Thằng hề cũng biết khóc

Truyện ngắn của Thuỷ Vũ
20/06/2021 - 20:00
Thằng hề cũng biết khóc

Tranh minh hoạ

Thằng hề giật mình tỉnh dậy giữa đêm. Nó đã mơ về một thằng hề khác đang ngồi khóc. Nó cứ tưởng đó chính là nó. Nó đã muốn đến an ủi vỗ về, hoặc bằng một cách đồng cảm hơn là khóc cùng nó. Nhưng nó không khóc nổi. Nó chỉ cười. Tiếng cười khùng khục.

Thằng hề có cái mũi đỏ choét như quả cà chua trên cái mũi ấy. Hàng ngày nó hay đi qua con phố này, ngồi nặn những quả bóng bay thành đủ các hình thù, rồi chia cho bọn con nít. Tụi trẻ con thích nó. Người lớn cho nó tiền.

Nó xin được vào một gánh xiếc rong nào đó. Cái gánh xiếc nghèo nàn. Nó vẫn làm cái việc của một thằng hề. Ngày ngày nó bôi cái mũi đỏ choét như quả cà chua và nhảy múa, và tung đĩa. Phải nói, nó diễn trò tung hứng với những chiếc đĩa giỏi lắm. Nó vừa tung, vừa cười. Cái thoáng nó nhăn mặt chớp qua, chẳng ai kịp nhận ra.

Rồi nó trở thành một thằng hề có tiếng. Người ta mời nó đến diễn ở những nơi có nhiều trẻ con và những ngày lễ dành cho trẻ con. Nó cười tí tởn. Đứa trẻ con nào cũng háo hức được nhìn thấy nó. Thằng hề, gặp là cười, cười là vui. Nhưng chỉ có trẻ con thích nó, reo hò tán thưởng nó. Người lớn ít khi để ý đến nó. Họ đến gặp nó chẳng qua vì con cái họ và họ chẳng bao giờ tán thưởng, họ ngồi im hoặc quay sang nói chuyện với nhau khi nó diễn. Những trò hề của nó quá nhạt nhẽo so với sự phức tạp trong cuộc đời họ. Thằng hề nghĩ: "Một thằng hề không hiểu nổi những người bình thường nghĩ gì và sống thế nào. Thằng hề chỉ có cuộc sống của thằng hề mà thôi". Chỉ có trẻ con mới hỏi nó rằng: "Làm hề lúc nào cũng được cười. Thích nhỉ?", "Bố mẹ cho con đi làm hề giống thằng hề nhé".

Có đứa trẻ con nọ hồn nhiên chạy lại hỏi nó khi nó vừa diễn xong trên sân khấu:

"Thằng hề có bố mẹ không chú?".

Nó cười, tung hứng mấy chiếc đĩa. Đứa trẻ con bị cuốn mắt vào những chiếc đĩa ấy, lại cười háo hức với nét mặt của thằng hề đến nỗi nó quên luôn câu hỏi khi nãy.

Cũng chẳng có ai thèm biết tên nó. Nó đơn giản được gọi là thằng hề. Nó vui với cái tên đó, vì nó sẽ chẳng phải mất công nghĩ ngợi một cái tên thật kêu để đi làm nghề cho nó nổi bật. Nó cũng không mất công phải nhớ, nhớ cho bằng được chuyện ngày trước bố mẹ nó đặt tên nó là gì. Nếu người ta bắt nó đưa ra một cái tên, nó sẽ phải vắt óc cả ngày mà suy nghĩ, rồi nhớ. Nó phải nhớ từ chuyện nó có được bố mẹ sinh ra không, cho đến chuyện bố mẹ nó đặt tên nó là gì. Hồi bé, nó tên gì và lúc lớn nó tên gì. Ôi, phức tạp quá, rắc rồi quá. Nó không bao giờ liên kết được nhiều vấn đề như thế cùng một lúc đâu. Nó là một thằng hề. Nó đã biết điều đó từ lúc nó biết nghĩ, biết nhớ.

Thằng hề ở lại luôn ở rạp xiếc. Nó ăn những bữa cơm nấu vội của một bà đầu bếp dở ẹc mà người ta chỉ bỏ ra một số tiền nghèo nàn để thuê về. Nó dành hầu hết thời gian của mình để luyện tập thành một chú hề. Chỉ có mỗi tối khuya sau khi diễn xong, nó mới được chui vào cái ổ của mình, và trở về làm nó. Mà nó là ai. Nó là thằng hề. Nó chẳng biết ai khác ngoài thằng hề.

Đêm đến thằng hề không cười.

Nó nằm vật ra giường khi rửa sạch chiếc mũi đỏ và ti tỉ thứ màu xanh đỏ khác trên mặt nhưng nó không ngủ ngay được. Nó bắt đầu nghĩ đến chuyện có phải ngay từ khi sinh ra nó đã là một thằng hề rồi hay không?

Nó không nghĩ nổi. Nó nhớ ngày xưa, từ lâu lắc rồi, hồi nó còn chập chững đi, nó và mẹ nó hay ngồi ở hiên nhà ngóng bố nó đi làm về. Nhà nó bé tẹo. Bố nó nhìn nó hằm hằm, vứt cuốc ra sân rồi hét lên gọi mẹ nó dọn cơm.

