vấp phải rất nhiều tranh cãi lớn. Năm 1960, một giáo viên bị sa thải vì đã giới thiệu sách "Bắt trẻ đồng xanh" trên lớp. Trong hệ thống các trường trung học và thư viện của Hoa Kỳ từ 1961 đến 1982, tiểu thuyết này là tác phẩm bị kiểm duyệt cắt bỏ nhiều nhất.
Thế nhưng cùng với những điều đó, tác phẩm lại được tạp chí Time (Mỹ) đưa vào danh sách 100 cuốn tiểu thuyết hay nhất từ năm 1923 đến nay. Trung bình 250 nghìn bản "Bắt trẻ đồng xanh" được bán ra mỗi năm, đến nay đã có khoảng 65 triệu ấn bản. Khoảng năm 1964 – 1965, NXB Lá Bối ở Sài Gòn đã in bản dịch tiếng Việt "Bắt trẻ đồng xanh" đầu tiên do Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch. Bản dịch này được NXB Văn học và Nhã Nam tái bản có sửa chữa năm 2008.
Dù vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng cho đến nay "Bắt trẻ đồng xanh" vẫn khẳng định được giá trị của mình khi không hề "lạc điệu" với người trẻ hiện đại. Có thể nói đây là một tác phẩm thực sự xuất sắc về tuổi trẻ, đã bóc trần mọi góc khuất của xã hội cũng như hành trình trưởng thành của mỗi con người. Cuốn sách cũng truyền cảm hứng cho nhiều nhạc phẩm như "The Catcher in the Rye" của nhóm Guns N’ Roses, "If You Really Want to Hear About It" của nhóm The Ataris...