pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thanh Tâm tư vấn
Tá hoả vì những món quà quê 'khó đỡ' của thông gia
Thông gia của bác Nhung (tên bác hàng xóm) quanh năm chân lấm tay bùn, cả đời có khi chẳng bước ra khỏi cánh cổng làng. Ấy vậy mà không hiểu sao người phụ nữ quê mùa, cục mịch ấy lại có đứa con gái xinh xắn, giỏi giang, về làm dâu nhà bác?
Hôm rồi, bà thông gia lên chơi, mang theo cả mấy bao quà, nhìn không khác gì đi buôn. Mới đầu, bác hàng xóm cũng cảm động, chạy ra tận cổng đỡ bà thông gia, mời chào đon đả. Nhưng đến khi mở quà thì bác bắt đầu thấy khó chịu vì tất cả đều không vừa mắt chút nào.
Bà thông gia vừa mở bao tải đựng mít vừa rối rít khoe là mít chín cây, có người hỏi mua nhưng nhất định không bán, để dành còn mang lên thành phố làm quà. Mùi mít thơm thì có thơm nhưng khi bổ ra bên trong thâm sì. Quả mít lúc hái xuống đã chín nhũn, lại bỏ trong cốp ô tô mất một ngày đường nóng hầm hập nên hỏng hết, không ăn được múi nào.
Mọi người ngán ngẩm lắc đầu bảo vứt đi nhưng bà thông gia tiếc của không cho vứt. Rồi bà cố nhặt vài múi chưa bị thối hết, lấy dao cắt bỏ phần thâm đen, phần còn lại để ăn cho đỡ phí. Bà thông gia lại là người vụng về, luộm thuộm nên có một quả mít mà bôi ra khắp nhà, chỗ nào cũng sặc sụa mùi, nhựa mít dính khắp nơi.
Xoài của bà thông gia mang lên cũng là xoài chín cây trong vườn, quả còn nguyên nhưng bên trong bị dập, nẫu hết. Một vài quả còn ăn được, tuy đã chín mềm nhưng ăn vào chua loét đến rùng mình. Bác hàng xóm không ăn được nhưng bà thông gia cứ tha thiết mời, bảo xoài nhà trồng sạch 100%, không sợ thuốc sâu, không chất bảo quản.
Bầu của bà thông gia mang lên quả nào cũng to, dài nhìn đã mắt nhưng già khú đế, vỏ và hạt cứng ngắc không sao ăn được. Mấy quả đu đủ bẹp dúm, dính be bét ra nhà, mớ rau cải ngồng già câng, nấu lên dai nhách, mấy con ngan hôi rình, ị choe choét ở ban công, vặt lông cả ngày không sạch…
Thường ngày, vợ chồng con trai đi làm, bác Nhung vẫn vào bếp nấu cơm. Từ lúc bà thông gia lên chơi, cái gì bà ta cũng tranh làm nhưng làm cái gì là bày bừa ra cái đó. Căn bếp nhỏ chật chội vốn dĩ được bác Nhung gìn giữ, lau chùi rất sạch sẽ, gọn gàng giờ trở nên nhếch nhác, lộn tùng phèo bởi sự nhiệt tình giúp đỡ của bà thông gia.
Chán nản và bực bội nhưng không thể nói ra, bác Nhung thây kệ để mặc bà thông gia muốn làm gì thì làm, đợi khi nào bà ta về quê rồi tổng vệ sinh luôn một thể. Thế nhưng bà thông gia tưởng nhờ mình mà bác mới được nghỉ ngơi, rảnh rang đi chơi nhà hàng xóm nên hứa hẹn sẽ thường xuyên lên chơi.
Bà thông gia cũng tưởng mấy món quà quê của mình được lòng người thành phố nên đã giặt giũ mấy cái bao đựng mít, bầu, xoài… gói ghém cất đi để hôm tới đóng đồ gửi lên biếu tiếp. Không những thế, bà còn khoe nhà đang nuôi mấy con lợn cắp nách, sắp tới sẽ gửi lên biếu thông gia một con để ăn Tết. Bác Nhung hoang mang cực độ, không biết phải làm sao để từ chối khéo món quà khủng khiếp này.
Nghe bác hàng xóm kể lại câu chuyện với thái độ bức xúc, Thanh Tâm không nhịn được cười. Rõ ràng, bà thông gia của bác có ý tốt. Mấy món quà quê có thể không dùng được, cũng chẳng có giá trị lớn nhưng cốt ở tấm lòng người tặng, đó mới là điều đáng quý.
Còn con lợn mà bà thông gia hứa hẹn sẽ gửi tặng, Thanh Tâm nghĩ bác Nhung có thể từ chối khéo bởi điều kiện nhà cửa chật chội lại không có người làm thịt. Hoặc bác có thể hẹn khi nào thu xếp về quê chơi rồi nhờ ông bà thông gia làm thịt sẵn để mang đi.