Nó nhớ những cốc rượu to ừng ực bố nó ngồi uống một mình. Nó ngồi nép sau mẹ. Nó khóc to khi nghe thấy tiếng bố nó quát. Bố nó giơ luôn chiếc bát đang ăn, ném thẳng vào mặt nó. Mẹ nó quay lại bế thốc lấy nó chạy đi. Tiếng bát rơi xuống nền gạch, loảng loảng loảng xoảng. Tiếng bố nó hét lên: "Cút đi. Bay cút hết đi".

Mẹ ôm nó về. Mâm bát đã chẳng còn cái nào lành. Bố nó ăn no rồi đã đi đâu. Mẹ nó ôm nó, xoa xoa đầu nó, miệng cười roi rói. "Sắp đến giờ đi ngủ rồi đây. Đi ngủ nào. Đi ngủ để mẹ dọn nhà". Mẹ nó cười. Nó nhớ được cái nụ cười ấy của mẹ. Chả biết là có lần nào mẹ cười nữa không mà nó chỉ nhớ được có lúc ấy. Nó nhảy nhảy lên, làm mặt xấu, lêu lêu. Nó đã biết làm thằng hề từ lúc ấy. Nó nghe tiếng mẹ cười.

Từ lúc ấy, bao nhiêu năm rồi. Nó vẫn còn nghe văng vẳng tiếng cười rộn rã của mẹ nhưng nó chẳng còn nhìn thấy mẹ nó ở đâu nữa. Bố nó quẳng nó ra đường. Nó không nhớ rõ chuyện đó. Nó chỉ biết nó lớn lên ở cái góc đường ấy, và có ai đó đã nhận ra năng khiếu làm thằng hề của nó, dạy cho nó vài chiêu chọc cười con nít. Nó đúng là một thằng hề giỏi. Nó học nhanh và chẳng mấy chốc đã là một thằng hề có tiếng. Sự xuất hiện của nó là một cái dấu to bự xác nhận việc trẻ con sẽ được cười đã đời.

Thằng hề giật mình tỉnh dậy giữa đêm. Nó đã mơ về một thằng hề khác đang ngồi khóc. Nó cứ tưởng đó chính là nó. Nó đã muốn đến an ủi vỗ về, hoặc bằng một cách đồng cảm hơn là khóc cùng nó. Nhưng nó không khóc nổi. Nó chỉ cười. Tiếng cười khùng khục. Thằng hề kia tức giận và quay sang đánh đập nó.

Nó co rúm người lại vì sợ. Sự im ắng xung quanh khiến nó sợ hãi. Nó muốn ngồi dậy bật đèn. Nó muốn tìm cái mũi cà chua của mình. Nó muốn tìm cái mũ dài thườn thượt như cái bơm nó vẫn đội. Thế mà nó không ngồi dậy nổi. Nó cứ nằm im như thế. Người nó bắt đầu đổ mồ hôi, nhưng nó vẫn quấn chặt lấy cái chăn mỏng đang để bên cạnh. Nó nhắm mắt lại cố cầu khấn điều gì đó, nhưng nó chỉ nhìn thấy thằng hề có cái mũi đỏ choét đang đi lại trên phố.

Người ta nhìn thằng hề ấy, người ta chỉ trỏ thằng hề ấy, và cười. Lần đầu tiên, nó không cười. Nó chạy lại từng người van xin họ hãy ngừng cười được không. Nó sợ tiếng cười trên những khuôn mặt ấy. Nó sợ những âm thanh cười phát ra từ cổ họng của họ. Nó sợ cả một không gian cười. Nó đang sợ hãi. Nó xin họ hãy ngừng cười. Nhưng chuyện thằng hề khóc lóc, chuyện thằng hề van xin dường như là một trò chơi mới của đoàn xiếc. Người trên phố nghĩ vậy, và họ tiếp tục cười.

Thằng hề diễn đạt quá. Cái mũi nó cứ đỏ lên mãi. Người cha bế đứa con trai trên tay vẫn cười ngặt. Thằng hề diễn thế này mới thật là hề chứ. Người lớn thích cái hề phức tạp một tý. Thằng hề giỏi thật. Nó khóc mà vẫn hề. Người ta thích nhìn những người khóc và nghĩ đó là một trò hề hơn việc nhìn thằng hề cười và nói với họ, tôi cười, tôi cười vì tôi đang diễn hề đây.

Đứa trẻ con chẳng hiểu vì trời nắng hay vì bắt chước tiếng khóc của thằng hề mà khóc ré lên. Tiếng khóc chói tai trong một buổi chiều rất ư buồn bã. Tiếng khóc ấy kéo thằng hề đi. Người lớn lấy tay xoa xoa đầu đứa trẻ, vỗ về, dỗ dành: "Con ngoan, nín đi, nín đi nào. Ba đây. Ba thương". Thằng hề nghe tiếng nói ấy giật mình, nó nhìn thấy mẹ nó, rồi nó mỉm cười với mẹ như ngày xưa. Nước mắt trên má, gió đã làm khô kiệt rồi. Nó bắt đầu một tràng cười dai dẳng. Nó nghĩ mẹ nó sẽ cười vì nó. Nó bắt đầu chạy trên phố, cười trên phố. Đứa trẻ con đã nín khóc, và người lớn lại quay đầu ngán ngẩm. Đúng là hề thật. Rạp xiếc lại quay trở về với trò hề cũ rích mọi khi. Nhưng là trò hề, những trò hề thật giản đơn quá mức. Người lớn không thích cái trò hề ấy. Chỉ có trẻ con là thích. Đứa trẻ con cười khúc khích. Thằng hề cũng cười khúc khích.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm