Tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60, nam 62: Lao động nữ chịu tác động nhiều hơn

02/05/2019 - 10:05
TB&XH vừa đưa ra Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để lấy ý kiến người dân, trong đó đề xuất 2 phương án nâng tuổi nghỉ hưu của nam và nữ để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa đưa ra Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân, trong đó, nội dung được người dân đặc biệt quan tâm là việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.

Để đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ người lao động, Ban soạn thảo đề xuất 2 phương án nâng tuổi nghỉ hưu trình Quốc hội xem xét cho ý kiến.

Trong đó, Phương án 1 là: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2 là kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 04 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 06 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

 

Phương án tăng tuổi hưu của nam lên 62, nữ lên 60 sẽ tác động nhiều hơn đối với lao động nữ do điều chỉnh tăng tuổi hưu nhiều hơn (5 năm so với lao động nam chỉ tăng 2 năm)

 

Về nâng tuổi nghỉ hưu, có 2 vấn đề cần làm rõ là việc xác định mốc tuổi và lộ trình điều chỉnh tuổi như thế nào cho hợp lý và không gây “sốc” cho thị trường lao động?

Theo Ban soạn thảo, đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62, nữ lên 60, bảo đảm sự phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động. Chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động ngày càng tăng. Tuổi thọ bình quân của nam là 72,1 tuổi, của nữ là 81,3 tuổi; và cả hai giới tính là 76,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới là 72 tuổi.

Nước ta đang có tuổi nghỉ hưu tương đối thấp, trong khi lại có mức tuổi thọ ở tuổi 60 khá cao. Bên cạnh đó, lực lượng lao động tham gia thị trường lao động của Việt Nam trong những năm gần đây đang tăng chậm cả về số lượng và tỷ lệ. Trung bình mỗi năm chỉ tăng thêm 400.000 lao động. Lực lượng lao động Việt Nam không quá dồi dào như các đánh giá thông thường và sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt trong tương lai.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc nâng tuổi nghỉ hưu lên Nam 62 tuổi, Nữ 60 tuổi là cần thiết, tránh việc phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai và  hầu hết các quốc gia khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đều có một lộ trình để thu hẹp dần khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ.

Mục tiêu chung và lâu dài là tiến tới quy định tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau. Tuy nhiên, khi điều chỉnh, nhiều nước đang có tuổi nghỉ hưu nữ thấp hơn nam đã lựa chọn không quy định tuổi nghỉ hưu bằng nhau ngay, mà có lộ trình thu hẹp dần khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa các giới nhằm tránh gây tác động tiêu cực do phải điều chỉnh quá nhiều tuổi nghỉ hưu của nữ so với nam.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, qua khảo sát, đánh giá, phần đa ý kiến đề xuất chọn Phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

 

Ảnh minh họa

 

Tại hội thảo tham vấn ý kiến vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới đây, đánh giá tác động giới với phương án nâng tuổi hưu của nam lên 62 tuổi, nữ lên 60, bà Dương Thị Thanh Mai, Trưởng nhóm Đánh giá tác động giới của Bộ luật Lao động, cho biết: Phương án này giảm khoảng cách giới về tuổi hưu giữa nam và nữ. Tăng cơ hội, điều kiện, năng lực và thụ hưởng lợi ích của lao động nam, nữ từ việc làm, do kéo dài tuổi lao động, bao gồm cả đào tạo, thăng tiến nghề nghiệp, lương và thu nhập…

Trong đó, phương án này tác động nhiều hơn đối với lao động nữ do điều chỉnh tăng tuổi hưu nhiều hơn (5 năm so với lao động nam chỉ tăng 2 năm); đồng thời phương án này cũng góp phần làm giảm mất cân đối thu-chi của Quỹ BHXH.

Tuy nhiên, theo bà Thanh Mai, hạn chế của phương án này là chưa xóa được khoảng cách giới trong tuổi hưu. Đồng thời có nguy cơ làm phát sinh các bất bình đẳng mới ngay trong một giới (nam hoặc nữ) do điều kiện, năng lực, trình độ của người lao động ở các vị trí, tính chất công việc, ngành nghề khác nhau không phù hợp với việc kéo dài tuổi nghỉ hưu, dẫn đến khoảng cách về việc làm, thu nhập giữa các nhóm khác nhau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm