Tản mạn bánh trung thu

21/09/2015 - 23:42
Hình thức, chất lượng và trị giá cái bánh chẳng phải là yếu tố quan trọng tạo nên cái hồn của trung thu…

A... Bánh trung thu ngon quá! Đứa cháu nhìn thấy đĩa bánh nướng bánh dẻo bà Nội đang bày biện để chuẩn bị đặt lên ban thờ thắp hương, thì vỗ tay reo lên đầy phấn khích, ánh mắt sáng lên rạng ngời. Bà Nội mắng yêu: Cha bố anh, thắp hương các Cụ đã, rồi mới được phá cỗ, kẻo phải tội chết.

Ô! Con trẻ muôn đời vẫn thế. Dù đang sống ở thời kì đất nước không còn thiếu thốn như trước đây nữa, nhưng mỗi khi mùa thu về, gọi theo bao thức ngon vật lạ và đặc biệt là cặp bánh song sinh nướng - dẻo hiện hữu thì chúng cứ háo hức đêm ngày, như đón chờ một đặc ân được trời đất ban tặng vậy.

Điều khiến lũ trẻ mong chờ không hẳn chỉ để được ăn bánh, dù là rất ngon rất ngọt, trẻ con đứa nào chả thích - Đó là không khí lễ hội mang đậm nét đặc thù chỉ dành cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng và đó còn là được thỏa sức vui chơi, múa hát, rồi cùng nhau trông trăng phá cỗ. Bạn bè tất cả hòa đồng làm một, tay trong tay không oán trách, giận hờn - bánh ngon bẻ đôi, mắt tìm mắt, nụ cười thường trực trên môi cùng trôi theo trăng rằm.


Còn nhớ đêm trung thu ở vào thời bom đạn, mấy đứa túm tụm ngồi trên miệng hầm phá cỗ đón trăng. Tuy chẳng nhiều nhặn gì nhưng cũng đầy đủ lệ bộ: Nào dăm trái ổi ương ương, nửa quả bưởi hồng đào đã được tách múi, mấy quả thị chín vàng thơm lựng chỉ để ngửi chứ không được ăn, nải chuối trứng quốc vẹo vọ, vài quả na mới chín tới mắt nhắm mắt mở như vẫn còn đang ngái ngủ, mươi quả cậy ngâm vội ăn vào chát sít cả răng, ít kẹo cứng mút có dễ đến nửa ngày mới hết một cái và đài các trang trọng nhất nằm ở trung tâm cái mẹt, đó chính là hồn cốt của trung thu - cặp bánh nướng bánh dẻo đã được cắt đều ra làm 8 phần cho dễ chia.

Trên trời trăng tròn sáng vằng vặc, dưới hạ giới, bầy 'quỉ nhỏ đang vào cao trào phá cỗ tưng bừng, thì tiếng còi báo động chợt rú vang, thế là cả người lẫn mẹt cùng ào xuống hầm, kéo theo những í éo cấu véo và khúc khích cười đùa không dứt. Ngồi dưới hầm trong tiếng ì ầm của máy bay giặc vừa nhỏ nhẻ thưởng thức miếng bánh nướng thơm ngon, hội đủ mùi vị: Béo ngậy của mỡ lợn và lạp sườn, thơm bùi đặc trưng của trứng muối với vừng rang, rồi lại còn giòn sật thanh mát của mấy miếng bí đao và hạt điều sên đường, ngay đến cả vỏ bánh cũng thơm ngon, vừa giòn vừa mềm, thật không gì sánh bằng!

Nghe đâu, để chuẩn bị cho mùa bánh trung thu, người ta đã phải kỳ công lo mua sắm các thứ nguyên liệu làm bánh trước cả nửa năm trời, còn nước đường để nhào nhân và làm vỏ bánh phải được trưng rồi ủ kỹ từ một hai năm trước. Có nghĩa là sự chuẩn bị phải thật chu đáo, kỹ lưỡng thì khi bánh ra lò mới đạt được hương vị độc đáo, nức tiếng gần xa. Mới thấy, để phục vụ cái việc ăn và chơi trung thu xem ra cũng lắm công phu, chẳng thể đùa được.


Vậy mà ở vào thời nay, mọi thứ cứ nháo nhào, xô bồ bon chen, chạy đua với thời gian với đồng loại tối cả mắt. Đến cả cái bánh trung thu cũng chỉ là sản phẩm mì ăn liền, chẳng còn thời gian đâu mà ủ với ê. Muốn có bánh ư? Chỉ cần ra chợ mua nhân, vỏ bánh kể cả khuôn về và rồi uỵch một cái là ra bánh liền.

Cũng hay, chẳng cần biết có ngon và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, miễn có bánh bán cho thiên hạ ăn trung thu là tốt rồi. Bánh lại đẹp nữa chứ, mẫu mã màu mè xanh đỏ tím vàng nhìn bắt mắt hơn hẳn cái bánh truyền thống mộc mạc ngày trước và quan trọng là cứ bán rẻ một chút, ối người mua.
 
Hóa ra! Hình thức, chất lượng và trị giá cái bánh chẳng phải là yếu tố quan trọng tạo nên cái hồn của trung thu, mà đó chính là hình ảnh. Hình ảnh chiếc bánh nướng, bánh dẻo như cặp anh em song sinh cùng được đúc ra từ một khuôn nhưng mang hai sắc thái khác biệt đã ăn sâu vào tiềm thức dân gian từ bao đời.

Để cho đến tận bây giờ cứ mỗi độ thu sang, hoa cúc nở vàng công viên, các quầy bán bánh trung thu đua nhau mọc lên san sát khắp phố phường. Ấy cũng là lúc bàn dân thiên hạ, nhất là lũ nhóc tì bắt đầu háo hức, tơ tưởng đến một cái tết, nhưng không phải tết có bánh chưng xanh mà là cái tết có bánh nướng, bánh dẻo của riêng mình - Tết Trung Thu…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm