'Tháng 3 giỗ Mẹ’ tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

18/02/2017 - 20:00
Người Việt có câu ‘Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ’, trong đó tháng 3 âm lịch giỗ Mẹ là để tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn có từ hàng nghìn năm nay của người Việt.

Theo các nhà nghiên cứu về đạo Mẫu, trong Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Mẫu Thượng Thiên, vị đệ nhất Thánh Mẫu có quyền năng cai quản bầu trời, làm chủ các thế lực siêu nhiên như mây mưa, gió bão, sấm chớp... chính là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, bậc mẫu nghi thiên hạ, một trong 4 vị thánh bất tử của người Việt.

Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một nhân vật vừa là thiên thần, vừa là nhân thần với những huyền thoại dày đặc yếu tố kỳ ảo. Nguồn tư liệu về bà Chúa Liễu Hạnh rất phong phú, bao gồm các truyền thuyết, thần tích, các gia phả, ngọc phả của các dòng họ sinh sống tại Phủ Giầy.

Theo truyền thuyết trong dân gian của nước ta, bà vốn là con gái thứ 2 của Ngọc Hoàng có tên là công chúa Quỳnh Hoa và sự tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh gắn liền với 3 lần giáng trần của bà.

2.jpg
Trên ban thờ, Mẫu Liễu Hạnh mặc áo đỏ, ngồi giữa trong ba vị Thánh Mẫu.

Lần thứ nhất bà giáng vào nhà họ Phạm, có tên là Phạm Tiên Nga ở Quảng Nạp, Vỉ Nhuế, Ý Yên, Nam Định.

Vào đầu thời Lê, tại ấp Quảng Nạp, xã Vỉ Nhuế, huyện Ý Yên, Nam Định có một gia đình họ Phạm, hai vợ chồng đều là những người hiền lành, tu nhân tích đức nhưng hiềm một nỗi đã ngoài 40 tuổi mà chưa có con. Một đêm rằm tháng hai, ông bà được thần báo mộng là Ngọc Hoàng sẽ cho con gái thứ hai đầu thai làm con, từ đó người vợ mang thai. Vào đêm trước khi bà ra đời, bỗng như có một nàng tiên từ trong đám mây bước xuống thềm nhà rồi người vợ sinh một bé gái. Do đó, hai vợ chồng đặt tên con là Phạm Tiên Nga.

Phạm Tiên Nga càng lớn càng xinh đẹp, mọi việc nữ công gia chánh đều thành thạo, đảm đang. Không lâu sau, thân phụ của bà qua đời, hai năm sau mẫu thân cũng về nơi tiên cảnh. Phạm Tiên Nga đã làm lễ an táng cha mẹ ở phía đông nam phủ Nghĩa Hưng (nay là thôn La Ngạn, nơi đây có đền thờ Phụ thân và Mẫu thân của Phạm Tiên Nga).

Sau 3 năm để tang cha mẹ, bà bắt đầu chu du khắp nơi làm việc thiện. Bà đã ủng hộ tiền của và công sức giúp dân đắp đê ngăn nước Đại Hà từ bên kia phía núi Tiên Sơn (nay là núi Gôi) đến Tịch Nhi (nay chính là đường đê Ba Sát, nối Quốc lộ 10 chạy dọc xã đến ngã ba Vọng). Đây cũng chính là con đường nối di tích Phủ Dày với Phủ Quảng Cung. Cùng với đó, bà còn cho làm 15 cây cầu đá, khơi ngòi dẫn nước tưới tiêu, khai khẩn đất ven sông, giúp tiền bạc cho người nghèo, chữa bệnh cho người ốm, sửa đền chùa, cấp lương bổng cho các vị hương sư, khuyên họ cố sức dậy dỗ con em nhà nghèo được học hành…

Năm 36 tuổi, bà đến bờ sông Đồi dựng một ngôi chùa trên mảnh vườn nhỏ, đặt tên là Chùa Kim Thoa, bên trên thờ đức Nam Hải Quan Thế Âm Bồ Tát, bên dưới thờ thân phụ và thân mẫu.

Sau đó hai năm, bà tới tu sửa chùa Sơn Trường - Ý Yên, Nam Định; chùa Long Sơn - Duy Tiên, Hà Nam; chùa Thiện Thành ở Đồn Xá - Bình Lục, Hà Nam. Tại chùa Đồn Xá, Bà còn chiêu dân phiêu tán, lập ra làng xã, dậy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải.

Tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1472), bà trở lại chùa Kim Thoa rồi tháng 9 năm ấy, bà trở về quê cũ tu sửa đền thờ tổ họ Phạm khang trang bề thế. Sau đó Bà lại đi chu du ở trong vùng, khuyên răn bà con dân làng những điều phải trái.

Trong đêm ngày 2 tháng 3 năm Quý Tỵ, thời Hồng Đức (1473), trời nổi cơn giông, gió cuốn, mây bay, bà đã hoá thần về trời. Năm đó bà vừa tròn 40 tuổi.

Lần thứ hai, bà giáng vào nhà họ Lê, tên là Lê Thị Thắng (hiệu Giáng Tiên) ở An Thái, Vụ Bản, Nam Định.

Lần này, do phạm lỗi làm vỡ chén ngọc mà bà bị giáng xuống trần gian đầu thai vào một gia đình họ Lê ở thôn An Thái, xã Vân Cát, huyện Vụ Bản (Nam Định), nay là thôn Tiên Hương, xã Kim Thái vào năm Đinh Tỵ (1557). Cha bà đặt tên con là Lê Thị Thắng và mang biệt hiệu là Giáng Tiên (Tiên giáng trần). Khi trưởng thành, bà lấy chồng họ Trần ở cùng thôn rồi mất ngày 3 tháng 3 năm Đinh Sửu (1577). Năm ấy, bà mới 20 tuổi. Lăng mộ và đền thờ ở Phủ Dầy, thôn Thiên Hương - Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định.

Hiện nay làng Tiên Hương còn có nhà thờ tổ (còn gọi là Phủ Nội) đã được xây dựng từ 200 năm trước, thờ các vị tiên tổ hai họ Trần, Lê. Trong Phủ Nội còn có bản gia phả ghi rõ Mẫu Liễu Hạnh được sinh ra tại thôn này có cha là ông Lê Thái Công, mẹ là Trần Thị Phúc.

1.jpg
 Bà là bậc mẫu nghi thiên hạ, một trong bốn vị Thánh bất tử của người Việt.

Lần thứ ba bà giáng tại Nga Sơn, Thanh Hóa, được hơn 1 năm thì mãn hạn hồi tiên.

Truyền thuyết kể rằng, vì tình nghĩa thuỷ chung với chồng con ở trần thế nên đến năm Canh Dần (1650), bà lại giáng sinh tại đất Tây Mỗ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá vào ngày 10 tháng 10, tái hợp với ông Trần Đào lúc này đã tái sinh là Mai Thanh Lâm, sinh được một con trai. Bà mất ngày 23 tháng Chạp năm Mậu Thân (1668). Năm ấy bà vừa 18 tuổi. Đền thờ Bà là Phủ Sòng Sơn, Thanh Hoá.

Sau đó bà hiển linh giúp dân giúp nước nên được các triều đại sắc phong là: ‘Mã Hoàng Công Chúa, Thượng Đẳng Tối Linh Tôn Thần’, ‘Thượng Thượng Đẳng Tối Linh Vi Bách Thần Chi Thủ’ (triều vua Lê Thần Tông), ‘Hộ Quốc Bình Nhung Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương’ (triều vua Lê Huyền Tông).

Bởi vậy trong văn thỉnh đức Thánh Mẫu mới có hát rằng:

‘Thỉnh mời Đệ Nhất Thiên Tiên

Sắc phong Chế Thắng xe loan ngự về

Phủ Dày, Vân Cát thôn quê

Nghĩa Hưng, Thiên Bản họ Lê cải trần

Hình dung cốt cách thanh tân

Mười năm định giá hôn nhân xướng tùy’

Ngoài ra, còn nhiều huyền thoại khác về sự hiển linh của bà như việc bà giúp nhà Trịnh dẹp giặc, hội kiến với trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan) khi ông đi xứ Trung Quốc về… Trong phủ còn có hẳn một bài thơ về cuộc du ngoạn tao phùng giữa bà với trạng Bùng được chạm khắc rất rõ ràng.

Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh có ở khắp mọi nơi nhưng các nơi chính vẫn là những nới Mẫu giáng trần hoặc hiển linh lưu dấu thánh tích như: Phủ Nấp - Phủ Quảng Cung Đệ Nhất ở Vỉ Nhuế, Ý Yên, Nam Định (là nơi Mẫu giáng trần lần đầu tiên). Nguy nga nhất là quần thể Phủ Dầy (nơi Mẫu giáng trần lần thứ hai), rồi Đền Đồi Ngang - Phố Cát , Đền Sòng thuộc Thanh Hóa (nơi Mẫu giáng hiện lần thứ ba). Ngoài ra còn có Phủ Tây Hồ, Đền Rồng, Đền Dâu, Quán Cháo…đều là những nơi Mẫu để lại thánh tích.

Ngày hội chính tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là ngày 3/3 âm lịch, tức là ngày Mẫu mất trong lần giáng sinh thứ hai, ngoài ra ngày rằm tháng 8 ở Phủ Tây Hồ cũng được mở tiệc rất long trọng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm