Thế giới ghi nhận 36 triệu ca mắc Covid-19, hơn 1 triệu ca tử vong

Lê Ánh
07/10/2020 - 08:41
Thế giới ghi nhận 36 triệu ca mắc Covid-19, hơn 1 triệu ca tử vong

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với hơn 7,71 triệu ca mắc, trong đó có 215.729 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với hơn 6,75 triệu ca mắc, trong đó có 104.591 ca tử vong.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 7/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 36.026.816 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.053.926 ca tử vong.

Hơn 27,13 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi còn hơn 7,94 triệu ca vẫn đang được điều trị, với khoảng 67.500 ca bệnh nặng và nguy kịch.

Đứng thứ 3 là Brazil với hơn 4,97 triệu ca mắc và 147.571 ca tử vong. Trong một ngày qua, Ấn Độ ghi nhận hơn 72.000 ca mắc mới trong khi Mỹ và Brazil ghi nhận khoảng hơn 30.000 ca mỗi nước.

Tại Đông Nam Á, Malaysia ghi nhận thêm 4 ca tử vong, đáng chú ý trong đó có 1 bé gái 1 tuổi. Đây là ca tử vong ít tuổi nhất tại Malaysia cho đến nay.

Thống kê cho thấy tính tới ngày 6/10, Malaysia đã ghi nhận 141 ca tử vong do COVID-19, chiếm 1,04% trong tổng số 13.504 ca mắc bệnh được phát hiện.

Tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Malaysia khá thấp so với mức trung bình trên thế giới, nhưng những ngày đầu tháng 10/2020, Malaysia lại liên tục ghi nhận sự gia tăng kỷ lục số ca mắc mới.

Tuy nhiên, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin nhấn mạnh chính phủ sẽ không áp dụng trở lại Lệnh Hạn chế di chuyển (MCO) trên toàn quốc.

Tại châu Âu, các nước Liên minh châu Âu (EU) hiện phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc kháng virus Remdesivir để điều trị bệnh COVID-19 do nguồn cung bị hạn chế và đang cạn kiệt, trong khi số ca bệnh tăng cao và Mỹ đã mua phần lớn sản lượng của hãng sản xuất thuốc Gilead.

Tháng 7 vừa qua, 27 quốc gia thuộc EU và Anh, với dân số 500 triệu người, đã mua lượng thuốc để điều trị cho khoảng 30.000 bệnh nhân. Trong khi đó, tính đến tháng 9, Mỹ đã ký một thỏa thuận mua hơn 500.000 liều, chiếm phần lớn sản lượng của Gilead.

Người phát ngôn Bộ Y tế Hà Lan Martijn Janssen nói rằng nguồn cung Remdesivir đã cạn kiệt, trong bối cảnh số người nhập viện tăng và nhu cầu về thuốc Remdesivir cũng tăng nhanh.

Hiện tại EU chỉ cho phép sử dụng các loại thuốc Remdesivir và Steroid dexamethasone để điều trị COVID-19.

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-Cov-2 và nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai, chính phủ các quốc gia châu Âu đang thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn đối với người dân tại “lục địa già” này.

Người dân Ireland sẽ không được rời khỏi quận cư trú, các hoạt động hội hè dự kiến tổ chức trong nhà sẽ bị hoãn, các nghi lễ tôn giáo sẽ được tổ chức trực tuyến, đặc biệt các nhà hàng chỉ được phục vụ khách ở không gian bên ngoài.

Thế giới ghi nhận 36 triệu ca mắc Covid-19, hơn 1 triệu ca tử vong - Ảnh 1.

Một trường học ở New York, Mỹ, ngày 5/10/2020. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Tại Tây Ban Nha, các thành phố Leon, Palencia và San Andrés del Rabanedo sẽ bị phong tỏa một phần trong vòng 2 tuần như đã từng xảy ra với thành phố Madrid và 9 quận ngoại vi của thành phố này kể từ ngày 2/10.

Le Figaro cho biết, người dân tại những thành phố này không còn được quyền đi ra ngoài, trừ những lý do thiết yếu  như đi làm, học tập hoặc đi bác sỹ.

Nước Pháp cũng đã quyết định áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đối với “các vùng có cảnh báo đỏ” như tại Aix-Marseille-Provence, Guadeloupe, Paris.

Đức được cho là ít bị ảnh hưởng về sự bùng phát dịch bệnh hơn so với các nước láng giềng. Tuy nhiên, nước này cũng thiết lập các biện pháp phòng bệnh mới nghiêm ngặt hơn như bắt buộc đeo khẩu trang tại văn phòng, hạn chế số người tham dự các hoạt động hội hè, cấm bán rượu sau 23h00 và hạn chế các cuộc tụ họp cá nhân ở mức tối đa 6 người.

Tại thủ đô Berlin, trước tình hình gia tăng nhanh các ca nhiễm COVID-19, chính quyền thành phố đã nhất trí ban hành lệnh giới nghiêm mới. Theo đó, các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, quán rượu và quán bar sẽ phải đóng cửa từ 23h00 đến 6h00 sáng hôm sau.

Các quy định mới này được đưa ra sau khi chỉ số lây nhiễm tại thủ đô của Đức đã tăng lên mức 1,26, theo đó một người nhiễm bệnh có thể lây nhiễm cho hơn một người khác.

Theo Viện dịch tễ Robert Koch, tỉ lệ số ca nhiễm mới trên 100.000 dân trong 7 ngày qua ở thủ đô Berlin lên tới mức 44,2, trong đó có 5 quận nội thành gồm Friedrichshain-Kreuzberg, Mitte, Neuköln,Tempelhof-Schöneberg và Charlottenburg-Wilmersdorf được ghi nhận là những "ổ dịch" có số ca nhiễm cao.

Cũng trong ngày 6/10, chính quyền thành phố Frankfurt am Main, thành phố lớn nhất bang Hessen, miền Trung nước Đức đã ban hành lệnh giới nghiêm từ 22h00 đối với các nhà hàng, cấm uống rượu ở những nơi công cộng và quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở các khu mua sắm sầm uất.

Tại Mỹ, truyền thông đưa tin cố vấn Nhà Trắng Stephen Miller đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus, trường hợp mới nhất trong số nhóm các nhân viên thân cận của Tổng thống Donald Trump mắc COVID-19 kể từ khi ông Trump tuyên bố dương tính với virus hồi tuần trước.

Vợ của cố vấn Stephen Miller, bà Katie Miller - nữ phát ngôn viên của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence - đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 hồi tháng 5.

Cùng ngày, theo đài CNN, hạ nghị sỹ đảng Dân chủ bang California, ông Salud Carbajal cũng thông báo đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Cũng theo CNN, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - Tướng Mark Milley và một số thành viên Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân đang phải cách ly sau khi Phó Chỉ huy Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ - Đô đốc Charles Ray xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 hôm 5/10.

Trước tình hình dịch tễ phức tạp, Giám đốc truyền thông của Nhà Trắng Alyssa Farah cho biết Nhà Trắng sẽ tăng cường triển khai các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ các nhân viên xung quanh Tổng thống Donald Trump sau khi ông xét nghiệm dương tính với virus.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm