pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tây Ninh: Từng bước đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Hội LHPN tỉnh Tây Ninh phối hợp truyền thông giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số
Tây Ninh là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 21 dân tộc thiểu số với khoảng với khoảng 5.551 hộ/hơn 20.400 nhân khẩu; chiếm khoảng 1,73% dân số toàn tỉnh. Trong đó chủ yếu là các dân tộc Khmer, Chăm và Hoa, sinh sống tập trung tại các huyện biên giới.
Theo kết quả điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Tây Ninh có tỷ lệ hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số là 0,1%; trong khi đó tỷ lệ tảo hôn là 26,89%. Tình trạng này xảy ra chủ yếu tại các huyện biên giới, nơi dân trí còn thấp, tập quán sinh hoạt truyền thống còn ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức và hành vi của người dân.
Từ thực tế này, trong thời gian qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Tây Ninh đã phát huy vai trò nòng cốt, tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể, hiệu quả trong phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Trong đó, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và giới thiệu sâu rộng về Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025.

Hội LHPN Thị xã Hòa Thành, Tây Ninh truyền thông giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Hội LHPN tỉnh Tây Ninh cho biết, xác định công tác tuyên truyền là nền tảng quan trọng trong việc phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đổi mới phương thức truyền thông. Hàng năm, Tỉnh Hội đều chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ngành chức năng tổ chức nhiều hoạt động truyền thông đa dạng: từ hội nghị, tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ đến tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi với nội dung gần gũi, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương.
Hội LHPN tỉnh đã phối hợp Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tổ chức các buổi tư vấn pháp luật cho 350 phụ nữ dân tộc thiểu số, giúp chị em hiểu rõ hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của mình, từ đó góp phần phòng ngừa các hủ tục lạc hậu. Trong 2 năm (2023 và 2024), Tỉnh Hội phối hợp Văn phòng UBND tỉnh tổ chức 20 buổi truyền thông tại các xã, phường có đông đồng bào dân tộc thiểu số, thu hút hơn 2.000 lượt người tham dự; phát 9.000 tờ rơi, tài liệu tuyên truyền.
Đặc biệt, vai trò của người có uy tín trong cộng đồng được các cấp Hội tận dụng hiệu quả. Hiện toàn tỉnh có 34 người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó 6 nữ. Những cá nhân này được xem là "cầu nối" giữa Hội và người dân, tham gia tuyên truyền, làm gương và can thiệp kịp thời nhiều trường hợp chuẩn bị tảo hôn, góp phần giúp các em gái tiếp tục đến trường.

Các cấp Hội LHPN tỉnh Tây Ninh đã và đang hỗ trợ, đồng hành cùng phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn phát triển kinh tế, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết
Song song đó, Hội còn đẩy mạnh truyền thông đa nền tảng, phối hợp tổ chức các buổi tọa đàm, chuyên mục phát sóng, bài viết chính luận nhằm tăng độ lan tỏa trong cộng đồng. Trong giai đoạn 2023–2024, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã thành lập 13 Tổ truyền thông cộng đồng với 158 thành viên nòng cốt; thực hiện 43 cuộc truyền thông trực tiếp lồng ghép vào các mô hình đặc thù như "Phụ nữ dân tộc với pháp luật", "Tổ phụ nữ không bạo lực gia đình trong đồng bào Chăm"... Những hoạt động này không chỉ truyền tải thông điệp tích cực mà còn xây dựng mạng lưới hỗ trợ cộng đồng hiệu quả, bền vững.
Nhận thức rõ mối liên hệ giữa đói nghèo và vấn nạn tảo hôn, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh chú trọng triển khai các giải pháp hỗ trợ sinh kế, nâng cao chất lượng sống cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Thông qua các chương trình như "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025"… nhiều mô hình kinh tế phù hợp được nhân rộng như nuôi bò sinh sản, trồng rau sạch, đan giỏ nhựa giả mây...
Bên cạnh đó, Hội cũng tổ chức chăm lo an sinh dịp lễ Tết, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm phụ nữ dân tộc; tạo thêm động lực để chị em yên tâm lao động, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Theo Hội LHPN tỉnh Tây Ninh, những nỗ lực bền bỉ của các cấp Hội trên địa bàn đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong quan niệm hôn nhân gia đình, tiến tới ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản của phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.