Sụp đổ 'thần tượng' bố

11/09/2018 - 10:00
Trong một buổi nói chuyện chuyên đề về gia đình, cha mẹ với con cái, tôi thật bất ngờ vì hầu hết các em gái đã bày tỏ rằng lúc bé, các em xem bố là người hùng, để rồi đến tuổi dậy thì, thần tượng bị sụp đổ.
Một em kể rằng, ngày bé chỉ cần thấy bóng bố là em đã cho rằng đó là cái bóng lớn nhất, chỉ riêng cơ thể cao lớn khỏe mạnh và đầy năng lượng của bố đã làm em tự hào. Em ngưỡng vọng tất cả những việc bố làm, từ cái móc áo ông đóng trên tường, tới hộp gỗ mà bố đóng cho để đựng bút, đến việc câu hỏi nào khó ở trường, nhờ bố là xong. Em ngưỡng mộ tình cảm bố dành cho mẹ và nhất định không cho phép ai được đùa cợt về chuyện bố có người phụ nữ khác. Bố là chân lý! Bố là bóng mát chở che! Bố là vòng tay yêu thương, là bờ vai vững chắc!
 
Nhưng rồi một ngày, em thẫn thờ khi thấy bố hầm hầm lao vào định tát mẹ, khi thấy tờ giấy kiểm điểm của bố trên bàn... Em cho hay, phải mất vài tháng sau, em mới có thể gần gũi lại với bố một cách tự nhiên hơn, dù không thể như trước.
 
Một em khác thì kể, lúc bé em cho rằng bố mình rất giỏi, giỏi nhất trong những người mà em biết. Thế nên khi càng lớn, đi càng nhiều, em nhận ra, bố mình so với thiên hạ chẳng là gì. Ở tuổi mới lớn, em từng thấy thất vọng rồi ước ao bố mình như người này người kia.
2a.jpg
Ảnh minh họa 
 
Vì thế đã có lúc em lơ đễnh trước câu hỏi của bố, đã có lúc em “bỏ rơi” bố để khoe về một người nào đó ngoài kia mà em đang ngưỡng vọng. Em chia sẻ, khi lớn, nghĩ lại em cũng thấy hối hận về những ý nghĩ không tích cực từng có trong suy nghĩ của mình. Thời gian trôi, em hiểu hơn và biết chấp nhận sự thật về gia đình mình hơn.
 
Còn tôi, tôi đã từng vật vã đau đớn, trầm cảm vì người khác “tố cáo” thần tượng của tôi. Rằng bố tôi từng yếu đuối đến mức định tự tử bỏ chúng tôi lại. Rằng bố tôi đã từng mắc lỗi. Rằng bố tôi đã từng nhu nhược... Đó là khoảng thời gian mà tôi thấy buồn nhất trong tuổi niên thiếu của mình khi nghe người khác nói về bố như vậy. Tôi đã âm thầm ruồng rẫy bố bằng cách là nhiều khi trả lời cấm cẳn, cộc lốc mà có lẽ bố nghĩ con mình đang tuổi dở ương.
 
Đến khi đủ trải nghiệm, nhìn lại, tôi cũng không còn thần tượng bố mình nữa nhưng tôi yêu thương bố hơn. Và hơn thế, tôi biết phân tích đúng sai, biết thấu hiểu để cảm thông, biết chấp nhận sự thật. Sau khi nghe mấy cô gái nói chuyện, tôi quay sang hỏi các anh em trai, họ cười cười. Người thì lắc đầu bảo không trải qua cảm xúc đó vì cũng không mấy khi gần bố, chỉ gần mẹ, mà với mẹ thì cảm xúc yêu thương nhiều hơn là thần tượng.
 
Một em trai thì ngập ngừng: “Em cũng từng thần tượng bố, nghĩ mọi thứ mình không làm được thì bố đều làm được. Khi lớn hơn, tự làm được rồi thì lại thấy bố cũng... thường thôi”. Trong lúc đó, một anh ngoài 40 tuổi phát biểu, anh có hai đứa con gái, cũng đang sợ một ngày nó sụp đổ vì “thần tượng bố”, như anh đã từng.
 
Anh tâm sự rất thật rằng, hóa ra trong quá trình nuôi dạy con, không chỉ là hành trình “biểu diễn năng lực làm cha mẹ” mà còn là làm sao để các con yêu thương, tránh việc con bị sụp đổ thần tượng. Và cách của anh là thành thật với các con, đối diện với điểm yếu của bản thân để các con không cảm thấy hụt hẫng khi “phát hiện” ra sự thật về bố mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm