pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đến 2030, 100% phụ nữ khuyết tật sẽ tiếp cận dịch vụ và các chính sách
Một lớp học vẽ tranh dành cho trẻ tự kỷ tại Hà Nội. Ảnh minh họa
Theo bà Trương Thị Thu Thủy - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình Xã hội, TW Hội LHPN VIệt Nam, Hội LHPN Việt Nam, với chức năng là một tổ chức chính trị - xã hội, đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, trong đó có phụ nữ khuyết tật.
Do đó, Chương trình hành động về công tác trợ giúp phụ nữ khuyết tật được coi là nhiệm vụ chiến lược, trách nhiệm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội góp phần tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm, hành động trong các cấp Hội, cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ đối với việc thực hiện các chính sách xã hội liên quan đến phụ nữ yếu thế, khuyết tật, thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước "Không để ai bị bỏ lại phía sau".
Bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam, cho biết, giai đoạn 2021 - 2025 có 80% phụ nữ khuyết tật sẽ tiếp cận dịch vụ và các chính sách khác nhau, đến năm 2030 sẽ đạt 100%. Có thể hỗ trợ thêm cho các phụ nữ khuyết tật, lắng nghe họ, để xem nhu cầu của họ để phát triển thêm các dự án, mô hình tự nguyện của người phụ nữ trong thời gian tới.
Bà Đỗ Thị Huyền - Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội - chia sẻ: Theo thống kê, chị em phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật chiếm 58% trong số những người khuyết tật. Từ đó có những chương trình, hành động cụ thể để hỗ trợ, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ khuyết tật có cơ hội nhiều hơn. Chương trình dựa trên thang điểm công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật không phải theo hướng từ thiện, nhân đạo. Đây là kim chỉ nam của chương trình hành động Hội LHPN Việt Nam thực hiện. Hướng chương trình hành động đến được với người khuyết tật.
Dựa trên Đề án 1190/QĐ-TTg của Chính phủ là cơ sở thực hiện chương trình hành động này, truyền thông nâng cao nhận thức của cán bộ hội viên các cấp về vấn đề người khuyết tật, chuyển từ nhân đạo từ thiện sang hướng nhân quyền, tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia hoạt động cộng đồng, nâng cao nhận thức.
Chương trình nên có khuyến cáo cho những người phụ nữ khuyết tật ở các thể trạng khác nhau tham gia như nhóm bị điếc, mù, trẻ em gái thiểu năng trí tuệ, tự kỷ...
Bà Huyền cũng mong muốn CLB Phụ nữ khuyết tật sẽ trở thành chi hội của Hội Phụ nữ các cấp, từ đó nâng cao đào tạo năng lực cho cán bộ phụ nữ khuyết tật, có sự tham gia của các cán bộ Hội phụ nữ giúp đỡ cho phụ nữ khuyết tật. Phát triển kênh vay vốn để hỗ trợ cho phụ nữ khuyết tật có nhu cầu. Phụ nữ khuyết tật tham gia công tác phụ nữ trong các Chi hội phụ nữ...