Tăng lương từ ngày 1/7/2024: Nửa mừng nửa lo

PV
19/06/2024 - 14:54
Tăng lương từ ngày 1/7/2024: Nửa mừng nửa lo

Ảnh minh họa: Mỹ Thuận

Từ ngày 1/7 tới sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII). Đến thời điểm này, vẫn chưa có thông tin cụ thể về bảng lương mới khiến nhiều người hồi hộp chờ đợi, đặc biệt là đội ngũ giáo viên khi lương mới sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề.
Lo khi không còn phụ cấp thâm niên

Theo phương án cải cách tiền lương, từ ngày 1/7/2024, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). 

Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Tăng lương từ ngày 1/7/2024: Nửa mừng nửa lo - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, thảo luận tại hội trường

Chia sẻ với Báo PNVN, cô Đặng Lan Quỳnh, giáo viên môn Ngữ văn, trường THPT Nguyễn Cảnh Chân (Thanh Chương, Nghệ An), cho biết, cách tính lương mới thế nào hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Cô Quỳnh đang rất băn khoăn khi áp dụng cách tính lương mới, thu nhập của cô sẽ tăng hay giảm khi khoản thâm niên nghề chiếm đến 23% tổng thu nhập đã bị cắt. 

"Tôi có 24 năm công tác, thu nhập của tôi hiện tại là 12.476.992 đồng, trong đó 23% là tiền thâm niên nghề. Theo cách tính lương mới, sẽ không còn 23% này nữa. Không biết thu nhập của tôi theo cách tính mới như thế nào? Thực tế, thêm phụ cấp nhưng cắt thâm niên, như vậy lương của tôi chỉ tăng rất ít. Điều này chỉ có lợi cho người mới vào nghề", cô Quỳnh chia sẻ.

Cùng chung lo lắng, cô Nguyễn Thị Ngư, giáo viên mầm non ở Hà Nội, cho rằng, giáo viên mần non rất vất vả, các cô phải lên lớp từ 6 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút hoặc lúc nào hết việc mới về, có ngày làm việc đến 10 tiếng do trường cô không tổ chức lớp trông trẻ muộn riêng, trong khi có phụ huynh gần 19 giờ mới đón con. 

Mong muốn của cô Ngư là đưa giáo viên mầm non vào nghề đặc thù hoặc cải cách tiền lương nhưng vẫn có "phụ cấp đặc biệt" đối với giáo viên. "Tôi có gần 20 năm công tác trong ngành Giáo dục. Với giáo viên, khoản phụ cấp thâm niên là sự động viên và ghi nhận về thời gian cống hiến cho ngành. Nếu bãi bỏ khoản này sẽ khiến nhiều thầy cô không khỏi tiếc nuối, tâm tư. 

Tăng lương từ ngày 1/7/2024: Nửa mừng nửa lo - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung làm rõ một số nội dung đại biểu nêu tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV

Cá nhân tôi vẫn mong muốn giữ nguyên phụ cấp thâm niên để khẳng định sự cống hiến với nghề. Thực tế, không ít giáo viên phải làm thêm mới đủ trang trải cuộc sống. Mong rằng cải cách tiền lương làm sao để tiền lương phải là thu nhập chính đảm bảo đời sống cho giáo viên", cô Ngư nói.

Chờ hướng dẫn chi tiết

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, khi thực hiện cải cách tiền lương, lương viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác. Bởi vì chúng ta đang thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với việc thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế.

Tăng lương từ ngày 1/7/2024: Nửa mừng nửa lo - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Chủ tịch hội đồng Trường Cao đẳng Kinh tế và công nghệ Hà Nội

Chia sẻ về vấn đề này, ông Luyện Văn Trịnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Yên Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), cho biết, Bệnh viện Đa khoa Yên Thành là một trong những đơn vị được giao quyền tự chủ nhóm 2 từ năm 2018. Với việc cải cách tiền lương, lương của cán bộ y tế sẽ cao hơn mặt bằng chung. Điều này được mọi người đón nhận rất hồ hởi. 

"Đơn vị hiện có 248 cán bộ, nhân viên gồm cả hợp đồng và biên chế. Từ khi thực hiện cơ chế tự chủ, mỗi năm, đơn vị tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước trên 30 tỷ đồng. Là đơn vị tự chủ, chúng tôi cũng đối diện với rất nhiều khó khăn và xác định thời gian tới vẫn sẽ khó khăn. Tăng lương nhưng chi phí khám chữa bệnh không tăng hoặc tăng muộn nên sắp tới sẽ là thách thức đối với lãnh đạo bệnh viện", ông Trịnh chia sẻ.

Cũng theo ông Trịnh, bản thân người lao động ai cũng muốn tăng lương, điều đó là chính đáng nhưng với người đứng đầu một đơn vị tự chủ, câu hỏi đặt ra là tăng lương thì lấy nguồn đâu mà trả? Mức lương hiện tại Bệnh viện vẫn duy trì, chi trả đúng, đủ, kịp thời nhưng sắp tới lương mới tăng sẽ rất vất vả. 

