Tâm nguyện của những “bóng hồng” sau song sắt

TÂM NGUYỆN CỦA NHỮNG "BÓNG HỒNG" SAU SONG SẮT

Gần 4 năm chấp hành án tù, tôi đã thấm thía được nỗi tủi nhục khi bước vào con đường lầm lỡ. Lúc này, tôi mong mình cải tạo tốt để sớm được trở về với gia đình và làm lại cuộc đời...

Bỏ nghề giáo, đi buôn cây thuốc phiện

Nguyễn Thị Thu Hằng (32 tuổi, quê Yên Bái) không ngại mở lòng về câu chuyện buồn đã đưa chị vướng vòng lao lý. Tháng 6/2018, khi Hằng đang giao cây thuốc phiện cho khách thì bị Công an tỉnh Yên Bái bắt quả tang, sau đó Hằng bị tòa kết án 9 năm tù giam.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Yên Bái nhưng Hằng vẫn được bố mẹ lo cho ăn học tử tế. Sau khi tốt nghiệp một trường trung cấp tại Hà Nội, Hằng về quê làm giáo viên mầm non. Tuy nhiên, do cảm thấy không phù hợp với công việc nên Hằng đã viết đơn xin nghỉ, mặc cho sự can ngăn của gia đình.

Đầu năm 2018, chị tự tìm hiểu và thấy việc bán cây thuốc phiện có lãi cao nên đã nhập về bán thử. Thời gian đầu chỉ nhập ít một, sau ngày càng nhiều lên. Bố mẹ và chồng Hằng khi biết được chị bán cây thuốc phiện đã khuyên ngăn chị dừng lại, nhưng vì quá ham tiền nên chị Hằng vẫn tiếp tục.

"Giá mà ngày ấy tôi nghe lời bố mẹ và chồng thì đã không có ngày hôm nay. Ngày tôi bị bắt, con trai mới tròn 5 tuổi. Thời gian đầu khi tôi ở trong trại, chồng và con thường xuyên vào thăm. Nhưng hơn 2 năm qua, do dịch Covid-19 nên không được gặp, thật sự rất nhớ gia đình, nhớ đứa con bé bỏng. Lúc đầu vào trại, đêm nào tôi cũng khóc và nghĩ rằng cuộc đời, tương lai thế là hết. Nhưng khóc lắm thì cũng có làm được gì đâu. Gần 4 năm chấp hành án tù, tôi đã thấm thía được nỗi tủi nhục khi bước vào con đường lầm lỡ. Lúc này, tôi mong mình cải tạo tốt để sớm được trở về với gia đình và làm lại cuộc đời", chị Hằng tâm sự.

Gần 4 năm ở trại Tân Lập, Hằng thường xuyên tham gia các tiết mục văn nghệ. Nói về tương lai, chị cho biết, sau khi hoàn lương, nếu chồng vẫn còn yêu thương mình thì chị cùng chồng sẽ mở quán ăn, vì đây là dự định của cả 2 vợ chồng trước khi chị bị bắt.

Tâm nguyện của những “bóng hồng”  sau song sắt - Ảnh 1.

Phạm nhân Nguyễn Thu Hồng biểu diễn tiết mục múa

"Ở trại, mọi người đối xử với nhau như người nhà"

Cô gái có đôi mắt long lanh, làn da trắng bóc, mái tóc cong nhè nhẹ, nụ cười duyên dáng khi để lộ 2 viên đá dính ở răng vừa bước xuống từ sân khấu sau tiết mục múa. Nhìn qua, ai cũng nghĩ cô gái này là ở đội múa được thuê về để biểu diễn. Thế nhưng, chỉ vài phút sau tiết mục múa ấy, cô gái vào phòng thay đồ rồi bước ra với bộ quần áo sọc đen trắng khiến ai cũng bất ngờ.

"Em là Nguyễn Thu Hồng, 19 tuổi, quê Yên Bái, vào trại Tân Lập từ cuối năm 2021 vì tội tàng trữ sử dụng trái phép chất ma túy, tội của em chỉ đi vài năm thôi", cô gái giới thiệu khi được hỏi chuyện.

Hồng cho biết, những ngày đầu tiên ở trong trại, em đã rất ân hận, nhớ bố mẹ, nhớ bạn bè, người thân và khóc rất nhiều. Nhưng được các giám thị trong trại động viên, em đã thoải mái hơn, từ đầu năm 2022, em được các giám thị dạy múa và thường xuyên tham gia các tiết mục mỗi khi trại có sự kiện.

"Gần 6 tháng ở đây, tuy em không được tư do đi lại, đi chơi, mua sắm như các bạn ở ngoài nhưng ở trong này, các bà, các cô, các chị sống rất tình cảm, mỗi tối sau bữa ăn đều ngồi lại với nhau, tâm sự về những chuyện mà mọi người đã trải qua. Mỗi khi ai bị đau ốm gì, mọi người lại ân cần chăm sóc, đối xử với nhau như người nhà. Chính vì điều này cũng làm em phần nào vơi bớt nỗi nhớ gia đình", Hồng chia sẻ.

Kể về nguyên nhân khiến mình bị bắt, Hồng cho biết, trong một lần đi bar cùng các bạn, em đã bị dụ dỗ sử dụng ma túy. Sau đó, em thường xuyên tụ tập cùng các bạn vào quán karaoke. Đến khoảng cuối năm 2021, khi Hồng đang sử dụng ma túy thì bị công an bắt quả tang.

"Đây là bài học xương máu, lần vấp ngã này đã là cú sốc lớn đối với em và cả gia đình em rồi. Sau khi được ra tù, em sẽ thay đổi, không tụ tập chơi bời nữa. Em sẽ đi học nghề làm nails và mở quán cắt tóc, vì đây là 2 công việc mà em yêu thích nhất…", Hồng chia sẻ.

Ân hận muộn màng

Nguyễn Thị Tân (47 tuổi, quê Quảng Ninh) sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị không được học hành đến nơi đến chốn. Năm 20 tuổi, Tân kết hôn với người đàn ông cùng thôn nhưng vì hai vợ chồng không có công ăn việc làm ổn định nên cuộc sống càng trở nên eo hẹp, nhất là khi 3 đứa con lần lượt chào đời. Không bằng lòng với cảnh lo từng bữa, chị nghĩ ra đủ mọi cách làm ăn với hy vọng một ngày nào đó kinh tế gia đình sẽ khá giả.

Năm 2010, chị vay tiền của người thân để mở quán cắt tóc - gội đầu, thế nhưng làm mãi cũng chỉ đủ ăn khiến chị vô cùng chán nản. Cùng thời điểm đó, chứng kiến nhiều gia đình giàu lên nhanh chóng từ ma túy, lại nghe theo lời rủ rê của bạn bè, Tân đánh liều lấy hàng về bán lẻ tại nhà cho các con nghiện. Số tiền lớn thu lợi từ món hàng "chết chóc" này khiến chị hoa mắt, tiếp tục trở thành kẻ tiếp tay cho những "cái chết trắng".

Năm 2015, TTân bị Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ và bị tòa tuyên án 7,5 năm tù giam về tội "Buôn bán và tàng trữ trái phép chất ma túy". Khi bị bắt, bị giam ở Trại giam Tân Lập cùng với những đứa trẻ đáng tuổi con, cháu mình, ngày đêm chứng kiến cảnh vật vã với cơn nghiện, với nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần của những đứa nhỏ, người phụ nữ này mới ân hận vì những tội lỗi mình gây ra.

"Trước đây, lúc bán ma túy, tôi đâu biết tác hại của nó. Chỉ đến khi ở trong trại, được chứng kiến những đứa trẻ vật vã lên cơn nghiện, thân hình lở loét, kiệt quệ vì ma túy, tôi mới thực sự hiểu ra cái chất mà mình buôn bán nguy hiểm đến mức độ nào. Nhìn cảnh ấy, tôi đã khóc rất nhiều. Tôi tự hỏi rằng, nếu đó là 3 đứa con của mình thì tôi sẽ đau đớn đến thế nào", Tân bộc bạch.

Giám thị Trại giam Tân Lập cho biết, đầu tháng 6/2022, chị Tân sẽ được mãn hạn tù. Trong thời gian cải tạo tại trại giam, chị Tân đã cải tạo tốt, thường xuyên tỏ ra ân hận về những tội lỗi gây ra trong quá khứ.

* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi

Chương trình giao lưu nói chuyện chủ đề "Tìm một lối đi, chọn một con đường" do Hội LHPN tỉnh Phú Thọ vừa phối hợp với Trại giam Tân Lập (xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) tổ chức. Hơn 300 phạm nhân nữ đang cải tạo tại đây là những số phận, hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều mong muốn cải tạo tốt để sớm được về với gia đình, người thân.
Bài, ảnh: Nguyễn Long