pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thêm hoa hồi vào chế độ ăn có tác dụng gì?
Hoa hồi là một loại gia vị độc đáo được biết đến với hương vị riêng biệt và mùi thơm cay nồng giống như cam thảo hoặc quế. Hơn nữa, hoa hồi còn có tác dụng tăng cường sức khoẻ. Do đó, hoa hồi trở thành một trong những loại gia vị được ưa chuộng trong chế biến thực phẩm.
1. Các chất dinh dưỡng có trong hoa hồi
Hoa hồi có chứa các chất dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ. Mặc dù loại gia vị này có lượng carbohydrate, chất béo và calo không đáng kể nhưng lại giàu khoáng chất và các hợp chất hoạt tính sinh học mạnh. Theo phân tích hóa học, hoa hồi chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng vi lượng và đa lượng khác nhau, bao gồm canxi, magie, kali, natri, đồng, sắt và mangan.
Một số hợp chất được nghiên cứu nhiều nhất trong cây hồi: Axit shikimic, Anethole, Linalool, Axit gallic, Quercetin, Limonen. Những hóa chất này có tác dụng kháng khuẩn, chống oxy hóa và chống viêm.
Tuy nhiên, thành phần quan trọng nhất của hoa hồi là các chất hóa học mạnh mẽ, nhờ có các chất hoa học này mà hoa hồi có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ. Các nghiên cứu cho thấy các hợp chất hoạt tính sinh học này thuộc các nhóm hóa chất thực vật khác nhau như flavonoid, polyphenol, terpen, alkaloid, steroid và tannin.
2. Hoa hồi có tác dụng gì?
Hoa hồi là nguồn cung cấp chất phytochemical phong phú nên có nhiều tác dụng tích cực đối với sức khỏe. Dưới đây là một số lợi ích y học nổi bật mà hoa hồi mang lại:
2.1. Kháng virus
Một trong những thuộc tính dược lý phổ biến nhất của hoa hồi là hàm lượng axit shikimic. Axit Shikimic là một hợp chất có khả năng kháng virus mạnh. Trên thực tế, chất này là một trong những thành phần hoạt chất chính của Tamiflu, một loại thuốc phổ biến để điều trị bệnh cúm.
Một số nghiên cứu trong ống nghiệm cũng chỉ ra rằng tinh dầu hoa hồi có thể điều trị các loại bệnh nhiễm trùng do virus khác.
2.2. Kháng nấm
Hoa hồi có tác dụng kháng nấm là nhờ có chứa flavonoid anethole. Hợp chất này vừa có tác dụng tạo ra hương vị đặc biệt cho loại gia vị này vừa có lợi ích kháng nấm mạnh.
Đặc biệt, theo một số nghiên cứu, các hợp chất hoạt tính sinh học khác có trong tinh dầu hồi, như terpene linalool, có thể ngăn chặn sự hình thành màng sinh học và thành tế bào của nấm truyền nhiễm ở người.
2.3. Kháng khuẩn
Nghiên cứu chỉ ra rằng các hợp chất hoạt tính sinh học trong cây hồi có thể giúp chống lại các loại vi khuẩn khác nhau. Trong số đó, axit shikimic, linalool và anethole có đặc tính kháng khuẩn cao nhất.
Hơn nữa, hoa hồi có được cho rằng có khả năng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn E. coli và ngăn ngừa các tình trạng như viêm phổi và tiêu chảy.
Đáng lưu ý hơn, một số nghiên cứu đã tiết lộ rằng chiết xuất từ cây hồi có hiệu quả tương đương với thuốc kháng sinh chống lại nhiều loại vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc. Điều này có thể đặc biệt hữu ích cho việc phát triển các loại thuốc kháng sinh mới trong tương lai.
2.4. Điều hòa lượng đường trong máu
Hợp chất anethole trong hoa hồi cũng có tác dụng điều hòa lượng đường trong máu nhờ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa carbohydrate, từ đó có thể điều chỉnh nồng độ glucose trong máu.
2.5. Tốt cho sức khỏe tim mạch
Một số nghiên cứu cho thấy hoa hồi có thể điều hòa huyết áp, kiểm soát lượng lipid trong máu và giảm sự tích tụ mảng bám trong tim chuột. Hàm lượng chất chống oxy hóa phong phú trong loại gia vị này có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch bằng cách bảo vệ tế bào tim khỏi stress oxy hóa và tổn thương gốc tự do.
2.6. Chống lại tế bào ung thư
Hoa hồi có hàm lượng chất chống oxy hóa cao. Mà chất chống oxy hóa có thể bảo vệ tế bào khỏi các tổn thương do gốc tự do và oxy hóa - nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý, trong đó có cả ung thư.
Ngoài ra, một số nghiên cứu chỉ ra rằng cây hồi có khả năng làm giảm stress oxy hóa và nguy cơ mắc các khối u ở động vật. Loại gia vị này cũng đã được chứng minh là có tác dụng tăng cường mức độ của một số enzyme được biết đến với vai trò ngăn ngừa ung thư.
Tuy nhiên, vì hầu hết các nghiên cứu này được thực hiện trên động vật nên cần nghiên cứu thêm trên người.
3. Một số lưu ý khi sử dụng hoa hồi
Hoa hồi được cho là an toàn với hầu hết mọi người nhưng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ. Một số người có thể bị ngứa hoặc phát ban nhẹ trong khi một số có thể bị đau và viêm đường tiêu hóa từ nhẹ đến nặng khi sử dụng hoa hồi.
Điều quan trọng cần lưu ý là việc sử dụng quá nhiều hoa hồi cũng có thể dẫn đến tương tác với các loại thuốc dùng điều trị ung thư hoặc điều hòa nội tiết tố.
Ngoài ra, hoa hồi có chứa các hoạt chất ảnh hưởng đến hormone, đặc biệt là nồng độ estrogen. Do đó, tốt nhất bạn nên tránh hoặc hạn chế bổ sung loại gia vị này nếu đang bị rối loạn nội tiết tố.
Nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc được kê đơn nào hoặc không chắc chắn về tình trạng dị ứng của mình, tốt nhất bạn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi thêm hoa hồi vào chế độ ăn uống.
Tuy nhiên, thông thường hoa hồi thường được sử dụng làm gia vị có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc Việt Nam. Có một loại hồi có tên là hoa hồi Nhật Bản (Illicium anisatum), loại này có độc tính cao và chỉ được coi là an toàn khi sử dụng cho mục đích trang trí.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy chất độc thần kinh mạnh trong cây hồi Nhật Bản, có thể gây ra các vấn đề y tế nghiêm trọng như buồn nôn, ảo giác và co giật. Những tác dụng phụ như vậy thường thấy nhất ở trẻ sơ sinh được cho uống trà hồi Nhật Bản.
So sánh hoa hồi Việt Nam, Trung Quốc với hoa hồi Nhật Bản
- Hình dáng: 2 loại hồi đều cao từ cao từ 3 đến 4,6m, hoa có từ 6 đến 8 cánh. Tuy nhiên, quả hồi Nhật Bản nhỏ hơn so với hồi Việt Nam, Trung Quốc.
- Mùi vị: Mùi thơm của hoa hồi Nhật Bản ít và dịu chứ không đậm mùi hồi Việt Nam, Trung Quốc. Mùi hương của hoa hồi Nhật Bản khá giống với bạch đậu khấu trong khi hồi Việt Nam và Trung Quốc giống cam thảo hoặc quế.
Có thể nói, hoa hồi có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ. Bạn có thể sử dụng loại gia vị này để nấu cùng nhiều món ăn khác nhau như cà ri, súp và nước dùng,... hoặc cho vào các món tráng miệng, món ngọt, bánh nướng,... giúp tăng cường sức khoẻ, nhất là vào mùa cúm.