Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học: Vẫn luẩn quẩn trong đổi mới nửa vời

Bài, ảnh: Hà Lê
21/06/2022 - 15:40
Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học: Vẫn luẩn quẩn trong đổi mới nửa vời

Trao đổi sau giờ thi. Ảnh minh họa: Trần Vương

Năm nay là năm thứ 3 kỳ thi tốt nghiệp THPT được "trả lại tên" sau nhiều năm xác định là kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục tiêu: Xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Cùng với thay đổi đó, kỳ thi được trả cho các địa phương chủ trì, với mục đích chủ yếu là xét tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Nhưng trên thực tế, nó vẫn đang phải "đèo bòng" cả nhiệm vụ tuyển sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp vẫn phải "đèo bòng"

Cùng với việc trả kỳ thi tốt nghiệp về với đúng mục tiêu ban đầu của nó, Bộ GD-ĐT cho phép các trường đại học tự chủ phương thức tuyển sinh. Năm 2022, khoảng 20 phương thức tuyển sinh kết hợp từ các phương thức gốc: Xét học bạ, xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do một số cơ sở đào tạo tổ chức và xét dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT được các trường đại học thực hiện.

Đáng chú ý là nhiều cơ sở đại học lớn đã dành chủ yếu chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức mới. ĐHQG Hà Nội là đơn vị tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cung cấp kết quả cho trên 60 trường đại học sử dụng để tuyển sinh. Trong số đó, nhiều trường sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực là phương thức chủ yếu để xét tuyển.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là đơn vị tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy và chia sẻ cho nhiều trường trong khối trường kỹ thuật, công nghệ sử dụng và trường này cũng sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả đánh giá tư duy là chủ yếu.

Phương thức nhiều năm qua được đa số trường thực hiện là xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giờ đây bị lép vế. Việc này cũng nằm trong định hướng đổi mới thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Nhưng khi các trường công bố phương án tuyển sinh xong xuôi thì Bộ lại "bẻ lái" bằng điều chỉnh kỹ thuật. Theo đó, Bộ GD-ĐT quy định thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học sau khi thi tốt nghiệp THPT, bao gồm nguyện vọng tuyển sinh với tất cả các phương thức. Điều chỉnh này được Bộ GD-ĐT lý giải để công bằng với thí sinh sử dụng các phương thức khác nhau. Nhưng bản chất vấn đề, Bộ GD-ĐT muốn những thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển được tham gia đồng thời với thí sinh sử dụng phương thức khác. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT đề nghị các trường duy trì mức chỉ tiêu cao hơn để tuyển sinh bằng phương thức dựa vào điểm thi tốt nghiệp. Đây là một sự luẩn quẩn trong lộ trình đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng. Điều này khiến những thí sinh muốn đăng ký xét tuyển sớm bằng các phương thức mới như những năm trước sẽ không được. Các trường bị xáo trộn không nhỏ.

Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học: Vẫn luẩn quẩn trong đổi mới nửa vời - Ảnh 1.

Sau giờ thi. Ảnh minh họa: HV

Dù bị ràng buộc bởi qui chế, nhiều cơ sở đại học vẫn lặng lẽ chuẩn bị cho hướng đi của mình. Trường ĐH Kinh tế quốc dân "nổ phát súng đầu tiên" khi công bố năm 2023 sẽ không xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Còn trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tất cả các ngành hot, có sức hấp dẫn của trường đều không dành chỉ tiêu tuyển sinh bằng cách xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Nhiều trường ĐH năm nay đã phải điều chỉnh phương án tuyển sinh sau vụ "bẻ lái" của Bộ GD-ĐT, nhưng cũng đang dự kiến một cuộc "chia tay dứt khoát" với phương thức dựa trên kết quả thi tốt nghiệp vào năm sau.

Cách đổi mới nửa vời, nhiều mâu thuẫn của Bộ GD-ĐT khiến các trường khó theo được khi kết quả thi tốt nghiệp THPT có nhiều yếu tố khiến các trường đại học không tin cậy. Nó cũng là thước đo bộc lộ những nhược điểm so với yêu cầu đào tạo mới hiện nay.

Hệ lụy khi đề thi cũng đổi mới nửa vời

Bộ GD-ĐT đứng trước hai luồng ý kiến. Một cho rằng đề thi tốt nghiệp cần giảm độ khó vì thí sinh năm nay là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19 nên cần được tạo điều kiện thuận lợi với đề thi vừa sức, phù hợp với tình hình dạy học ở trường phổ thông.

Đứng ở góc độ kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT thì đề nghị này cũng hợp lý. Tuy nhiên, chính bởi sự đổi mới nửa vời của Bộ GD-ĐT, muốn tiếp tục "đèo bòng" việc tuyển sinh nên nhiều ý kiến khác lại cho rằng đề thi tốt nghiệp phải tăng tính phân hoá, để có thể đảm bảo sử dụng cho tuyển sinh.

Trên thực tế 2 năm qua đề thi tốt nghiệp THPT đã được điều chỉnh giảm độ khó. Thậm chí năm 2021, sự điều chỉnh của Bộ khiến một số môn bị phá vỡ ma trận đề thi đã được quy định trước đó.

Năm 2021, cùng với việc còn ít chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp, đề thi giảm độ khó khiến cho nhiều trường phải đẩy điểm chuẩn lên rất cao. Trong đó có trường điểm chuẩn sát nút điểm tối đa.

Trong tình thế này, nhiều thí sinh đạt mức điểm từ 22 đến 23 (tổng điểm 3 môn thi) lại được cộng điểm ưu tiên khu vực, đối tượng nên điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm. Một số trường trong khối quân đội, thí sinh đạt trên 30 điểm, tính cả điểm ưu tiên mà vẫn trượt.

Trước sự bức xúc của dư luận, điều Bộ GD-ĐT nên làm là dứt khoát kỳ thi nên đi theo hướng nào: bỏ mục tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi hay duy trì nhưng thay đổi cách ra đề đảm bảo hai mục đích (xét tốt nghiệp và tuyển sinh).

Nhưng Bộ lại lần nữa có một điều chỉnh khó hiểu là bỏ "đồng hạng" về quy định điểm ưu tiên khu vực, đối tượng. Theo đó, mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với nhóm thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trung bình đạt 7,5 điểm/môn) sẽ bị giảm dần mức điểm ưu tiên. Thí sinh càng có điểm thi cao thì càng có điểm ưu tiên giảm dần và khi thí sinh có 30 điểm thì điểm ưu tiên là 0 điểm cụ thể: Thí sinh đạt từ 24 điểm/3 môn trở xuống vẫn sẽ được hưởng điểm ưu tiên như hiện nay. Nếu thí sinh đạt mức 25 điểm sẽ chỉ còn được hưởng 5/6 mức điểm ưu tiên, 27 điểm sẽ chỉ còn 3/6…

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), sở dĩ có sự thay đổi này vì, việc điều chỉnh trên không chỉ giải quyết vấn đề có trường hợp thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, mà còn tạo sự công bằng ở nhóm điểm cao khi cạnh tranh vào các ngành và các trường hàng đầu.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia giáo dục, thay vì điều chỉnh điểm ưu tiên, Bộ GD-ĐT nên tính toán việc ra đề thi để không sa vào tình trạng "mưa điểm 10" khiến cho thí sinh đạt 30 điểm, thậm chí trên 30 điểm- khi cộng thêm điểm ưu tiên vẫn không đỗ. Hoặc nên bỏ phương thức xét tuyển truyền thống, giao tự chủ thực sự cho các trường đại học. Cách làm không dứt khoát của Bộ GD-ĐT sẽ còn tiếp tục để lại những hệ lụy.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm