Con chính là niềm hạnh phúc lớn lao của mẹ (Ảnh minh họa)
Những ngày tháng mang thai con trai đầu lòng, sẽ chẳng bao giờ tôi quên được. Suốt thời gian mang thai, tôi bị thiếu máu nên tôi đã lo lắng biết bao! Tôi luôn nghĩ về con, không biết con ở trong bụng mẹ có khỏe không? Khi thai được 20 tuần tuổi, bác sĩ lại thông báo thai bị nhau quấn cổ 2 vòng. 37 tuần, tôi đi siêu âm mà thai vẫn còn nhau quấn cổ. Tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ.
Những ngày tháng mang thai con trai đầu lòng, sẽ chẳng bao giờ tôi quên được. Suốt thời gian mang thai, tôi bị thiếu máu nên tôi đã lo lắng biết bao! Tôi luôn nghĩ về con, không biết con ở trong bụng mẹ có khỏe không? Khi thai được 20 tuần tuổi, bác sĩ lại thông báo thai bị nhau quấn cổ 2 vòng. 37 tuần, tôi đi siêu âm mà thai vẫn còn nhau quấn cổ. Tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ.
Thời gian trôi qua, ngày tôi mong chờ đã đến. Con trai tôi chào đời khỏe mạnh. Mặc dù cơ thể rã rời và đau đớn, tôi vẫn kịp nhìn 2 bàn chân bé xíu của con trước khi bác sĩ trao bé cho cô hộ sinh. Tôi chợt cảm thấy hụt hẫng vì chưa nhìn được gương mặt của đứa con bé bỏng vừa chào đời. Lúc đó, chồng tôi như hiểu được tâm trạng của vợ liền nói: “Anh nhìn thấy con rồi. Nó dễ ghét lắm!”.
Một lát sau, cô y tá đặt xuống bên cạnh tôi đứa bé được quấn kín trong lớp khăn bông. Giây phút này đây, tôi mới được nhìn rõ gương mặt của con trai mình, đáng yêu vô cùng. Song, điều làm tôi ngạc nhiên là con chưa chịu bú mẹ như bao đứa trẻ khác. Tự nhiên nước mắt tôi lăn dài trên má. Một giọt nước mắt của tôi rơi xuống má con, đôi mắt lim dim của bé bỗng nhấp nháy như thấu hiểu niềm hạnh phúc của mẹ. “Mẹ xin lỗi con nhé!”, tôi thì thầm và khẽ lau giọt nước mắt ấy.
Tôi cảm nhận được sự êm ái và mềm mại trên da thịt của con, quên mất là đứng bên cạnh mình có bao nhiêu người thân. Chồng tôi không nói lời nào mà chỉ cúi xuống khẽ hôn lên trán vợ. Tôi sung sướng nựng con, hôn con, trò chuyện với con. Một lát sau, cô y tá đến bên giường tôi: “Chị ơi, đã tới giờ tắm cho bé. Đưa em bế bé nào!”. Tôi trao con cho cô y tá và cố nén sự lưu luyến. Cô y tá cẩn thận đón con từ vòng tay tôi và bước ra khỏi phòng. Tôi vẫn cố trông theo tấm chăn quấn đang khẽ đung đưa vì bàn chân bé xíu của con quẫy đạp.
Xuất viện về nhà, tôi thấy con trai lớn lên từng ngày nhờ dòng sữa mẹ, qua những lời ru ầu ơ của mẹ. Mỗi ngày trôi qua, con lớn thêm và biết nhiều điều khiến niềm vui của tôi được nhân lên. Khi con được 6 tháng tuổi thì bị ho. Nhìn con đau, nôn trớ chẳng ăn uống được gì và chỉ khóc, tôi xót quá! Từ thời điểm này, con bắt đầu ốm liên tục. Con hay ho và sổ mũi, rồi nhiều lúc lại bị sốt giữa đêm làm tôi rất lo lắng.
Tròn 7 tháng tuổi, con bị sốt phát ban, tôi phải nghỉ làm vào bệnh viện cả tuần để chăm con, ngày lẫn đêm đều nghe tiếng con khóc, tôi như đứt từng khúc ruột. Mỗi lần nghe tiếng con kêu khóc không thành lời vì sốt quá cao, vợ chồng tôi chỉ biết nắm chặt tay nhau, mong trời sáng thật nhanh để con chóng hồi phục, để tôi lại được nghe thấy tiếng cười trong trẻo và khuôn mặt rạng rỡ đáng yêu của con.
Những ngày tháng vất vả rồi cũng trôi qua, con bình phục, trở về nhà. Tôi chăm sóc cho con ăn uống kỹ hơn trước, vì con bị sút cân nhiều lắm. Thấy con ăn được, vui chơi, cười đùa, tôi mới thở phào. Giờ đây, con đã biết hát những bài hát học được ở trường, biết trả lời những câu hỏi khó của mẹ, biết nói những câu nịnh mẹ, nghe những câu nói ngộ nghĩnh đáng yêu của con, trong tôi hạnh phúc ngập tràn.