pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tài xế vượt ẩu trên cao tốc khiến 3 mẹ con tử vong đối diện với mức án nào?
Ngày 19/2, Công an huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với tài xế Phan Đình Kiều (SN 1959, trú tại tỉnh Kon Tum) về hành vi "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng". Kiều là người điều khiển ô tô con vượt ẩu trên cao tốc, gây tai nạn liên hoàn khiến 3 mẹ con tử vong.
Như đã đưa tin, khoảng 10 giờ sáng ngày 18/2, Kiều điều khiển ô tô 36A-485.67 lưu thông trên cao tốc Cam lộ - La Sơn, hướng Đà Nẵng - Quảng Trị. Trên xe chở theo vợ chồng anh Phan Đình Quý (45 tuổi) và chị Lê Thị Hạnh (41 tuổi), cùng 2 con là Phan Lê Khánh Vân (15 tuổi), Phan Đình Quang (9 tuổi), cùng trú phường Đông Tân, TP Thanh Hóa.
Khi đến Km48+200, thuộc xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) thì ô tô con xảy ra va chạm với xe đầu kéo 63C-136.59 do Huỳnh Văn Dũng (50 tuổi, trú tỉnh Tiền Giang), chạy cùng chiều phía trước, cùng làn đường.
Sau va chạm với xe đầu kéo, ô tô con lao sang phần đường ngược chiều và tiếp tục va chạm với ô tô tải 63H-005.68 do Lâm Văn Tâm (43 tuổi, trú tỉnh An Giang) điều khiển, rồi lao xuống vực bên phải đường.
Còn ô tô tải tiếp tục bị xe đầu kéo 51D-150.90 do anh Nguyễn Tấn Đạt (44 tuổi, trú tỉnh Quảng Ngãi) đang đi cùng chiều va chạm vào phía sau.
Vụ tai nạn khiến 3 người trên ô tô con là cháu Quang tử vong tại chỗ, cháu Vân chết trên đường đi cấp cứu và chị Hạnh tử vong tại bệnh viện, 2 người khác bị xây xát nhẹ.
Nguyên nhân ban đầu xác định do tài xế lái ô tô con 36A-485.67 vượt không đúng quy định gây tai nạn. Kết quả bước đầu xác minh cho thấy lái xe các phương tiện liên quan tai nạn không vi phạm nồng độ cồn, test nhanh ma túy các lái xe liên quan tai nạn giao thông cho kết quả âm tính.
Clip: Ô tô con vượt ẩu gây tai nạn liên hoàn trên cao tốc, khiến 3 mẹ con tử vong.
Trao đổi về vụ việc trên, Luật sư Lê Minh Hương - Công ty Luật FDVN cho biết, theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008, về nguyên tắc khi vượt các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp được phép vượt bên phải như: Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái; Khi xe điện đang chạy giữa đường; Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.
Bên cạnh đó, đối với phương tiện là ô tô, theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì người điều khiển ô tô có thể vượt phải trong trường hợp tại đoạn đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường mà xe chạy trên làn đường bên phải chạy nhanh hơn xe đang chạy trên làn đường bên trái.
Đối chiếu quy định trên và thông qua camera hành trình có thể thấy ô tô con không thuộc một trong các trường hợp được phép vượt phải. Do đó, lỗi của lái xe ô tô con là điều khiển phương tiện vi phạm khoản 4 Điều 14 Luật giao thông đường bộ năm 2008 và điểm d khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Hậu quả làm 3 người ngồi trên xe tử vong và thiệt hại tài sản của các phương tiện khác.
Vì vậy, hành vi này có thể bị truy cứu về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại điểm a, Khoản 3 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức phạt từ 7 năm đến 15 năm tù.
Ngoài ra, người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Ngoài việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người có hành vi vi phạm gây thiệt hại còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
Căn cứ Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 8 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP thì người có trách nhiệm bồi thường phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân tử vong gồm các khoản như: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa tính từ thời điểm người bị thiệt hại bị xâm phạm sức khỏe cho đến thời điểm người đó chết, chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc nuôi dưỡng trước khi chết (nếu có)...
Căn cứ Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 7 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP thì người có trách nhiệm bồi thường phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho các nạn nhân gồm các khoản: Chi phí khám, chữa bệnh theo quy định cho người bị thiệt hại; thuê phương tiện đưa nạn nhân đến cơ sở khám chữa bệnh và trở về nơi ở; Chi phí phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.
Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị. Nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
Ngoài ra, người có trách nhiệm phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Đồng thời, căn cứ Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 6 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP thì người có trách nhiệm bồi thường phải bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm. Đối với tài sản bị hư hỏng, thiệt hại là chi phí để sửa chữa, khôi phục lại tình trạng tài sản trước khi bị hư hỏng theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường để xác định thiệt hại. Còn nếu tài sản bị hư hỏng không thể sửa chữa, khôi phục thì được bồi thường căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và mức độ hao mòn của tài sản bị mất, bị hủy hoại tại thời điểm giải quyết bồi thường.