“Chiếc nôi sơ sinh” kỳ diệu
Trước đó, kể từ năm 2000, Bệnh viện Jikei đã lập đường dây nóng tư vấn cho các thai phụ, tìm mọi biện pháp để cứu vớt các sinh linh chưa chào đời hoặc những đứa trẻ bị bố mẹ đang tâm vứt bỏ.
Còn “chiếc nôi sơ sinh” đầu tiên ở Hàn Quốc được đặt trên tường nhà thờ Ju-sarang (thủ đô Seoul) của mục sư Lee Jong-rak từ tháng 12/2009, sau khi có một cháu bé bị bỏ rơi tím tái như sắp chết vì hạ thân nhiệt trước cửa nhà thờ này. Từ đó đến nay, nhà thờ đã nhận được 231 cháu bé, trong đó 50 cháu được đưa trở về với gia đình, nhiều cháu khác được nhận nuôi.
Chăm sóc chu đáo những đứa trẻ bị bỏ rơi
Không ít đứa trẻ trong số đó bị điếc, mù, liệt, tự kỷ hoặc bệnh down bẩm sinh. Mục sư Kim Hae-sung, người sáng lập trường Tiểu học Toàn cầu Sarang (một trường tư thục đầu tiên dành cho trẻ em là con lai ở Hàn Quốc) tại Guro-gu, Seoul, cho biết bà sẽ cho đặt một “chiếc nôi sơ sinh” tại Garibong-dong, Guro-gu, dành cho những người mẹ đơn thân là người nước ngoài sống ở xứ kim chi. Chiếc nôi này bắt đầu hoạt động trong tháng 3/2014.
Trung Quốc cũng đã xây dựng 25 điểm nhận trẻ bị bỏ rơi. Ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, vừa đưa vào sử dụng “chiếc nôi sơ sinh” tháng 2/2014. Tổ chức phi chính phủ OrphanCARE của Malaysia cũng đã mở một điểm đón nhận trẻ sơ sinh để cứu vớt những đứa trẻ bị người sinh ra chúng chối bỏ trong bối cảnh nhà cầm quyền nước này đang tìm cách đối phó với tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngày càng gia tăng.
'Chiếc nôi sơ sinh' ở Đức
Ở châu Âu đã có hơn 20 nước áp dụng “chiếc nôi trẻ em” như Ba Lan (45), CH Czech (44), Hungary (26), Slovakia (16), Lithuania (8), Italia (8). Qua các cuộc điều tra, có 63% dân số ủng hộ việc đặt các ổ trẻ con để nhận trẻ bị bỏ rơi. Nhiều thành phố ở Nga cũng hy vọng những “chiếc nôi sơ sinh” sẽ giúp các bậc cha mẹ có nơi an toàn để bỏ lại đứa con ngoài ý muốn. Natalia Gorisyuk, Phó khoa Phụ sản của Bệnh viện Số 9 tại Sochi, cho hay: “Chúng tôi lập quỹ để chi trả cho việc lắp 3 chiếc nôi sơ sinh từ tháng 11/2011, vì mỗi năm có hơn 100 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở thành phố này”. Ở Bệnh viện Grey Nuns và Misericordia ở Edmonton (Alberta, Canada) cũng xuất hiện 2 chiếc nôi xinh xắn từ năm 2010.
Bảng chỉ dẫn đến nơi đặt trẻ bỏ rơi
Những chiếc nôi như thế đầu tiên được đặt ở Đức từ năm 2000 và đã triển khai ở 99 địa điểm. Ngay ở Bệnh viện St Joseph của thủ đô Berlin, điểm tiếp nhận có một cánh cửa nhỏ, bên trong là một chiếc nôi sơ sinh ấm áp đi kèm với cả gối và chăn để các bà mẹ cho con vào đó. Khi cánh cửa đóng lại, tiếng chuông lập tức kêu, báo hiệu cho các nhân viên bệnh viện biết vừa có người bỏ con. Thông tin cá nhân của các bà mẹ không được tiết lộ mà được lưu trong vòng 16 năm, khi đứa trẻ lớn lên có nhu cầu tìm ra mẹ đẻ thì chúng có thể lần giở lại hồ sơ lưu trữ ở bệnh viện.
Khuyến khích hay dẹp bỏ?
Điều 7 của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và Hiệp định Nhân quyền của châu Âu năm 1953 quy định rằng, trẻ em có quyền được biết ai là cha mẹ và được chăm sóc bởi cha mẹ. Khi trẻ em bị bỏ rơi thì quyền này bị xâm phạm. Như vậy, phải chăng những chiếc nôi công cộng đã vô tình “tiếp tay” cho hành vi này?
Thư tâm sự gửi các bà mẹ bỏ con
Theo các nhà tội phạm học, kể từ ngày ra đời những chiếc nôi sơ sinh, số lượng trẻ sơ sinh bị giết hoặc bị bỏ rơi ngay sau khi sinh ở Đức đã giảm đáng kể. Bác sĩ Gabriele Stangl ở Bệnh viện Waldfriede (Berlin) cho rằng, chính những “chiếc nôi sơ sinh” đã cứu sống nhiều đứa trẻ và đảm bảo quyền của chúng. Nhưng suốt 14 năm qua, luật pháp Đức chưa công nhận việc đặt nôi sơ sinh như vậy. Chính vì việc này, Thủ tướng Angela Merkel đang suy tính cẩn thận để hợp thức hóa các dịch vụ “nhân văn” với mong muốn cứu vớt nhiều thiên thần bé nhỏ bị bỏ rơi.
Nôi sơ sinh trên đường phố Trung Quốc
Tại Malaysia, Bộ trưởng Các vấn đề phụ nữ, Phát triển gia đình và cộng đồng Shahrizat Abdul Jalil cho rằng dịch vụ này của OrphanCARE là để giúp các bà mẹ sinh con ngoài ý muốn không vứt, hay thậm chí giết bỏ những sinh linh vô tội chứ hoàn toàn không phải để khuyến khích quan hệ tình dục trước hôn nhân. Hầu hết các bà mẹ bỏ con đều là thiếu nữ còn rất trẻ, có người đang ở độ tuổi vị thành niên. Trình độ hiểu biết của họ về hôn nhân và tình dục rất hạn chế và mỗi khi gặp rắc rối, họ hoang mang không biết cách xử lý vấn đề nên vô cùng lúng túng với những đứa trẻ mà mình đã trót sinh ra.
Maria Herczog, chuyên gia tâm lý trẻ em thuộc Ủy ban châu Âu, nhấn mạnh: “Tốt nhất là cần nâng cao nhận thức của các bà mẹ và giúp họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn của bản thân”.
Trong nôi đính kèm thông điệp đầy cảm thông và trách nhiệm: “Hỡi các bà mẹ yêu quý, chúng tôi hiểu rằng việc phải từ bỏ con là quyết định không dễ dàng gì đối với bạn. Hãy yên tâm vì chúng tôi sẽ không gây hại cho con của bạn. Chúng tôi sẽ chăm sóc và mang lại cho bé một khởi đầu tốt trong cuộc sống. Bạn cũng nên thay đổi suy nghĩ, bất kỳ khi nào bạn muốn ở bên con và có đủ tự tin thì hãy trở lại đây. Các con luôn mong chờ vòng tay mẹ”. |