Chị Nguyễn Thị Hiền (Lào Cai), phát hiện bị sỏi thận cách đây 2 năm. Khi đó, viên sỏi có kích thước 2cm trong cơ thể. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, chị chưa thực hiện phẫu thuật lấy sỏi ra ngoài.
Gần đây, những cơn đau ngày càng nhiều, nhất là khi chị đi lại, hoạt động. Vì vậy, gia đình đưa chị đến BV Xanh Pôn, Hà Nội. Sau khi làm các xét nghiệm, chị được chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp tán sỏi qua da. Theo đó, chị đã được các bác sĩ đặt 1 sonde catheter niệu quản lên bể thận qua nội soi, sau đó chuyển bệnh nhân nằm sấp và qua 1 vết chích khoảng 0,5cm ở vùng hố thắt lưng, các bác sĩ dùng 1 dụng cụ đặc biệt để tạo 1 đường hầm dưới hướng dẫn của siêu âm vào đài thận nơi có sỏi, đặt máy nội soi qua đường hầm vào thận để tán vỡ sỏi thành những mảnh nhỏ và lấy ra ngoài.
Các bác sĩ BV Xanh Pôn thực hiện kỹ thuật tán sỏi qua da |
Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Huy Huyên, Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu (BV Xanh Pôn cho biết), sỏi thận là bệnh do các viên sỏi được tạo thành trong thận gây nên với nhiều biểu hiện như cơn đau quặn thận, các biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn, suy thận cấp hoặc mạn tính. Sỏi thận xảy ra khi có quá nhiều chất lắng trong nước tiểu kết tinh lại dưới dạng các viên sỏi. Sỏi được tạo thành trong thận với nhiều kích cỡ khác nhau, từ nhỏ như những hạt cát cho tới những viên sỏi lớn có thể to bằng quả trứng.
Sỏi tiết niệu là bệnh lý hay gặp ở Việt Nam. Bệnh nhân thường được phát hiện muộn và ở giai đoạn sỏi lớn, gây nhiều biến chứng như giảm chức năng thận, suy thận, nhiễm khuẩn. Sỏi thận chiếm tỷ lệ cao nhất trong các bệnh lý sỏi tiết niệu. Các can thiệp điều trị sỏi bể thận lớn thường khó khăn và thường phải mổ mở để lấy sỏi, gây đau đớn và nhiều nguy cơ chảy máu, ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh.
Chị Nguyễn Thị Hiền vừa được thực hiện kỹ thuật tán sỏi qua da |