Tết Đoan ngọ của người Việt Nam hoàn toàn khác so với Trung Quốc

30/05/2017 - 13:26
Hằng năm, cứ đến ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch, nhân dân ta lại tổ chức ăn Tết Đoan ngọ. Nhiều người cho rằng, Tết Đoan ngọ ở Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc song, sự thật không phải như vậy.

Căn cứ vào một số công trình nghiên cứu văn hóa cho thấy, Tết Đoan ngọ của người Việt hiện nay có nguồn gốc hoàn toàn khác so với Tết Đoan ngọ của người Trung Quốc.

Theo giải thích của học giả Chu Xử trong sách “Phong Thổ Ký” thì, Tết Đoan ngọ còn được gọi là Tết Đoan dương. Đoan ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, ngọ: giữa trưa). Còn dương là mặt trời, là khí dương; Đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.

Quan niệm phổ biến cho rằng, Tết Đoan ngọ của người Việt có xuất xứ từ Trung Quốc gắn liền với một nhân vật trong lịch sử Trung Quốc tên là Khuất Nguyên.

Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Khuất Nguyên, tên Bình, biệt hiệu Linh Quân (340 TCN - 278 TCN) là một chính trị gia, một nhà thơ yêu nước nổi tiếng của nước Sở, làm chức Tả Đồ cho Sở Hoài Vương. Ông còn là nhà văn hoá nổi tiếng.

Lúc đầu ông được vua yêu quý, sau có quan lại ganh tài ông, tìm cách hãm hại. Vua Sở nghe lời gièm pha nên ghét ông. Ông âu sầu, ưu tư nên viết bài thơ Ly Tao (thuộc thể loại Sở từ) nổi tiếng trong văn hóa cổ Trung Hoa, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong với hoạ mất nước.

Đến cuối đời, ông lại bị vua Tương Vương (người nối ngôi Sở Hoài Vương) đày ra Giang Nam (phía nam sông Dương Tử). Ông thất chí, tự cho mình là người trong sống trong thời đục nên làm bài phú Hoài Sa rồi ôm một phiến đá, gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch.

Thương tiếc người trung nghĩa, để tưởng nhớ về con người và cái chết bi ai của Khuất Nguyên, mỗi năm cứ đến ngày đó, người dân Trung Quốc lại  xưa lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh, lấy bỏ gạo vào ống tre rồi thả xuống sông cúng Khuất Nguyên. Từ đó, theo truyền thuyết, ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm là ngày Tết Đoan ngọ ở Trung Quốc.

1.jpg
 Bánh gio, rượu nếp, hoa quả...là những món không thể thiếu trong mâm cúng Tết Đoan ngọ của người  Việt Nam.

Trên thực tế, từ cuối thời Đông Hán, người ta đã tìm thấy những thư tịch sưu tầm về Tết Đoan ngọ. Hầu hết các học giả thời đó cho rằng nguồn gốc của lễ tiết này có liên quan đến sự tưởng niệm thi hào nổi tiếng của nước Sở là Khuất Nguyên. Tuy nhiên các sử gia Trung Quốc lúc bấy giờ không hề đưa ra được những tư liệu cụ thể để chứng minh cho sự liên quan này.

Ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ còn được dân gian gọi bằng một cái tên dân dã hơn: Tết diệt sâu bọ. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống có nội hàm văn hoá phong phú. Không riêng gì Việt Nam hay Trung Quốc mà ở Triều Tiên, Hàn Quốc cũng có Tết Đoan ngọ. Từ đó cho thấy, nó thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông và gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.

Ở Việt Nam, người ta truyền cho nhau sự tích về nguồn gốc Tết Đoan ngọ như sau: Vào một ngày sau vụ mùa, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo đến rất nhiều ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Người dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.

Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo, chỉ một lúc sau, hàng đàn sâu bọ liền chết hết. Lão ông còn dặn thêm, sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng.

Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, người dân đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", có người gọi nó là "Tết Đoan ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Trong ca dao Việt Nam cũng có câu:

“Tháng tư đong đậu nấu chè,

Ăn tết Đoan ngọ trở về tháng năm”

Tết Đoan ngọ còn được người Việt gọi bằng cái tên khác là “Tết Nửa năm” (cũng có nơi là gọi là Giữa năm). Đây được xem là tên gọi của riêng người Việt, không lẫn với tên gọi của các quốc gia khác.

Về tên gọi Tết Nửa năm, tác giả Nguyễn Ngọc Thơ trong “Lại bàn về nguồn gốc tết Đoan ngọ” giải thích: “Thời cổ đại, người Việt Nam dùng lịch kiến Tý, do vậy tháng mở đầu trong năm là tháng 11 âm lịch. Theo cách tính này, ngày 5 tháng năm rơi vào thời điểm nửa năm, do vậy dân gian Việt Nam rất chuộng tên gọi tết Nửa năm”.

3.jpg
 Những món ăn truyền thống của người Việt trong Tết Đoan ngọ.

Về nguồn gốc của Tết Đoan ngọ, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm khẳng định: Tết Đoan ngọ Việt Nam có cùng một khởi nguồn với vùng đất Bách Việt ở Nam Trung Hoa (vào khoảng vùng hạ lưu Dương Tử trở xuống) và Bắc Đông Dương.

Tác giả luận giải, từ ngàn xưa, đây vốn là vùng nông nghiệp lúa nước trù phú do các dân tộc Bách Việt gây dựng nên. Do nằm dọc hai bên chí tuyến bắc, mùa hè ở đây oi bức, khó chịu, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. May mắn, người nông dân với nghề lúa nước luôn đòi hỏi phải quan sát thời tiết để tránh tối đa những tác hại của nó và tận dụng hữu hiệu những lợi thế mà tự nhiên mang lại, nhờ vậy phong tục tết Đoan ngọ hình thành, đánh dấu một cột mốc quan trọng của chu kỳ tuần hoàn thời tiết (Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB TP HCM, 2004).

Như vậy, có thể thấy, Tết Đoan ngọ xưa là do nhân dân lao động sáng tạo ra. Nó là thành quả từ trí tuệ của truyền thống nông nghiệp phương Nam của các bộ tộc Bách Việt. Về sau, cùng với việc xâm lấn và mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam sông Dương Tử, Tết Đoan ngọ được người Hán tiếp nhận và hưởng ứng. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương khác nhau lại gắn vào nhiều điển tích khác nhau với các nhân vật như Ngũ Tử Tư, Việt vương Câu Tiễn, Khuất Nguyên đến Tào Nga, Trần Lâm…

Bởi vậy, không thể quan niệm Tết Đoan Ngọ của người Việt có nguồn gốc từ Trung Quốc như nhiều người hiện nay vẫn lầm tưởng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm