Đó chính là tâm sự của Nguyễn Hồng Xuân Trường (SN 1988), “khắc tinh” của bọn tội phạm ở vùng đất Bình Dương.
Xuân Trường là con gái út trong 1 gia đình có 5 anh chị em. Khi mẹ mới mang bầu Trường được 4 tháng thì gia đình tan vỡ. Trường lớn dần trong vòng tay yêu thương của mẹ. “Mẹ suốt đời lam lũ, tần tảo ngược xuôi lo cho anh em chúng tôi. Đôi tay mẹ dần chai sần, làn da cháy nắng, mái tóc điểm thêm nhiều sợi bạc. Ai cũng nói ngày xưa mẹ đẹp lắm, tôi lại càng xót xa”, Trường xúc động kể.
Chân dung nữ hiệp sĩ bắt cướp |
Đã nhiều lần Trường đã hỏi mẹ về cha. Nhìn ánh mắt trong veo của Trường với ước mơ thật giản dị, mẹ cô chỉ biết im lặng rồi nhẹ lau những giọt nước mắt: “Cha con ở xa lắm. Sau này lớn lên con sẽ hiểu”. Thế nhưng, Trường luôn khao khát được một lần sà vào vòng tay cha, được cha vuốt mái tóc mềm mại, được cha nâng bổng lên cổ rồi nghênh ngang kiệu đi khắp xóm như tất cả đứa trẻ hàng xóm.
Sống thiếu tình thương của cha nên Trường có cá tính rất mạnh mẽ. Năm học lớp 7, Trường đăng ký học lớp võ taekwondo. Thấy Trường có năng khiếu, tố chất nên thầy giáo đã cử đi thi đấu tại các giải phong trào. Chính sự dũng mãnh, nhanh nhẹn và đặc biệt là rất lỳ đòn nên Trường đã đạt được vô số huy chương, danh hiệu. 2 năm sau, mẹ Trường không may mẹ tai biến, phải nằm liệt giường. Từ trước đến giờ, mẹ đã là niềm tin, trở thành chỗ dựa vững chắc nên Trường đã suy sụp tinh thần rất nhiều. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên đến năm lớp 12, Trường phải nghỉ học để đi xin làm bảo vệ tại khu du lịch Đại Nam.
Sống thiếu tình thương của cha nên Trường có cá tính rất mạnh mẽ. Năm học lớp 7, Trường đăng ký học lớp võ taekwondo. Thấy Trường có năng khiếu, tố chất nên thầy giáo đã cử đi thi đấu tại các giải phong trào. Chính sự dũng mãnh, nhanh nhẹn và đặc biệt là rất lỳ đòn nên Trường đã đạt được vô số huy chương, danh hiệu. 2 năm sau, mẹ Trường không may mẹ tai biến, phải nằm liệt giường. Từ trước đến giờ, mẹ đã là niềm tin, trở thành chỗ dựa vững chắc nên Trường đã suy sụp tinh thần rất nhiều. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên đến năm lớp 12, Trường phải nghỉ học để đi xin làm bảo vệ tại khu du lịch Đại Nam.
Năm 2009, Trường tình cờ làm quen với hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng Câu lạc bộ Phòng, chống tội phạm phường Phú Hòa, tỉnh Bình Dương. “Hồi nhỏ, em rất thích xem bộ phim “Cảnh sát hình sự”. Thấy những pha võ hành động, bắt cướp nên mê dữ lắm. Sẵn có chút võ nên em mơ ước được một lần được làm khắc tinh của bọn tội phạm. May mắn gặp được hiệp sĩ Hải, nên em xin một “chân” thành viên của đội để thỏa ước mơ và ngọn lửa đam mê là bắt cướp”.
Ngày làm việc đầu tiên nhận lệnh đi làm nhiệm vụ, Trường có biết bao tâm trạng đan xen: háo hức, hồi hộp và chút run sợ. Khi đi tuần tra trên đường, Trường bỗng phát hiện 2 đối tượng mặc trang phục dân phòng nhưng dáng vẻ rất khả nghi. Xác định đó là đối tượng xấu nên Trường và đồng đội âm thầm theo dõi. Hai tên cướp phát hiện "con mồi" mất cảnh giác, liền ùa tới dùng dao uy hiếp, cướp điện thoại, ví tiền rồi bỏ chạy. Ngay lập tức, Trường tăng ga truy bắt. Khi áp sát đối tượng thì bọn cướp tung cả ớt bột vào mặt Trường. May mắn tránh được, Trường tông thẳng xe vào người chúng rồi nhanh tay khống chế tay cướp bằng những đòn võ taekwondo. Tận tay trả lại của cho nạn nhân, trong khi người đã trầy trụa những vết thương, Trường mỉm cười hạnh phúc.
Với vẻ bề ngoài giản dị và nụ cười thân thiện, Trường tiếp tục kể lại những câu chuyện chẳng khác gì phim hành động. Một lần khác, Trường truy đuổi theo 2 tên nghiện ma túy khi đối tượng bẻ khóa, cướp xe của người dân. Khi đuổi kịp, chúng hung dữ chống trả hòng thoát thân. Một tên dùng kim tiêm, tên còn lại dùng dao bấm lao về phía Trường tấn công. Tưởng “người đẹp” sẽ hốt hoảng bỏ chạy nhưng bằng thế võ của dân trong nghề, Trường đã khuất phục được 2 tên cướp. “Nếu sợ “hàng nóng”, không giữ được bình tĩnh mà bỏ chạy thì xấu hổ lắm. Đã làm hiệp sĩ phải có chút máu “lỳ, liều” và gan dạ mới được”.
Nhiều lần truy bắt đối tượng phạm tội, Trường được mớm “hối lộ” tiền và cả tang vật vừa cướp để bọn cướp được thoát thân. Nhưng tất cả đều bị cô thẳng thắn từ chối rồi kiên quyết đem giao nộp cho công an.
Làm mẹ vẫn bắt cướp
Cuối năm 2009, nữ hiệp sĩ Xuân Trường se duyên cùng anh Nguyễn Nhật Bản (SN 1984) làm thợ sửa xe máy. Quãng thời gian yêu nhau, cặp đôi này đã không ít lần cãi vã, thậm chí là chia tay chỉ vì “chuyện bắt cướp”. Một buổi tối, trên đường đi chơi về, Trường bỗng thấy 2 thanh niên vụt xe rất nhanh, kèm theo sau là tiếng hô “Cướp… cướp”. Chẳng kịp suy nghĩ, Trường kêu người yêu dừng xe lại, còn mình vụt ga, lao vút theo đối tượng. Hơn 1 giờ sau, Trường quay lại tìm anh Bản với vết thương đang chảy máu trên tay rồi mừng rỡ khoe: “Em bắt được bọn cướp rồi”. Dắt chiếc xe bị hư hỏng do tông vào bọn cướp, Trường mỉm cười đùa: “Anh sửa giùm em nhé. Thợ giỏi mà, lo gì”, khiến anh Bản vừa giận, vừa thương. “Bắt cướp đã ăn vào máu thịt tôi rồi. Không thể để bọn trộm cướp cứ nhởn nhơ sống ngoài vòng pháp luật mãi thế được. Dù có khi người yêu cho là tôi là rỗi hơi nhưng tôi “bỏ ngoài tay”, miễn sao cảm thấy không hổ thẹn với bản thân là được”, nữ hiệp sĩ bộc bạch.
Trong khoảng thời gian quen nhau cho đến ngày cưới, rất nhiều lần anh Bản cũng khuyên Trường bỏ "nghề" bắt cướp. Nhưng Trường gật đầu cho qua chuyện, chưa lần nào lời hứa “bỏ nghề” của cô trở thành hiện thực cả. Đến độ, anh Bản còn phải ra “chỉ thị”: “Chọn gia đình hay chọn nghề bắt cướp”. Trường tỉnh queo, đáp cụt ngủn: “Em chọn cả hai”.
Nữ hiệp sĩ bon bon trên đường phố |
Sau 4 năm nên nghĩa vợ chồng, tổ ấm này đã có 1 thiên thần đáng yêu là bé Nguyễn Khắc Đăng Vy. Anh Bản vẫn sửa xe, còn Trường thì xin làm công nhân điện tử, làm 4 ngày/tuần. Đối với anh Bản, chuyện vợ “bỏ” chồng con con đi làm nhiệm vụ lúc nửa đêm là “bình thường”. Anh Bản kể: “Có những hôm đang say giấc bên chồng con thì Trường nhận được điện thoại báo có án. Thế là, chỉ kịp hôn nhẹ lên má con rồi cô ấy đi ngay”. Bà mẹ trẻ mỉm cười. “Lúc đầu, ông xã sợ bị trả thù lắm, kiên quyết bắt “bỏ nghề” nhưng tôi cứng đầu quá nên đành chịu. Nhưng thú thực, nếu chồng không thấu hiểu và thông cảm thì gay go lắm”.
Theo “hiệp sĩ” Xuân Trường đi tuần, rong ruổi rình bắt tội phạm, mới thấy ngọn lửa nhiệt huyết, lòng say mê bắt cướp của cô gái này vẫn cháy như thuở nào. Không lương bổng, không phụ cấp nhưng Trường không một lời than vãn. Cô đã làm đủ mọi nghề: bảo vệ, công nhân, để vừa lo tiền nuôi con, vừa lo tiền đổ xăng để đuổi bắt cướp. Trải qua không biết bao lần gặp nguy hiểm, có những lúc đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết nhưng niềm khát khao được đóng góp sức mình vào cuộc sống bình yên của người dân luôn bùng cháy.
Có thể, trong mắt mọi người xung quanh, tổ ấm này không thật hoàn hảo, thế nhưng mỗi giây phút họ được ở bên nhau đều là những phút giây đong đầy hạnh phúc. Trường mỉm cười: “Khi bắt cướp thì tôi là hiệp sĩ dữ dằn. Nhưng khi về đến nhà thì luôn biết cách làm một người vợ, người mẹ tốt. Đôi lúc, cũng có chút chạnh lòng với gia đình nhưng đã mang lấy “nghiệp bắt cướp” vào thân rồi thì không thể dứt ra được".