"Tăng xông" khi dạy con học

Tây Anh
07/12/2024 - 08:34
"Tăng xông" khi dạy con học

Ảnh minh họa

Mỗi lúc thấy tông giọng của vợ chuyển cao khi không giữ được bình tĩnh trong việc dạy con học, anh Huy phải nhẹ nhàng, tìm cách "chuyển hướng" tâm trạng của vợ.

Anh Minh Huy (Hà Nội) chia sẻ: "Vợ tôi thường vừa đắp mặt nạ vừa dạy con học. Có hôm nguyên cả khuôn mặt của cô ấy là màu vàng, bữa lại phủ kín một màu xanh, hôm nay thì mặt nạ giống như tờ giấy ướt màu trắng. 

Nằm trên giường, có lúc bất giác tôi quay sang nhìn vợ đang ngồi vắt chéo chân hướng dẫn con đọc bài, tôi giật mình. Hình ảnh đó đã trở nên quen thuộc ở gia đình tôi vào buổi tối. Đó là còn chưa kể tiếng quát con oang oang của vợ tôi. Dù quen rồi nhưng thi thoảng tôi vẫn bị giật mình".

Mỗi lúc thấy tông giọng của vợ chuyển cao khi không giữ được bình tĩnh trong việc dạy con học, anh Huy phải nhẹ nhàng, tìm cách "chuyển hướng" tâm trạng của vợ. Nào ngờ, giọng cô ấy còn lớn hơn, đổ lỗi cho việc mặt mình nhiều nếp nhăn "cũng chỉ tại bố con anh". 

Vợ anh Huy hay tức giận, căng thẳng mỗi lần mở phiếu theo dõi tình hình học tập ở lớp của con thấy kết quả không như cô ấy mong muốn. Con trai thường xuyên được đánh dấu tích ở các cột: "Cần tập trung hơn trong giờ học", "Cần đọc to rõ ràng", "Cần rèn chữ nắn nót hơn", "Cần làm bài cẩn thận hơn" và chưa lần nào được đánh dấu vào cột "Hiểu bài, tiếp thu nhanh".

Anh Huy cho biết, con trai anh mới vào lớp 1. Cũng từ dạo đó, mỗi lần vợ anh dạy con học là tình cảm mẹ-con… đi xuống. Chẳng còn ngọt ngào mẹ mẹ-con con mà quay qua quay lại đã thấy vợ anh xưng hô "mày - tao" với con. 

Con trai anh thì nước mắt ngắn dài. Giờ học của 2 mẹ con diễn ra như một "trận chiến". "Những lúc ấy, tôi cũng không tiện ngắt lời vợ, chỉ hồi hộp chờ cô ấy nói: "Anh vào mà dạy con đi!", anh Huy tâm sự.

Tâm sự về việc dạy con học, anh Huy bộc bạch: "Vợ chồng tôi đã sắp xếp thời gian phù hợp để luân phiên kèm con. Khi tôi ngồi với con, giữa hai bố con tuyệt nhiên là không gian yên tĩnh.

Nếu con viết đủ nét, rõ chữ là tôi xem như hoàn thành, việc chữ đẹp-xấu, theo tôi, cần luyện tập dần dần. Nếu con phải luyện đọc hoặc làm Toán, hướng dẫn đến lần thứ 3 mà con vẫn không hiểu thì tôi sẽ bỏ qua, dặn con đến hỏi cô. 

Vì tôi cho rằng, mình càng cố ép con càng sai phương pháp, con sẽ làm trước quên sau. Vợ tôi thì khác, cô ấy nhất định phải chờ con viết nắn nót, thật đẹp một chữ mới cho dừng, đọc đi đọc lại một câu, tính đi tính lại một phép Toán mà con vẫn chưa thể nhớ. Vậy là cả tối không hoàn thành bài, cả mẹ lẫn con đều căng thẳng".

Hồi đầu, hàng xóm không biết, lại tưởng vợ chồng anh Huy mâu thuẫn, bất hoà. Khi biết nội tình, người nào từng trải qua việc kèm con học sẽ thông cảm, người không hiểu sẽ bàn tán, cho rằng vợ anh Huy ghê gớm.

Thông cảm với vợ nhưng anh Huy cũng suy nghĩ về câu nói của bác hàng xóm. Vợ chồng anh đều không có nghiệp vụ Sư phạm, trong khi vợ anh thì kèm con học không đúng phương pháp. "Bố mẹ chỉ có thể hỗ trợ con học phần nào. 

Việc "sắm vai" giáo viên, nhất là khi bản thân không có chuyên môn, không đúng phương pháp thì con cái cũng khó mà tiếp thu tốt. Tôi không muốn thời gian đồng hành cùng con trong việc học lại trở thành khoảng thời gian căng thẳng của cả gia đình", anh Huy chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm