pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại nâng cao giá trị sản phẩm sạch, an toàn
Chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm giới thiệu hàng hóa tại Hội chợ. Ảnh: BTQ
Tạo cầu nối hỗ trợ sản phẩm ra thị trường
Vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức hội chợ nhằm quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Hội chợ thu hút 40 gian hàng của tỉnh Tuyên Quang và trên 20 gian hàng của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hội chợ trưng bày các sản phẩm đặc trưng của địa phương được cấp chứng nhận về tiêu chuẩn, trong đó có nhiều sản phẩm có tiềm năng, nhiều sản phẩm là đặc sản địa phương như gạo, chè, bún, miến, trái cây tươi, mật ong, các sản phẩm dược liệu…
Tham gia gian hàng tại hội chợ, chị Nguyễn Thị Ngọc, chủ cửa hàng Nông sản xanh Sáng Nhung (thuộc huyện Sơn Dương – Tuyên Quang), cho biết: Khó khăn lớn nhất của chị em sản xuất, nuôi trồng nông nghiệp, lương thực thực phẩm là đầu ra hạn chế. Mặc dù sản phẩm hàng hóa, thực phẩm là đặc sản, được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng nguồn tiêu thụ chỉ bó hẹp tại địa phương, nên cơ hội phát triển thấp, lợi nhuận chưa cao, quy mô vì thế cũng duy trì ở mức nhỏ hẹp.
Mỗi khi có hội chợ, hoạt động giới thiệu sản phẩm nào, gia đình chị lại tích cực đem hàng hóa tới để giới thiệu, quảng bá. Dịp hội chợ này, chị Ngọc mang đến hội chợ sản phẩm thịt lợn thảo dược và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn thảo dược. Thông qua hội chợ, nhiều người sẽ biết đến các sản phẩm đặc trưng địa phương hơn từ đó hình thành thói quen lựa chọn sản phẩm tiêu dùng sạch, an toàn.
Chị Ngọc chia sẻ, càng nhiều người biết đến sản phẩm của gia đình hơn thì cũng tạo thêm động lực thúc đẩy người sản xuất, hộ kinh doanh, doanh nghiệp chế biến không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, để giữ chữ tín, thương hiệu sản phẩm.
Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết, hội chợ năm nay được chuẩn bị chu đáo, đồng bộ. Các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hội chợ trưng bày các sản phẩm được cấp chứng nhận từ 3 sao trở lên. Nhiều sản phẩm chủ lực như bưởi da xanh, bưởi Soi Hà, bưởi Cát Quế, na Lực Hành, ổi Tứ Quận, các loại chè đặc sản, bánh truyền thống… được quảng bá.
Hội chợ là dịp để giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các sản phẩm đặc trưng của các địa phương đồng thời thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, kích cầu tiêu dùng. Qua đó cũng góp phần thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại nâng cao giá trị sản phẩm
Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là mục tiêu quan trọng trong đó có việc đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai một loạt các hoạt động hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như kết nối thị trường, tổ chức các Hội nghị, hội thảo... nhằm đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, tiêu thụ các sản phẩm khu vực nông thôn, nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm chủ lực của các địa phương, các đặc sản vùng miền.
Theo Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.