Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) cho biết, vừa tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân L.N.Q (15 tuổi, ngụ Kiên Giang) bị vẹo cột sống hội chứng Marfan.
Theo người nhà của bệnh nhân, cách đây khoảng 4 năm đã phát hiện Q. có nhiều bất thường, cột sống bị vẹo, vai hơi lệch. Lúc này, Q. được gia đình đưa đến một bệnh viện phục hồi chức năng để điều trị. Tuy nhiên, sau khi thay nẹp, đổi nẹp nhiều lần thì tình trạng vẹo cột sống vẫn không được cải thiện.
Quá lo lắng cho tình trạng bệnh ngày càng nặng của Q., gia đình tìm hiểu thông tin qua báo chí và biết đến đơn vị cột sống Bệnh viện Trưng Vương nên tìm đến.
GS.TS.BS Võ Văn Thành- cố vấn Đơn vị cột sống Bệnh viện Trưng Vương cho biết, khi mới phát hiện thì tình trạng vẹo cột sống của bệnh nhân đã lên đến 60 độ. Thông thường, đối với những bệnh nhân vẹo cột sống trên 40 độ thì đã có chỉ định mổ. Tuy nhiên, không hiểu vì sao bệnh nhân Q. vẫn được điều trị bảo tồn bằng cách nẹp cột sống trong một thời gian dài.
Khi bệnh nhân đến Bệnh viện Trưng Vương, cột sống bệnh nhân từ 1 đường cong lúc ban đầu đã biến thành 3 đường cong, nơi lớn nhất lên đến 110 độ.
Do tình trạng bệnh nhân lúc này bị suy dinh dưỡng, chỉ nặng 36 kg, nhịp tim nhanh, thở khó khăn… nên các bác sĩ đã tiến hành gửi bệnh nhân đến chuyên gia dinh dưỡng để nuôi ăn. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn được tập thở, điều chỉnh nhịp tim trở về bình thường để tiến hành phẫu thuật.
Ca phẫu thuật cho bệnh nhân kéo dài 6,5 tiếng diễn ra vào ngày 26/12/2017 đã tiến hành nắn chỉnh, cải thiện tình trạng vẹo cột sống cho bệnh nhân. Tình trạng vẹo cốt sống đã được cải thiện đến 64%.
“Đối với những ca vẹo cột sống trên 100% độ, việc nắn chỉnh được 40% đã là tốt, 50% là khá, 60% thực sự là kết quả rất ưng ý. Lưng bệnh nhân đã được nắn chỉnh tốt, chiều cao của bệnh nhân tăng lên 7cm, từ 1m48 lên 1m55. Cân nặng cũng tăng lên 41kg”, TS Thành cho hay.
TS Thành cũng cho biết, đây thực sự là một ca phẫu thuật khó. Trước đây, một ca phẫu thuật như thế thường kéo dài từ 10-12 tiếng nhưng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật thì giờ gian được giảm xuống rất nhiều. Nếu bệnh nhân không được phẫu thuật thì qua tuổi 30 bệnh sẽ nặng thêm và khó sống thọ.
BS Hồ Nhựt Tâm – Trưởng Đơn vị cột sống Bệnh viện Trưng Vương - cho biết, để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật thì có cả một ê-kíp rất đông, chuẩn bị chu đáo. Việc săn sóc, hậu phẫu cho bệnh nhân rất nặng nề. Hiện tại thì bệnh nhân đã ổn định, có thể đi lại được.
Theo BS Tâm, bệnh vẹo cột sống Marfan xuất hiện đa số đều không biết nguyên nhân, nữ gặp nhiều hơn nam. Vẹo cột sống phát hiện sớm nhất khi khám sức khỏe học đường. Tùy vào tình trạng vẹo mà có hướng điều trị phù hợp. Nếu phục hồi chức năng nếu thấy không hiệu quả thì nên chuyển đến bác sĩ chuyên khoa.
Bệnh nhân Q. cho biết, rất vui khi được phẫu thuật cải thiện tình trạng vẹo cột sống và sẽ cố gắng tập luyện để trở lại cuộc sống bình thường, cởi bỏ những chiếc áo khoác dày cộm đã trở thành nỗi ám ảnh trong suốt nhiều năm qua.