pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tại sao trẻ vị thành niên thường hay xung đột với mẹ?
Tiểu Mão (Trung Quốc) đang học lớp 11 tại trường trung học trọng điểm, thành tích học tập rất tốt. Tuy nhiên, hình tượng "con nhà người ta" của cậu bé nhanh chóng sụp đổ khi một ngày, trong khi dọn phòng cho con trai, bà mẹ bất ngờ phát hiện cuốn tạp chí "người lớn" được giấu kín dưới chiếc đệm.
Sốc, phẫn nộ... không kìm được cảm xúc, bà cầm cuốn tạp chí ném vào đầu đứa con đang vui vẻ ăn sáng cùng bố, lớn tiếng quát: "Giờ tôi đã biết, tại sao thành tích học tập của anh cứ ngày một đi lùi. Đây là những thứ tốt đẹp anh đang làm mỗi ngày sao?".
Tiểu Mão đầu tiên cúi đầu không nói lời nào, sau đó, bất ngờ lật bàn, chạy ra khỏi nhà. Người cha đuổi theo, nhưng con trai nhất quyết về với bà ngoại, nói với cha rằng cậu không bao giờ muốn nhìn thấy mẹ nữa.
Người mẹ không ngừng khóc lóc, kể lể: "Con trai từ nhỏ một tay tôi nuôi lớn, cho tới bây giờ tôi chưa từng đánh cái nào; dù mình thiếu thốn bao nhiêu cũng cho nó ăn ngon mặc đẹp. Dốc lòng như vậy giờ lại nuôi dạy nên một con "sói mắt trắng", suốt ngày cãi mẹ. Muốn đi thì đi luôn, tôi không cần đứa con như vậy nữa".
Trên thực tế, sau khi bước vào tuổi dậy thì, sự xuất hiện của tâm lý nổi loạn là bình thường. Chúng thích suy nghĩ độc lập về các vấn đề, ý thức tự chủ dần dần mạnh mẽ; bắt đầu phê phán, không chấp nhận nhiều ý kiến của người lớn. Những đứa con ở độ tuổi dậy thì luôn mặc định là có xu hướng làm ngược lại những gì mà cha mẹ mong muốn. Ở độ tuổi ẩm ương ấy, con trẻ có những sự thay đổi lớn cả về thể chất lẫn tinh thần.
Tuy nhiên, có một câu hỏi đặt ra: Sự nổi loạn tuổi dậy thì của trẻ là bình thường, nhưng tại sao người mà đứa trẻ hay xung đột nhất lại là mẹ?
Khi còn nhỏ, mẹ và con luôn có mối quan hệ thân thiết nhất, bước vào tuổi dậy thì, nhiều đứa trẻ lại xuất hiện "tâm lý hận thù", với mẹ, tại sao? Có thể giải thích, vì hầu hết các bà mẹ luôn chăm sóc con cái quá chu đáo, trong mắt của đứa trẻ đang tuổi lớn lại là rắc rối. Người mẹ cho con tình yêu nhiều hơn, trong mắt trẻ là phiền phức, kiểm soát.
Nhà tâm lý học Floyd từng nói: "Sự phát triển của một đứa trẻ không thể tách rời khỏi người cha. Cha, mẹ và trẻ là ba người tạo nên mối quan hệ "tam giác", mối quan hệ cha mẹ và con cái như vậy là vững chắc nhất".
Tuy nhiên, nếu bạn nhìn vào cuộc sống của nhiều gia đình, sự vắng mặt của người cha là rất phổ biến. Cảnh có chồng nhưng như "góa bụa nuôi dạy con cái" làm cho người mẹ lo lắng, mối quan hệ giữa vợ chồng căng thẳng, mâu thuẫn gia đình thường xuyên xảy ra, gây tổn hại cho sự phát triển của trẻ. Nhiều trẻ em có vấn đề tâm lý không lành mạnh xuất hiện.
Hơn nữa, do sự vắng mặt của người cha trong gia đình, kỳ vọng của người mẹ đối với con cái càng quá cao, kỷ luật quá nghiêm ngặt, làm cho mối quan hệ cha mẹ và con cái rất căng thẳng, điều này sẽ bất lợi hơn cho việc giáo dục trẻ vị thành niên. Ai quản trẻ nhiều hơn, trẻ càng bực tức, căm ghét. Trong hoàn cảnh này, người mẹ chính là nhân vật "phản diện" trong mắt con cái.
Trẻ vị thành niên không cần cha mẹ ở bên giám sát, kiểm soát mà cần người tư vấn, định hướng cho mình. Với những giải pháp hữu hiệu sau đây, chắc chắn bạn sẽ giải quyết được những hành vi "ngốc xít" ấy một cách nhẹ nhàng nhất có thể.
Trước hết, cha mẹ nên quan tâm nhiều hơn đến con cái: Hiểu những suy nghĩ thực sự bên trong của con, không chỉ quan tâm đến thành tích bề ngoài.
Khi đứa trẻ bước vào tuổi dậy thì, tính cách sẽ thay đổi rất nhiều, ví dụ, không còn theo sau mẹ và nói không ngừng như một cái đuôi nhỏ. Chúng bắt đầu trở nên càng ngày càng cô độc, tâm sự đều giấu ở trong lòng. Nếu chúng ta vẫn giống như khi con còn nhỏ, luôn luôn sử dụng giọng điệu của mệnh lệnh để dạy cho đứa trẻ, ắt hẳn sẽ gặp sự phản kháng.
Cần để cho con cảm thấy sự quan tâm của bố mẹ. Thông qua giao tiếp thường xuyên để hiểu tâm tư suy nghĩ của con, từ đó lồng ghép các thông điệp giáo dục. Nếu đứa trẻ không muốn trò chuyện, các bà mẹ cũng đừng quá vội vàng. Ngược lại, cần cho con nhiều sự quan tâm và chăm sóc, ít chú ý đến thành tích, con sẽ từ từ mở lòng.
Thứ hai, luôn tâm niệm con là một người trưởng thành: Khi một đứa trẻ bước vào tuổi dậy thì, chúng bắt đầu thay đổi từ một đứa trẻ sang một người lớn. Cha mẹ phải nghĩ đến việc giao tiếp với một người lớn nên có thái độ gì, chứ không phải là để tiếp tục đối xử như một đứa trẻ.
Xem con như một người bạn, nói chuyện, hỏi ý kiến của con. Nếu chúng ta tôn trọng trẻ, trẻ cũng sẽ tôn trọng chúng ta, mối quan hệ cha mẹ và con cái càng thân mật. Cần đảm bảo cho con sự riêng tư cần thiết. Bày tỏ suy nghĩ với con nhưng không phải là mệnh lệnh, cho con suy nghĩ và lựa chọn.
Tuy vậy, thoải mái với con không có nghĩa là cho phép chúng vượt qua giới hạn, hư hỏng, phá phách, nói bậy. Thống nhất với con về việc không được phép vi phạm những quy tắc ứng xử cơ bản ấy. Tuy vậy, hãy luôn thể hiện rõ ràng để con hiểu bạn luôn bên cạnh, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ với con.
Cuối cùng, cha mẹ nên giữ bình tĩnh và kiên nhẫn hơn với con cái: Trẻ vị thành niên muốn thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ, đó là đặc điểm tâm lý và sinh lý bình thường. Mẹ giữ bình tĩnh, kiên nhẫn hơn với con cái, giáo dục sẽ dễ dàng hơn.
Các bậc cha mẹ nên thực hành với một "giao tiếp phi bạo lực", tự nhiên sẽ ít mâu thuẫn hơn. Nhưng mấu chốt nhất vẫn là người cha trong gia đình phải thể hiện vai trò của mình, giúp người mẹ chia sẻ áp lực cuộc sống và tham gia nuôi dạy con cái nhiều hơn. Khi cảm xúc của người mẹ tốt hơn, tự nhiên trong việc giáo dục con cái cũng sẽ thuận tiện hơn nhiều.