Tạo ra sản phẩm mang giá trị kinh tế cao từ hạt dổi xứ Mường

PV
09/09/2020 - 09:32
Tạo ra sản phẩm mang giá trị kinh tế cao từ hạt dổi xứ Mường
Từ hạt dổi, một gia vị quen thuộc của địa phương, chị Bùi Thị Lợi (xóm Be Trên, xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã tạo ra những sản phẩm mang giá trị kinh tế cao, mở ra hướng phát triển mới cho bà con xứ Mường.

Đến với vùng đất Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, đặc sản được nhiều người biết đến là hạt dổi. Cây dổi nhà nào cũng trồng và hạt dổi được bà con sử dụng quanh năm để làm gia vị. Những món ăn được ướp thứ hạt gia vị này luôn có vị thơm đặc trưng.

Không biết từ bao đời, hương vị và độ ngon của hạt dổi đã tạo nên hồn cốt của ẩm thực xứ Mường. Đặc biệt, cây dổi còn được bà con sử dụng như một loại thuốc chữa các bệnh về xương khớp hiệu quả.

Mang đến hướng đi mới cho bà con xứ Mường - Ảnh 1.

Từ hạt dổi, một gia vị quen thuộc của địa phương, chị Bùi Thị Lợi đã tạo ra những sản phẩm mang giá trị kinh tế cao.

Hơn chục năm trở lại đây, thứ gia vị thơm nức tiếng này đã được người tiêu dùng biết đến. Nhờ đó, đời sống của các hộ dân trong xã đã thay đổi nhanh chóng nhờ bán hạt và cây dổi giống. "Nhưng việc bán hạt dổi chỉ đơn giản là nguyên liệu thô. Hạt dổi chưa qua chế biến, được đóng gói trong túi nylon hoặc hộp thủ công, chưa qua chế biến. Nếu có sản phẩm dổi nơi khác trà trộn thì người tiêu dùng không phân biệt được. Nếu cứ trồng, bán hạt dổi như vậy, hạt dổi Lạc Sơn sẽ mất dần thương hiệu của mình"- chị Bùi Thị Lợi chia sẻ.

Nâng tầm hạt dổi quê hương

"Nếu dùng hạt dổi theo cách truyền thống của người Mường, mỗi lần đến bữa phải đi nướng, giã, xay rất mất thời gian. Mình phải làm ra được sản phẩm vừa giữ được hương vị của hạt dổi, vừa phù hợp với người tiêu dùng. Lúc đó, hạt dổi Lạc Sơn mới có thể vươn xa đến mọi miền được", chị Bùi Thị Lợi chia sẻ.

Mang đến hướng đi mới cho bà con xứ Mường - Ảnh 2.

Hơn chục năm trở lại đây, thứ gia vị thơm nức tiếng này đã được người tiêu dùng biết đến.

Quyết tâm gìn giữ và phát triển sản phẩm hạt dổi của Lạc Sơn, chị Bùi Thị Lợi đã dành thời gian nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm mới từ hạt dổi để người tiêu dùng có thể sử dụng tiện lợi hơn. Từ ý tưởng đó, chị Lợi đã cùng chị em phụ nữ xã Chí Đạo thử nghiệm, tạo ra sản phẩm muối hạt dổi.

Chị Bùi Thị Lợi chia sẻ: "Cách làm muối hạt dổi cũng khá cầu kỳ. Hạt dổi phơi khô cho vào nướng trên bếp than hồng. Điều cần lưu ý là phải nướng hạt dổi sao cho thật khéo, để hạt dậy mùi mà không bị cháy. Sau khi hạt dổi đã được làm chín, dậy mùi thì cho vào máy nghiền nhỏ rồi trộn với muối rang".

Để cho ra đời sản phẩm hoàn thiện, các chị đã phải làm đi, làm lại, điều chỉnh các thành phần nguyên liệu nhiều lần. Đặc biệt, muối hạt dổi ngon thôi chưa đủ mà còn phải có hình thức đẹp mới đủ hấp dẫn người tiêu dùng. Chị Bùi Thị Lợi tiếp tục cải tiến, đóng vào những chiếc hũ thủy tinh để muối hạt dổi đẹp hơn và bảo quản được lâu hơn. Sản phẩm được sử dụng trong thời hạn 2 năm.

"Loại gia vị làm từ muối và hạt dổi này rất thơm ngon. Khi dùng không cần phải lách cách đi nướng, giã, xay như cách làm truyền thống. Vì thế, sản phẩm nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận", chị Bùi Thị Lợi chia sẻ thêm.

Từ khi làm muối hạt dổi đến nay, chị Bùi Thị Lợi dành thời gian đi quảng bá sản phẩm ở mọi nơi. Sản phẩm muối hạt dổi đã được bán tại nhiều cơ sở phân phối, siêu thị ở TP.Hòa Bình và các cửa hàng đặc sản vùng miền tại nhiều địa phương khác. Chị Bùi Thị Lợi vẫn đang tiếp tục thực hiện dự định đưa muối dổi Mường Be của phụ nữ xã Chí Đạo đến được nhiều nơi hơn, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận.

Tổ hợp tác sản xuất muối hạt dổi đã thu hút được 15 hộ tham gia. Chị Bùi Thị Lợi mong muốn truyền cảm hứng cũng như tạo điều kiện cho chị em hoặc những người có chung ý tưởng kinh doanh liên quan đến sản phẩm hạt dổi. Chị sẵn sàng chia sẻ, tư vấn và cộng tác.

Để tìm hiểu mô hình hạt dổi này, bạn đọc liên hệ chị Bùi Thị Lợi, xóm Be Trên, xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, ĐT: 0394729675.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm