Được mệnh danh là “anh cả đỏ” của nền điện ảnh Việt Nam, sau gần chục năm làm ăn thua lỗ, Hãng phim truyện Việt Nam đã được cổ phần hóa. Câu chuyện hẳn cũng sẽ như nhiều Hãng phim khác khi cổ phần hóa nếu như….các nghệ sĩ được tôn trọng, được trả lương đầy đủ và đặc biệt là, thương hiệu 60 năm của Hãng phim truyện không bị định giá 0 đồng.
Hơn 1 tuần qua, dư luận nóng lên bởi việc nhiều nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam kêu cứu. Lá đơn của họ đã được gửi đến Hội Điện ảnh. Trong đó, các nghệ sĩ khẳng định cổ phần hóa là một chủ trương đúng đắn, là điều mà cán bộ, công nhân viên Hãng đều mong muốn. Tuy nhiên, họ không đồng tình với cách thức cổ phần hóa.
Lá đơn chỉ ra những vấn đề bất cập trong quá trình cổ phần hóa: Việc thành lập tổ giúp việc cho Ban cổ phần hóa thuộc Bộ VH-TT&DL không ổn. Giám đốc hãng phim đã không cử những nghệ sĩ có chuyên môn điện ảnh cao vào tổ này, mà chỉ cử những người làm việc ở phòng tổ chức của hãng vào; công ty tư vấn về giá trị doanh nghiệp cho hãng phim đã tính giá trị thương hiệu, giá trị đất đai, ưu thế sử dụng vị trí của Hãng phim Truyện Việt Nam bằng 0 với sự đồng ý của Ban cổ phần Bộ VH-TT&DL; đăng tin tìm cổ đông chiến lược 3 kỳ trên một tờ báo duy nhất với khổ chữ bé đến mức gần như không thể đọc nổi; sự định giá thương hiệu của Hãng phim Truyện Việt Nam bằng 0 và việc chọn cổ đông chiến lược duy nhất là Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) khiến dư luận đặt câu hỏi về sự minh bạch.
Lá đơn cũng nhắc lại, ngày 28/12/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ quá trình Cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu đưa giá trị thương hiệu tương xứng với giá trị lịch sử truyền thống của Hãng phim Truyện Việt Nam vào giá trị doanh nghiệp khi có quyết định thành Công ty cổ phần. Tuy nhiên, Bộ VH-TT&DL vẫn giữ nguyên Ban cổ phần cũ.
Ngày 23/6/2017, Bộ VH-TT&DL ra quyết định thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam thay thế Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam mà giá trị thương hiệu của hãng vẫn chưa được tính vào như sự chỉ đạo của Thủ tướng.
Sau hai tháng cổ phần, Vivaso đã không giữ đúng cam kết về trả lương cho cán bộ công nhân viên. Mức lương không theo một căn cứ nào, gây bất bình cho cán bộ, công nhân viên. Cùng với đó, cơ sở vật chất bị xáo trộn: Sáp nhập 4 phòng vào một phòng để lấy đất kinh doanh chứ không để làm phim. Công ty cổ phần yêu cầu cán bộ, công nhân viên tự đi kiếm việc, tự trả lương. Nếu muốn được nhận lương từ công ty cổ phần thì phải đi làm đủ 8 tiếng như đi làm hành chính. Điều đó thể hiện sự thiếu hiểu biết của lãnh đạo công ty cổ phần về đặc thù công việc của hãng.
Sau đó, ngày 19/9, Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam đã tổ chức đối thoại với các nghệ sĩ nhưng bất thành. Cụ thể, lãnh đạo Công ty cam kết trả lương cho nghệ sĩ theo 2 cơ chế: lương theo ngày công và lương theo công việc. Nếu nghệ sĩ nào đến cơ quan ngày đủ 8 tiếng dù không làm gì vẫn sẽ trả lương. Còn nghệ sĩ nào có kịch bản, có phim xin đi làm theo sản phẩm sẽ được trả lương theo sản phẩm. Tuy nhiên, khi được hỏi mức lương tính cho các nghệ sĩ theo ngày công và lương theo công việc như thế nào thì ông Nguyên vẫn không có câu trả lời thỏa đáng.
TCác nghệ sĩ bày tỏ không tin tưởng vào nhà đầu tư do không có chiến lược phát triển điện ảnh. Điều này, chính ông Nguyễn Thủy Nguyên- Chủ tịch HĐQT Vivaso (giữ 65% cổ phần Hãng phim truyện VN) thừa nhận: “Chúng tôi đang phải nghiên cứu thị trường. Không thể bỏ tiền tỷ ra để làm 1 bộ phim chỉ có mấy người xem”.
Sáng 20/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã bất ngờ thị sát Hãng phim truyện Việt Nam và trò chuyện với một số nghệ sĩ. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ trì buổi làm việc với các thành viên Hội đồng cổ phần hóa Hãng phim truyện VN và yêu cầu nhà đầu tư chiến lược thực hiện đúng cam kết, trả lương cho nghệ sĩ, không cho thuê cơ sở mặt bằng của Hãng, đồng thời có kế hoạch sản xuất phim.
Tuy nhiên, đến sáng 21/9, các nghệ sĩ trong Nam, ngoài Bắc vẫn tụ về trụ sở Hội Điện ảnh Việt Nam (51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) để lên tiếng và yêu cầu thanh tra lại quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Tại đây, Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân chia sẻ sau khi tham khảo một nhóm luật sư, tập thể nghệ sĩ có cơ sở để khẳng định quá trình cổ phần hóa có nhiều sai phạm. Đạo diễn Nguyễn Xuân Sơn thậm chí cho rằng phải truy cứu trách nhiệm những người có liên quan. Các nghệ sĩ yêu cầu quá trình này phải minh bạch và tìm được công ty chủ quản có khả năng.
NSND Nguyễn Thanh Vân cho biết, hồi năm 2015, Giám đốc hãng phim Vương Tuấn Đức thành lập tổ giúp việc cho ban cổ phần hóa và gạt bỏ ông Lý Thái Dũng (Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật), Nguyễn Thanh Vân (Phó giám đốc phụ trách nghệ thuật). Thay vào đó, ông Đức đưa bà Hồ Lan - nhân viên phòng tổ chức - và một phó phòng tài vụ vào. Tổ giúp việc này - do ông Vương Tuấn Đức làm tổ trưởng - xác định giá trị thương hiệu và đất đai, ưu thế sử dụng vị trí đất của hãng phim bằng 0.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam - tuyên bố Hội sẽ đấu tranh để yêu cầu tạm dừng cổ phần hóa, lập đoàn thanh tra độc lập để rà soát quy trình. Bà cho biết Hội Điện ảnh sẽ trao đổi vấn đề này với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp chiều 21/9.
Kết quả cuộc họp chiều 21/9, sau khi nghe báo cáo về quá trình thực hiện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam và ý kiến của các Bộ, ngành, đại diện Hội Điện ảnh, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu thanh tra quá trình cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam và định giá lại thương hiệu của Hãng. Kết luận của Phó Thủ tướng đã đáp ứng mong mỏi của nhiều nghệ sĩ trong suốt thời gian qua./.