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Yên Thành mong muốn, không chỉ Bộ Y tế mà các bộ, ngành khác cần ban hành các văn bản kịp thời, hướng dẫn cụ thể, dễ thực hiện để các đơn vị, nhất là đơn vị tự chủ triển khai được dễ dàng.

"Chính sách lương mới theo vị trí việc làm rất ưu việt, giúp đánh giá được đúng năng lực, vị trí của cán bộ, tạo động lực cống hiến cho những người có tài, thu hút được người giỏi. Sắp tới, có thể khoán lương theo vị trí việc làm, anh làm lâu năm chưa chắc đã bằng người mới nhưng giỏi, hiệu quả cao hơn. Chúng tôi chờ đợi hướng dẫn chi tiết để đơn vị dễ tính toán và áp dụng hiệu quả", ông Trịnh chia sẻ.

Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Chủ tịch hội đồng Trường Cao đẳng Kinh tế và công nghệ Hà Nội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) băn khoăn: Từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có thang bảng lương mới và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Điều này khiến cán bộ, giáo viên nhà trường hoang mang. 

"Với đơn vị tự chủ như chúng tôi, khi nâng lương cho đội ngũ nhà giáo sẽ lấy từ nguồn nào thực sự là bài toán hóc búa? Điều này chắc chắn sẽ tạo áp lực lên sinh viên khi nhà trường buộc phải tăng nguồn thu để có thể tăng lương".

Dành 680.000 tỷ đồng để thực hiện điều chỉnh lương từ ngày 1/7/2024

Ngày 27/5/2024, báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, cải cách tiền lương là cấp bách, cần thiết; phần khó nhất là nguồn lực để thực hiện điều chỉnh lương từ ngày 1/7 tới. "Cái khó nhất của cải cách tiền lương là không có tiền, đợt này thì có tiền rồi, 680.000 tỷ đồng đã báo cáo Quốc hội rồi", ông Dung khẳng định.

Theo ông Đào Ngọc Dung, cốt lõi của cải cách tiền lương chính là trả lương theo vị trí việc làm. Vị trí việc làm có 3 đặc điểm: tính ổn định, tính lâu dài và tính thường xuyên. Kết cấu mỗi vị trí việc làm gồm một bản mô tả công việc và khung năng lực. Về cải cách tiền lương liên quan, có 3 nội dung. 

Thứ nhất, về mức tham chiếu - thực chất là tính trên cơ sở tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và trên thực tiễn thu, chi, để thay cho tham chiếu là mức lương cơ sở.

Thứ 2, về chênh lệch lương hưu giữa ngày 1/7 và sau ngày 1/7, theo ông Đào Ngọc Dung, vấn đề này được xử lý bằng Nghị định 42 liên quan đến các đối tượng trước và sau năm 2023. Theo nguyên tắc, người nào hưởng sau ngày 1/7 mà chế độ cao thì sau này chỉ tính phần CPI. Còn lại những người hưởng trước ngày 1/7 sẽ có cả tăng trưởng kinh tế, CPI và một số tăng trưởng thực tế của quỹ.

Thứ 3, về cách tính lương hưu, đề xuất người được hưởng lương hưu ngày 1/7 khi cải cách tiền lương công nhân, viên chức cũng áp dụng ở mức cao nhất có thể. Thậm chí, cuối năm 2024, đầu năm 2025, việc cân bằng Quỹ chấp nhận không có kết dư để đảm bảo quyền lợi cho người hưu trí. Còn đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, chế độ cũng cao hơn một bậc so với mức hưu trí của công nhân, viên chức.

Cần sớm điều chỉnh mức thuế thu nhập cá nhân

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện chính sách cải cách tiền lương và dự kiến mức lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khá nhiều so với hiện nay. Bên cạnh nỗi lo áp lực lạm phát tăng, giá cả thiết yếu tăng cộng hưởng theo lương tăng. 

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, lương tăng nhưng mức thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh chưa được điều chỉnh kịp thời sẽ gây âu lo cho người lao động, bởi vì lương tăng đồng nghĩa với việc thu nhập tính thuế sẽ tăng. 

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, mức giảm trừ đối với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thực sự không còn phù hợp với thực tế hiện nay, nhất là ở những thành phố lớn. Trong khi 5 năm vừa qua, nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng, thậm chí có những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập. 

Theo Tổng cục Thống kê, so với năm 2020 giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng tới 105%... Vị đại biểu này đề nghị Chính phủ sớm trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào cuối tháng 10/2024 và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025. Bởi việc điều chỉnh mức thuế thu nhập cá nhân không kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ý nghĩa của chính sách cải cách tiền lương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm