Một gia đình nghèo ở xã Mường Lựm, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La |
Tại cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững ngày 10/3, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết: Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Kết quả sơ bộ cho thấy, miền núi Tây Bắc là khu vực có tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất với trên 55% tổng số hộ dân. Tiếp đến là khu vực miền núi Đông Bắc với hơn 29%; Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng Nam Bộ là dưới 10%. Các khu vực còn lại tỉ lệ này từ 12-24%. Tới cuối tháng 3/2016, Bộ LĐTB&XH sẽ hoàn thành tổng hợp về số lượng hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình trong giai đoạn 2016-2020, mục tiêu của chương trình là giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân… góp phần giảm số hộ nghèo bình quân cả nước từ 1-1,5%/năm, trong đó số hộ nghèo ở các huyện, xã nghèo giảm bình quân trên 4%/năm.
Trong giai đoạn 5 năm tới, dự kiến tổng kinh phí thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững là hơn 48.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là gần 41.500 tỉ đồng. Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước.