Thách thức tử thần khi đẻ tại nhà

07/08/2015 - 14:08
Ở nhiều nơi, chị em phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn ngại để người lạ thăm khám khi có thai và có tâm lý muốn sinh con tại nhà. Và “bà đỡ đẻ” cho họ cũng là những người phụ nữ thân thích ngay trong gia đình như mẹ, chị, em gái. Song, hiểm họa thì khôn lường...

Một phụ nữ dân tộc Mông từng sinh con tại nhà

Nơi phụ nữ chỉ sinh con tại nhà

Hầu hết phụ nữ dân tộc Ma Coong, người Arem sống rải rác trên các bản thuộc Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng (Bố Trạch, Quảng Bình) đều sinh con tại nhà. Từ xưa đến nay, thai phụ đều không muốn đến các cơ sở y tế để sinh con. Y Phích, người Ma Coong (bản Cờ Đỏ) năm nay mới 18 tuổi chưa chồng nhưng đã có con. Y Phích bế đứa con trai trong tay, kể: “Em sinh con trong một đêm đông rét mướt. Mẹ em phải thức cả đêm để đỡ cháu ngoại đấy”. Mẹ của Y Phích là chị Y Nhan năm nay ngoài 40 tuổi. Chị cũng toàn sinh con tại nhà chứ không đến trạm y tế. Người đỡ đẻ cho chị Y Nhan là bà mụ trong bản. Những phụ nữ khác trong bản cũng giống như chị Y Nhan, cứ chửa là đẻ, chứ không có ai được khám thai định kỳ như phụ nữ ở dưới xuôi cả.

Trước đây, người Ma Coong còn có tục lệ không cho phụ nữ sinh tại nhà mà khi gần đến ngày sinh thì tự làm 1 cái chòi rồi sinh con ở đó, tự đẻ, tự chăm sóc lấy mình. Không riêng gì bản Cờ Đỏ, phụ nữ sống ở 17 bản khác nằm rải rác theo biên giới Việt - Lào của xã Thượng Trạch đều sinh con tại nhà. Gặp bà Y Nhoong, người phụ nữ có uy tín lớn đối với người Ma Coong, bà cũng khẳng định như thế. Bản thân bà Y Nhoong đã mấy lần tự sinh con ở nhà. Cái cách người phụ nữ Ma Coong sinh con cũng đầy lạ lẫm. Họ thường ngồi chứ không nằm trên bàn đẻ như thường thấy.

Việc đỡ đẻ cho sản phụ nữ dân tộc Ma Coong cũng không phải là các “bà mụ” chuyên nghiệp mà chính là những người phụ nữ thân thích trong gia đình như mẹ, chị, em gái. Bản thân bà Y Nhoong đã 4 lần sinh con, hàng chục lần “đỡ đẻ” cho em gái, con gái, con dâu...

Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng trạm Y tế xã Thượng Trạch, đã gắn bó với mảnh đất này được 3 năm nay cho biết: “Những người tiền nhiệm của tôi cũng khẳng định, phụ nữ nơi đây không sinh con tại trạm y tế. Hiện nay, phụ nữ Ma Coong vẫn giữ nguyên thói quen đẻ ở nhà”.

Trả giá đắt

Từ khi đưa con gái mất đến giờ, bà Vàng Thị Giàng (bản Chảng Phàng, xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu) sống âm thầm và ít tâm sự với mọi người. Ngày đó bà mất cả con lẫn cháu vì chị Nu, con gái bà, sinh tại nhà. Bà Giàng kể: “Những năm trước đây, chúng tôi toàn sinh con tại nhà. Ngày con gái tôi chửa, tôi bảo nó ở nhà cũng được. Ai ngờ...”. Hôm con gái bà chuyển dạ, bị mất rất nhiều máu. Các bà, các mẹ trong bản không ai tìm được cách cầm máu cho cô ấy. Bà Giàng ân hận vì không đưa con gái tới trạm y tế sớm hơn.

Trước kia, bản chưa có đường xuống trung tâm xã, những phụ nữ nơi đây đều sinh con tại nhà. Từ ngày có đường lên bản, nhiều phụ nữ đã tới trạm y tế sinh con. Bà Giàng cũng biết vậy, nhưng bà vẫn tin vào những kinh nghiệm sinh con tại nhà do các cụ truyền lại, thế mới ra cơ sự như vậy!

Chị Chang Thị Di là một trường hợp ở bản Chảng Phàng may mắn thoát khỏi lưỡi hái Tử thần khi sinh con. Hôm chị trở dạ, trời tối như hũ nút. Bản ở xa trạm y tế nên gia đình quyết định để chị Di đẻ tại nhà. Suốt cả đêm quằn quại với cơn đau đẻ mà đứa con của chị vẫn chưa chịu ra. Trời tảng sáng, gia đình mới quyết định đưa chị Di xuống bệnh viện tỉnh. Chị mang thai ngược, các bác sĩ phải mổ cấp cứu. Khi “mẹ tròn con vuông”, chị Di mới tin là mình đã thoát chết.

Theo anh Nguyễn Văn Hồng, Trạm trưởng Trạm y tế xã Sin Súi Hồ, đa số các trường hợp phụ nữ sinh con tại nhà khi đưa tới cấp cứu ở bệnh viện đều rơi vào tình trạng suy kiệt sức khỏe. Vậy mà chỉ khi nào họ không sinh được và gia đình thấy rủi ro đến gần thì mới quyết định đưa sản phụ đi cấp cứu. Nhiều trường hợp tới viện thì đã quá muộn.

Báo cáo Điều tra tử vong mẹ của Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em phối hợp Viện Chiến lược và Chính sách Y tế tiến hành năm 2009 cho thấy, mặc dù tỉ lệ tử vong mẹ trong giai đoạn gần đây đã giảm đáng kể, song ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, tỉ lệ này còn cao hơn từ 3 đến 4 lần so với khu vực đồng bằng, do tỉ lệ đẻ tại nhà tại một số tỉnh khu vực miền núi vẫn còn cao, chiếm từ 40 đến 60%. Điển hình như các tỉnh Lai Châu (59%), Điện Biên (55%), Lào Cai (53%)...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm