Nguyễn Ngọc Minh (ĐH Ngoại thương Hà Nội) vẫn còn hậm hức vụ mất tiền oan năm ngoái khi vừa chân ướt chân ráo lên Hà Nội nhập học. Thời điểm đó, điều Minh và bố mẹ quan tâm là tìm được nhà trọ gần trường để tiện cho việc đi học khi đường xá, cuộc sống trên Hà Nội khiến em còn quá bỡ ngỡ. Thế nên, khi tìm được nhà gần trường, Minh cảm thấy may mắn và ký luôn hợp đồng 1 năm với giá phòng 2,5 triệu đồng/tháng, đặt cọc 4 triệu. Thế nhưng, khi ở trọ chung chủ nhà, Minh cảm thấy ngột ngạt khi chủ nhà khó tính, đề ra những quy định vô lý, khắt khe, luôn tìm cách moi tiền của người thuê, đặc biệt ông chủ luôn có ý đồ xấu với các sinh viên nữ. Vì tiếc tiền đã nộp nên Minh cố chịu đựng sống ở đấy. Tuy nhiên, sau 8 tháng, không thể chịu đựng thêm, cô quyết định chuyển đi nơi khác.
Vì tự ý cắt hợp đồng nên Minh chấp nhận mất 4 triệu tiền đặt cọc. Thế nhưng, chủ nhà không chấp nhận mà bắt Minh đóng thêm 50% số tiền phòng 4 tháng chưa ở (là 5 triệu đồng). “Việc ký hợp đồng một năm là quá vội vàng. Trước khi quyết định ký hợp đồng thuê nhà trọ, cần phải tìm hiểu thật kỹ con người, tính cách của chủ nhà từ những người trọ ở cùng khu đấy và những người hàng xóm. Chủ nhà luôn có những điều khoản bất lợi cho sinh viên và có lợi cho mình. Đừng vì quá lo lắng cần có nhà trọ ở ngay mà sau này rước bực bội vào thân”, Minh chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của các bạn sinh viên có thâm niên đi tìm nhà trọ thì cần cảnh giác với những chủ nhà “miệng lúc nào cũng đon đả mời chào, hỏi han, quan tâm” bởi chỉ cần sinh viên ký vào hợp đồng thuê nhà là họ “giở mặt”. “Khi đến xem nhà thì vui vẻ, mồi chài bằng được, bắt đóng tiền cọc 1 triệu. Đến ngày ký hợp đồng, nhận phòng thì phát sinh thêm các khoản như: Đóng tiền nhà 1 năm, theo 2 đợt và tiền đặt cọc 1 tháng. Nếu như không ở hết 1 năm thì coi như mất hết, mất số tiền ở mấy tháng còn lại, cả tiền đặt cọc 1 tháng. Bắt tạm ứng trước tiền điện nước 150 nghìn /người/tháng. Vì tiếc tiền đặt cọc, hơn nữa nghĩ tìm nhà trọ không dễ nên tặc lưỡi ký hợp đồng. Chính vì thế, mình luôn có cảm giác bị lừa nên lúc nào cũng khó chịu”, Vũ Ngọc Linh (Học viện Ngân hàng) cho biết.
Ngoài ra, có đủ mọi cách để chủ nhà ăn chặn tiền đặt cọc của sinh viên. Tân sinh viên Nguyễn Phương Loan (ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội) tức giận cho biết: Vừa rồi, em tìm được phòng trợ ở gần trường. Em đã đặt cọc cho chủ nhà số tiền 1 triệu đồng, hẹn 3 ngày sau chuyển đến. Trong giấy xác nhận đặt cọc ghi ngày chuyển đến, chủ nhà sẽ làm hợp đồng thuê phòng và đăng ký tạm trú cho em. Tuy nhiên, đúng ngày em đến thì chủ nhà nói đã hết phòng, hẹn em 10 ngày sau quay lại. Em không đồng ý, yêu cầu trả lại tiền đặt cọc để tìm chỗ khác thì chủ nhà nói chỉ trả em một nửa số tiền là 500 nghìn đồng.
Hiện đang là đợt cao điểm của việc tân sinh viên tìm nhà trọ. Tuy nhiên, đừng vì vội vàng mà các tân sinh “sập bẫy” của những chủ nhà thiếu lương tâm. Theo kinh nghiệm của Nguyễn Văn Thắng (sv ĐH Bách Khoa Hà Nội), người có thâm niên trong việc tìm nhà trọ, để nhanh chóng tìm được nhà trọ, tân sinh viên có thể đăng bài spam tìm nhà trọ trên các group về cho thuê nhà trọ, đi đến từng ngõ ngách xem địa chỉ nhà trọ ở giấy dán tường hoặc có thể hỏi các cô bán nước, bán thịt đầu ngõ, hỏi các sinh viên trọ ở khu vực cần tìm…
“Nên tìm những nhà có vệ sinh khép kín, có nhiều cửa thoáng mát, giờ giấc đi lại thoải mái, không chung chủ, giá tiền khoảng 100 nghìn đồng/m2. Các phụ huynh, tân sinh viên có thể tham khảo một số hội, chợ sinh viên của các trường trên facebook hoặc các nhóm “Tìm nhà trọ, phòng trọ giá rẻ nhất- Hà Nội”, “Cho thuê nhà- phòng trọ Hà Nội, “Nhà trọ sinh viên Hà Nội- nơi sv giúp nhau tìm nhà trọ”… để có thêm thông tin về các phòng trọ giá rẻ, gần trường, chủ nhà trọ văn minh, lịch sự, các nhóm tìm bạn ở ghép…”, Thắng cho biết.