Thế hệ độc thân ký sinh ở Nhật: Tuổi trung niên nhưng vẫn ăn bám vào tiền hưu của bố mẹ

Hạ Khương
29/03/2023 - 08:52
Thế hệ độc thân ký sinh ở Nhật: Tuổi trung niên nhưng vẫn ăn bám vào tiền hưu của bố mẹ
Theo các chuyên gia, tỷ lệ trốn tránh hôn nhân tăng cao không chỉ do phong cách sống đa dạng hơn mà còn do sự tăng trưởng các công việc lương thấp, không ổn định.

Theo Viện Nghiên cứu và Đào tạo Thống kê Nhật Bản, năm 2016, có đến 4,5 triệu người Nhật trong độ tuổi từ 35 đến 54 sống với cha mẹ. Tờ Japan Times vào năm 2018 còn cho biết, có đến 50% người cân nhắc muốn sống với gia đình.

Ở các nước phương Tây, con cái trưởng thành thường tự lập và sống tách biệt với cha mẹ. Nhưng ở Nhật Bản cũng như một số nước châu Á khác, nhiều người con trưởng thành sẽ sống với cha mẹ cho đến khi lập gia đình. Vấn đề sẽ không có gì đáng trách nếu họ không chịu lao động để rồi trở thành gánh nặng cho chính gia đình và xã hội. Những người này được “ưu ái” gọi với cái tên là “những người độc thân ký sinh”. 

Thế hệ độc thân ký sinh ở Nhật: Đã lớn quá nhưng vẫn ăn bám, sống phụ thuộc vào tiền hưu của bố mẹ, trở thành gánh nặng cho cả xã hội - Ảnh 1.

Masahiro Yamada, nhà xã hội học tại Đại học Chuo, là người đã đặt ra thuật ngữ “độc thân ký sinh” vào năm 1997. Theo Yamada, đây là nhóm người tuổi ngoài 20 nhưng vẫn chọn sống với bố mẹ để tận hưởng cuộc sống thoải mái, thậm chí họ không muốn kết hôn khi về già. Sau này, thuật ngữ còn dùng để chỉ những người lớn tuổi sống cùng gia đình nhưng không đóng góp gì đáng kể mà còn dùng cả tiền lương hưu của cha mẹ già. 

Bản thân nhóm người “độc thân ký sinh” tuổi trung niên không có lương hưu hay khoản tiết kiệm riêng, vì thế họ cũng có khả năng tạo thêm gánh nặng cho hệ thống phúc lợi xã hội. Hệ thống này vốn đã eo hẹp vì bị tác động bởi tình trạng dân số già và lực lượng lao động ngày càng gỉam của Nhật Bản. 

Hiromi Tanaka đã có một tuổi trẻ tươi đẹp và lạc quan, cô từng làm nghề hát bè cho các nhóm nhạc pop. “Tôi đã quen với một lối sống không ổn định và nghĩ rằng cuộc đời rồi sẽ ổn thỏa thôi”, Tanaka nói khi cô ngồi bên cây đàn piano trong một phòng khách nhỏ. Ngôi nhà cô đang sống nối liền với nhà của người mẹ già. 

Hiện ở tuổi 54, Tanaka có hai nguồn thu nhập, một là từ việc dạy hát, dù học viên trong lớp không nhiều, hai là từ tiền trợ cấp của mẹ. Cô không có lương lưu và đã dùng gần hết tiền tiết kiệm. 

“Cha tôi mất năm ngoái nên khoản tiền từ lương hưu giảm đi một nửa. Nếu mọi thứ cứ tiếp tục như thế này, mẹ con tôi sẽ gục ngã”, Tanaka tâm sự. 

Một phần vì cách giáo dục của bố mẹ

Nhiều năm trở lại đây, nền kinh tế bấp bênh, dẫn đến sự phân tầng ngày một rõ rệt giữa các tầng lớp xã hội. Để tăng tính cạnh tranh và đảm bảo cho con cuộc sống tốt hơn, các bậc cha mẹ cho con học ở trường tốt hơn và kiểm soát tất cả mọi vấn đề trong đời. Họ thương con nhưng đôi khi bao bọc con quá mức. 

Theo các nhà tâm lý học, sự kiểm soát quá mức này đã làm gia tăng cảm giác phụ thuộc của đứa trẻ. Chính việc không nỡ “ném” con trẻ ra ngoài để đối mặt với những thách thức của thế giới đã ảnh hưởng tiêu cực đến đứa trẻ khi nó trưởng thành. Bản thân các đấng sinh thành cũng vui khi có thể sống với con cái dưới cùng một mái nhà.

Thế hệ độc thân ký sinh ở Nhật: Đã lớn quá nhưng vẫn ăn bám, sống phụ thuộc vào tiền hưu của bố mẹ, trở thành gánh nặng cho cả xã hội - Ảnh 2.

Bố mẹ quá bao bọc có thể làm con hình thành nhu cầu phụ thuộc

Phần lớn vì kinh tế bất ổn và áp lực xã hội

Theo các chuyên gia, tỷ lệ trốn tránh hôn nhân tăng cao không chỉ do phong cách sống đa dạng hơn mà còn do sự tăng trưởng các công việc lương thấp, không ổn định. Những người làm việc bán thời gian, tạm thời hoặc theo hợp đồng hiện chiếm gần 40% lực lượng lao động so với khoảng 20% trong những năm 1980. Không đủ để tính toán đến chuyện xa hơn như kết hôn, sinh con. 

Một số người độc thân ở độ tuổi trung niên từng có công việc ổn định nhưng đã trượt dài khỏi con đường sự nghiệp vì bệnh tật hoặc công ty cắt giảm chi phí. Trong bối cảnh dân số già, giá nhà đất tăng cao, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, người trẻ mới tốt nghiệp càng thiếu đi cơ hội để tìm một công việc đủ tốt, lương cao. Bên cạnh đó, nhiều nam giới có mức thu nhập thấp nhưng vẫn có tư tưởng truyền thống về nghĩa vụ gia đình, tức là đàn ông đi làm bên ngoài và phụ nữ thì ở nhà nuôi dưỡng gia đình.

Còn phụ nữ thì đang gia nhập vào thị trường lao động mạnh mẽ và đông đảo hơn trước, bản thân họ sẽ không quan tâm đến việc kết hôn với người đàn ông có thu nhập thấp, không có công việc ổn định hoặc không có trình độ học vấn. Hơn nữa, hôn nhân và con cái có thể cản trở con đường thăng tiến của phái đẹp. “Tỷ lệ nam nữ chưa kết hôn cao sẽ không thay đổi trừ khi nhóm phụ nữ này chấp nhận kết hôn với một người đàn ông có thu nhập thấp hơn mình”, Shigeki Matsuda, giáo sư xã hội học tại Đại học Chukyo, nhận định. 

Nhưng khi đã kết hôn rồi họ lại đối mặt với đủ các vấn đề khác, ví dụ như chi phí nuôi con. Phụ nữ có con thì đối mặt với tình trạng đối xử bất công, phân biệt giới tính. Họ gặp khó khăn khi xin nghỉ phép dài hạn để chăm sóc con. Sau đó khi trở lại công ty, công việc của họ lại bị xáo trộn, mất rất nhiều thời gian để ổn định mọi thứ.

Nhìn chung, mỗi giai đoạn đều tiềm ẩn các biến số khó lường, mà thiệt hại thì vẫn quy về tài chính cá nhân. Vì vậy không ngạc nhiên khi nhiều người trưởng thành ngày nay không muốn xa rời tổ ấm. Họ thích cuộc sống ở nhà, không phải lo thuê căn hộ đắt đỏ, không tốn tiền hẹn hò với những người “không đáp ứng được tiêu chuẩn”, và cũng không cần chi tiền cho vợ chồng con cái. 

Thế hệ độc thân ký sinh ở Nhật: Đã lớn quá nhưng vẫn ăn bám, sống phụ thuộc vào tiền hưu của bố mẹ, trở thành gánh nặng cho cả xã hội - Ảnh 3.

Hẹn hò, yêu đương, cưới xin có thể là những điều mà nhiều người không hương tới

Cha mẹ phải mai mối cho con 

Tờ Japan Times báo cáo rằng tại Nhật, gần 1/4 số người trưởng thành từ 20 đến 49 tuổi độc thân. Các gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống vẫn phổ biến ở Nhật Bản. Điểm chung của những người độc thân ký sinh là vẫn phụ thuộc rất nhiều vào gia đình. Vừa độc thân, vừa thiếu độc lập lại không kiếm ra nhiều tiền, lẽ dĩ nhiên họ trở thành gánh nặng cho cha mẹ. Thêm vào đó là số lượng hikikomori (tự giam mình trong nhà và không giao tiếp với bất kỳ ai ngoài gia đình) lại liên tục tăng cao.

Họ trông có vẻ vô tư nhưng thực ra đang lo lắng về tương lai của mình. Masahiro Yamada cho biết: “Trong thời kỳ nền kinh tế bong bóng cho đến giữa những năm 1990, những người ở độ tuổi 20 có rất nhiều thú vui để tự do giải trí. Họ nghĩ khi ở độ tuổi 30, họ sẽ kết hôn. Nhưng 1/3 không kết hôn, và giờ họ đã trên dưới 50 tuổi cả rồi”.

Người tuổi trung niên đã khó tìm được nửa kia thích hợp, còn bên phía người trẻ thì cũng không khá khẩm hơn. Các dịch vụ mai mối đã có ở Nhật Bản trong nhiều thập kỷ, nhưng người trẻ tuổi rất bận nên khó tham gia. Vì thế, cha mẹ họ phải đích thân vào cuộc, những bậc phụ huynh này cố gắng dự bữa tiệc mai mối để tìm một người bạn đời phù hợp cho con.

Trong bữa tiệc này, họ sẽ gặp gỡ những bậc cha mẹ khác, người mà có khả năng trở thành “ông bà sui” của họ trong tương lai. Hai bên nói chuyện, trao đổi thông tin, và nếu thấy con cái hợp nhau thì giữ số liên lạc.

Trong những năm gần đây, khi vấn đề về những người trưởng thành độc thân ở Nhật đang dần phổ biến và nhận được cái nhìn cảm thông hơn, các buổi mai mối ngày càng thu hút được nhiều người tham dự. 

Nguồn: SCMP, Japan Today, Reuters
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm