Thành phố lúc 'rạng đông' - Bộ phim không tiếng bom

30/04/2016 - 16:21
Cả bộ phim Thành phố lúc 'rạng đông' dài 47 phút không có tiếng bom, không có chết chóc hay một trận đánh cụ thể nào, mà chỉ tập trung khắc hoạ niềm vui vô bờ bến của nhân dân Sài Gòn Gia Định trong những giây phút lịch sử của chiến thắng 30/4.

Cùng với điện ảnh quân đội, êkip của Xưởng phim truyện Việt Nam gồm đạo diễn Hải Ninh, nhà quay phim Nguyễn Khánh Dư, Trần Trung Nhàn. Lần đầu tiên những người làm phim truyện được giao nhiệm vụ thực hiện một bộ phim tài liệu về chiến thắng mùa xuân năm 1975. Cố đạo diễn Hải Ninh từng kể, trưa ngày 30/4/1975, cả nhóm cố bám theo xe tăng của quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập và quay được cảnh nội các của Dương Văn Minh đầu hàng. Rồi họ tiếp tục những hình ảnh minh chứng cho sự trốn chạy đớn hèn của Tổng thống nguỵ Nguyễn Văn Thiệu và cũng kịp quay hình ảnh đồng chí Phạm Hùng (Bí thư Trung ương Cục miền Nam) ra sân bay Tân Sơn Nhất đón Bác Tôn từ miền Bắc đáp chuyến bay đặc biệt tới Sài Gòn...

Sự khác biệt của bộ phim so với vô số các phim về 30/4 khác là phim không có tiếng bom, cũng chẳng khắc hoạ sự chết chóc. “Thành phố lúc rạng đông” nổi bật ở niềm vui hân hoan của các cô gái, chàng trai trẻ, những người chồng từng làm lính nguỵ được trở về với gia đình. Đó còn là sự tự hào của các nữ sinh tuần hành trên đường phố. Thành phố ngập tràn trong người và hoa...

Tất nhiên Hải Ninh cũng không bỏ qua hình ảnh của những ổ mại dâm, xìke, những người ăn mày, những khu ổ chuột và tàn dư của cuộc chiến. Nó tạo thành một sự tương phản ấn tượng cho người xem.

Cố đạo diễn NSND Hải Ninh

Ở “Thành phố lúc rạng đông” còn thấy cả cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân. Nhìn vào sự yên bình ấy, chẳng ai nghĩ rằng, mới chỉ hôm qua thôi, họ còn sợ hãi vì chiến tranh và chết chóc. Hải Ninh đã khoác lên đó màu áo của điện ảnh, hội hoạ, của màu sắc khiến khán giả rung động mạnh.

Sự khôn khéo nhất của Hải Ninh được thể hiện trong việc sử dụng tông màu trong phim: Khi bàng bạc lạnh lẽo, lúc rực rỡ ấm áp để diễn tả một thành phố còn ẩn chứa nhiều mâu thuẫn và bộn bề sau ngày giải phóng. Từ đó, ông gợi mở hình ảnh một thành phố đang chuyển mình sẵn sàng đón nhận những thách thức mới và phát triển. Điều này được tác giả báo hiệu đầy tinh tế qua chính tên của tác phẩm.

Bộ phim đã được trao giải thưởng Bông sen vàng của LHPVN lần thứ 3 và Giải thưởng Lớn Bồ câu vàng tại LHP Quốc tế Lepzic (Đức) năm 1975. Cùng với Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Thành phố lúc rạng đông đã mang về cho cố đạo diễn Hải Ninh Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý.


Một đoạn trong phim tài liệu "Thành phố lúc 'rạng đông'"

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm