Trong số gần 86.000 thí sinh dự thi, có khoảng 21.400 thí sinh, tương đương khoảng 25% tổng số thí sinh, sẽ bị trượt trong kỳ thi này. Các thí sinh bị trượt sẽ phải theo học tại các trường trung học phổ thông công lập tự chủ tài chính, trường trung học phổ thông ngoài công lập với mức học phí cao hơn, hoặc theo học các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề.
Có con học ở trường THCS Đống Đa với mức học vừa vừa, ban đầu chị Bùi Hoàng Thảo cho con thi vào trường THPT Trần Hưng Đạo (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) - trường có điểm chuẩn thấp nhất trong khu vực tuyển sinh 3 (gồm quận Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân. Tuy nhiên, hôm xem tỉ lệ chọi từ các trường, thấy trường THPT Trần Hưng Đạo quá đông, chị Thảo “đánh liều” cho con thi vào trường THPT Quang Trung.
Chị Thảo kể, có sự “liều” như vậy bởi con chị đã “chắc chân” ở trường FPT. “Nếu không có phương án dự phòng nào, tôi chỉ dám cho con thi vào trường có điểm chuẩn thấp thì con mới có “cửa” để vào trường công lập. Tuy nhiên, có phương án dự phòng chắc chắn là trường FPT nên tôi cho con thi vào trường ở top giữa. Nếu đỗ thì con sẽ được học ở môi trường tốt hơn. Nếu trượt, con vẫn có nơi tốt để học dù học phí ở trường FPT khá cao”, chị Thảo chia sẻ.
Dù có con học giỏi, luôn thuộc top đầu của lớp, điểm tổng kết trên 9 phẩy, điểm thi thử ở trường trung bình đều trên 8 nhưng chị Nguyễn Hương Lan (Hồng Mai, Hà Nội) vẫn cảm thấy không yên tâm khi nguyện vọng 1 của con là trường THPT Thăng Long. Theo chị Hương Lan, việc con học chắc chắn không có nghĩa là chắc chắn con sẽ đỗ khi các thí sinh thi vào trường THPT Thăng Long đều có học lực giỏi, trình độ tương đương hoặc hơn con. Trong trường hợp không may mắn, nếu không chuẩn bị phương án dự phòng cho con từ sớm thì con sẽ phải học ở một trường dân lập chất lượng kém. Như thế sẽ rất đáng tiếc cho con.
Phương án mà chị Hương Lan lựa chọn sớm cho con không phải 1 trường mà 4 trường dân lập: Trường Lương Thế Vinh, Tạ Quang Bửu, Đào Duy Từ, Lý Thái Tổ. “Trường Đào Duy Từ, con được tuyển thẳng do 4 năm học sinh giỏi nhưng tôi vẫn muốn con có thêm cơ hội ở các trường dân lập tốt như Lương Thế Vinh. Trường Tạ Quang Bửu gần nhà cũng là phương án không tồi. Chính vì chủ động phương án dự phòng nên ở cuộc đua vào trường công lập năm nay, dù căng thẳng nhưng tôi vẫn có một chút yên tâm”, chị Hương Lan tự tin chia sẻ.
Con chị Phạm Thị Bình (phố Phương Mai, Hà Nội) học ở mức khá, trường con thi vào lại vừa sức nhưng chị vẫn nộp hồ sơ cho con vào trường dân lập Tạ Quang Bửu từ đầu tháng 4. “Năm ngoái, nhiều bạn học giỏi, do bố mẹ chủ quan luôn nghĩ con mình chắc chắn đỗ vào trường THPT công lập nên không chuẩn bị “phương án 2 cho con”. Khi biết tin con trượt, nhiều bố mẹ sốc, choáng váng, ngã ngửa, lúc đó mới cuống cuồng tìm trường dân lập thì trường tốt hết chỗ. Các con học giỏi lại phải học ở trường dân lập chất lượng xoàng xoàng. Điều đó thực sự đáng tiếc. Chuẩn bị trường dân lập từ sớm, bố mẹ cũng không quá áp lực, căng thẳng với con. Quan trọng là khi có sự chủ động, mọi việc luôn tốt hơn”, chị Bình chia sẻ.
Chuẩn bị phương án dự phòng cho con ở trường dân lập nhưng hầu hết các phụ huynh đều mong con thi tốt nhất để giành được "vé" vào trường THPT công lập theo đúng nguyện vọng.