pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sức sống mới ở miền biên viễn Ea Bung
Ngôi nhà khang trang của ông Phạm Minh Hóa, xã Ea Bung, huyện Ea Sup, Đắk Lắk
Cuộc sống mới bên những con đường mới
Trong căn nhà đầy đủ tiện nghi, ông Phạm Minh Hóa (xã Ea Bung, huyện Ea Sup, Đắk Lắk) phấn khởi khi mới mua được một chiếc ghế massage để nghỉ ngơi, thư giãn trong những ngày hưu trí. "Tôi mua qua mạng đấy. Từ ngày đường xá được xây dựng khang trang, đổ bê tông chắc chắn, bà con ở đây chẳng thiếu thốn gì. Giao thông tiện lợi mình mua sắm được nhiều thứ, giờ có khác gì các ông lão thành thị đâu" - ông Hóa hóm hỉnh đùa.
Không chỉ ông Hóa, nhiều người dân khác tại địa phương cũng có cuộc sống khấm khá hơn trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là từ khi xã Ea Bung trở thành xã biên giới đầu tiên của vùng Tây Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới.
Đưa chúng tôi đến xem ngôi nhà gỗ tồi tàn ở phía sau căn nhà hiện tại, ông Hóa cho biết, hiện nay dù đã có nhà cửa khang trang, ông vẫn giữ lại nhà cũ làm kỉ niệm để ghi nhớ một thời khó khăn. Căn nhà xập xệ dựng bằng vài miếng ván gỗ, nắng thì nóng mà mưa thì dột từng là chỗ trú ngụ của gia đình ông trong những ngày đầu đến Tây Nguyên. Có mặt tại Đắk Lắk từ khoảng năm 1987, ông Phạm Minh Hóa cho biết, xã Ea Bung là nơi tập trung của đa số người dân di cư từ các tỉnh Thái Bình, Quảng Nam về đây xây dựng kinh tế mới.
"Ngày tôi mới đến đây, vùng này làm gì có người, nói gì đến điện - đường - trường - trạm. Chúng tôi đến đây khai hoang, canh tác đất đai làm nhà cửa và vườn tược rồi dần dà bà con lối xóm, bạn bè ở quê cũng vào làm ăn sinh sống, khu vực này mới đông đúc như bây giờ" - ông Hóa nhớ lại.
Ông Phạm Minh Hóa bên căn nhà cũ ngày mới đến Ea Bung (ảnh trái) và hình ảnh ngôi nhà khang trang hiện tại của ông (ảnh phải)
Hiện nay, toàn xã có hơn 1.000 hộ dân với gần 4.000 nhân khẩu. Sau 35 năm, sự thay đổi của vùng đất này khiến những người "bám làng, bám đất" từ thưở sơ khai như ông Hóa không khỏi xúc động xen lẫn tự hào. Tâm sự về sự phát triển của Ea Bung, ông Hóa bảo ở khu vực vùng sâu vùng xa giáp biên giới như chốn này, trước đây người dân chỉ trông chờ đất đai phì nhiêu, làm nông nghiệp tốt là đủ ăn.
Hơn 10 năm nay, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, các cấp chính quyền cũng bắt tay vào đầu tư đồng bộ từ giao thông, cơ sở vật chất. "Lúc đó chúng tôi cũng chưa hiểu hết, chỉ biết là nhà nước động viên mình hiến đất làm đường, giữ gìn vệ sinh, rồi xây dựng trường học cho các cháu. Toàn là những nhu cầu thiết yếu cả nên mình xung phong thực hiện ngay" - ông Hóa bồi hồi nhớ lại.
Qua tìm hiểu, Ea Bung từng là một xã nghèo. Xã triển khai xây dựng nông thôn mới từ xuất phát điểm rất thấp, chỉ với 4/19 tiêu chí. Tuy nhiên với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng của người dân, sau hơn 10 năm thực hiện, đến nay xã Ea Bung đã cơ bản về đích các tiêu chí nông thôn mới.
Dạo một vòng quanh khu vực trung tâm xã, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi các công trình như trường học, trạm y tế đều được xây dựng đạt chuẩn quốc gia, trang thiết bị cũng như chất lượng đều hướng đến đảm bảo tốt nhất cho người dân. Trong các lớp học được trang bị máy chiếu, máy tính; trường cũng có nhà thể chất, sân thể thao khiến học sinh rất hào hứng và phấn khởi khi tới trường.
Em Phạm Nguyễn Thảo Nguyên, học sinh trường THCS Ea Bung (huyện Ea Súp) cho biết, dù học tại trường ở vùng sâu vùng xa, song các em đều được thụ hưởng những điều kiện học tập tốt và khang trang.
"Từ ngày có đường truyền internet về đây, chúng em được mở mang rất nhiều. Các thầy cô thường soạn các bài giảng và trình bày qua máy chiếu, nhà trường cũng tổ chức nhiều tiết học ngoại khoá, thể thao, dã ngoại. Bản thân chúng em ở nhà bây giờ cũng thường xuyên gọi được về quê hỏi thăm ông bà, kết nối được bạn bè khắp nơi, không có khoảng cách gì với các bạn ở thành phố" - Nguyên vui vẻ chia sẻ.
Còn với công tác y tế, sức khỏe của người dân được chăm lo đầy đủ, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho các hộ nghèo. Với các hộ dân khác, người dân đều được tuyên truyền và tham gia bảo hiểm y tế với tỷ lệ tương đối cao. Các chính sách tư vấn, khám bệnh định kì, cấp phát thuốc đều được trạm y tế xã phối hợp thực hiện với địa phương nhằm chăm sóc tốt nhất cho người dân.
Nỗ lực về đích các tiêu chí nông thôn mới
Với những điều kiện về cơ sở vật chất được trang bị, xây dựng theo tiêu chuẩn Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, sinh kế của bà con vì vậy cũng có nhiều thay đổi. Toàn xã có gần 15.000ha lúa nước, trong đó, giống lúa ST25 chiếm diện tích lớn. Ngoài lúa, nhiều mô hình cây ăn quả cũng đang hình thành và phát triển như mô hình trồng xoài, chăn nuôi bò, lợn theo quy mô trang trại… Điển hình như gia đình ông Lê Thành Trung, ở thôn 8, xã Ea Bung, sản xuất 15ha lúa 2 vụ, mỗi năm thu hoạch hơn 100 tấn lúa, trừ chi phí cũng lãi cả trăm triệu đồng.
Hay chị Thân Thị Hạnh (thôn 3, xã Ea Bung) cho biết, nhiều năm qua, chị đã được Hội LHPN xã Ea Bung hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn do các cấp Hội tổ chức, đồng thời tín chấp cho vay vốn tín dụng ưu đãi, chị đã mạnh dạn đầu tư mua máy xới đất, lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động để trồng các giống lúa mới, trồng cây ăn quả xen canh với điều và rau. Nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN xã, cùng với việc giao thông thuận lợi, việc buôn bán cung ứng hàng hóa đi khắp nơi thuận lợi hơn, chị Hạnh có khoản thu nhập ổn định khoảng 8-10 triệu/tháng, nuôi được 3 người con ăn học đủ đầy dù chồng chị đã không may mất sớm.
Cùng với các cơ quan trên địa bàn, Hội LHPN xã Ea Bung cũng tích cực xây dựng các mô hình, câu lạc bộ góp phần phát triển kinh tế, xã hội, ổn định an ninh trật tự địa phuong như "Tổ phụ nữ tự quản vệ sinh an toàn thực phẩm", "Chi hội phụ nữ 5 không 3 sạch"... nhằm tuyên truyền những kiến thức về xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ ahnhj phúc; vận động hội viên phụ nữ sắp xếp, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, tổ chức ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp.
Trao đổi với PV Báo PNVN, ông Phan Thanh Pha, Chủ tịch UBND xã Ea Bung cho biết, sau 10 năm triển khai với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể và đặc biệt là nỗ lực của nhân dân, Ea Bung đã sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để có được thành quả như vậy, ngày từ khi triển khai, Đảng bộ và chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định từng mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Trong đó, giai đoạn đầu tập trung phát triển nông nghiệp, cây lúa làm mũi nhọn, nên các nguồn lực ưu tiên vào xây dựng kiên cố hóa hệ thống kênh mương, phát triển giao thông, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ.
Tính đến thời điểm này, xã không còn nhà tạm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6,8%, thu nhập bình quân đầu người hơn 41 triệu đồng/năm; 100% các tuyến đường liên xã, liên thôn, nội thôn được cứng hóa; 100% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Hiện tại, mặc dù xã Ea Bung đã về đích nông thôn mới, tuy nhiên 1 số tiêu chí theo tiêu chí nâng cao vẫn chưa đảm bảo. Đặc biệt là sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, nguồn lực đầu tư của nhà nước giảm dần, vì vậy địa phương còn gặp nhiều khó khăn ngay cả việc duy trì thành quả. Ông Phan Thanh Pha cho rằng một số tiêu chí như: đầu tư giao thông, thủy lợi, giảm tỉ lệ hộ nghèo được cho là nhiều thách thức hơn trong hành trình đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Ông Phan Văn Hải là một trong những hộ nghèo của xã Ea Bung cho biết, thời gian qua, dù được quan tâm hỗ trợ thoát nghèo nhưng do nhận thức hạn chế, chưa biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên thu nhập của gia đình ông rất thấp. "Tôi mong muốn chính quyền xã quan tâm hơn nữa trong việc trang bị các kiến thức về chăn nuôi, đầu tư vốn để mua cây con giống, giúp tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Có như vậy, gia đình tôi sẽ có thêm điều kiện phát triển kinh tế, dần vươn lên thoát nghèo".
Dù còn một số khó khăn nhưng được sự ủng hộ của nhân dân, cùng với lợi thế và tiềm năng có sẵn của địa phương từ con người đến điều kiện thiên nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp nên trong thời gian tới, chính quyền và nhân dân xã Ea Bung sẽ tiếp tục phát huy nội lực giữ vững các tiêu chí. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng tiêu chí cũng sẽ được chú trọng thông qua việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân.
"Chúng tôi sẽ huy động nội lực, đề xuất thêm về nguồn đầu tư của Nhà nước, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, vận dụng cơ chế chính sách linh hoạt để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, phấn đấu đến năm 2025 xã sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Để làm được điều này, cần sự quan tâm, tạo điều kiện đầu tư hơn nữa về kinh phí cũng như cơ chế của chính quyền cấp trên, chương trình nông thôn mới của huyện và tỉnh" - ông Phan Thanh Pha nhấn mạnh.
Việc Ea Bung - xã biên giới đầu tiên ở Tây Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới, bên cạnh sự có gắng của Đảng bộ, chính quyền xã và người dân, có sự quan tâm đầu tư lớn của chính quyền huyện, tỉnh Đắk Lắk cũng như Chương trình Xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tuy nhiên, như lời Chủ tịch UBND xã Ea Bung Phan Thanh Pha, để xã duy trì những tiêu chí đạt được và tiến tới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, bên cạnh sự cố gắng của chính quyền, nhân dân địa phương, cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa của chính quyền huyện cũng như tỉnh. Có như vậy thì mới giúp Ea Bung có thêm nguồn lực để xây dựng và phát triển vùng phên dậu của Tổ quốc ngày một trù phú, góp phần giữ vững an ninh, kinh tế ở vùng biên nơi đại ngàn Tây Nguyên.
* Thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương