Thơ cách tân = độc giả quay lưng?

11/02/2017 - 10:08
Nhiều người cho rằng, thơ bây giờ trúc trắc, khó hiểu, khó nhớ. Các nhà thơ càng tìm đường cách tân, đổi mới thì độc giả càng thấy rối rắm, càng thấy thơ như một thứ gì đó siêu thực, xa lạ.
tha-tho.jpg
 Thả thơ trong Ngày Thơ Việt Nam

Thậm chí có những độc giả lên tiếng rằng, giá như các nhà thơ cứ làm thơ như trước đây các thế hệ trước, đừng tìm cách đổi mới gì cả. Sự nỗ lực làm mới của các nhà thơ càng khiến họ quay lưng với thơ, bởi họ không còn thấy sự đồng cảm, không thấy nhịp tim mình trong những dòng thơ cách tân đó.

Về điều này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết:

Tôi còn nhớ bộ phim rất hay kể về một gia đình đầu bếp Ấn Độ lập nghiệp ở Paris. Cả Ấn Độ và Pháp đều là hai vùng đất nổi danh về ẩm thực thế giới, và người bố cương quyết chỉ dùng tất cả những gia vị của Ấn Độ để nấu những món ăn truyền thống Ấn Độ. Nhưng người con thì phá đi mọi quy tắc, kết hợp giữa ẩm thực truyền thống của Pháp với những gia vị đặc trưng của Ấn Độ. Cuối cùng, anh ta đã trở nên nổi tiếng và nhận được giải thưởng lớn về ẩm thực của nước Pháp.

Câu chuyện về ẩm thực của bộ phim cũng là câu chuyện chung của nghệ thuật, của đời sống và của thi ca. Việc đổi mới và cách tân là điều cần thiết. Bởi trong tự thân của mỗi nhà thơ, kể cả người 90 tuổi, vẫn luôn muốn hôm sau viết khác hôm trước, muốn chọn được những từ, những hình ảnh khác hôm trước, thì thơ cách tân đổi mới là đương nhiên. Đến cái cây cũng cách tân khi nó mọc thêm một chùm lá khác, nở thêm một đóa hoa khác thì thơ ca cũng vậy. Không cách tân thì chúng ta dừng lại.

Từ sau năm 1975, văn chương đã có sự đổi mới song hành với sự đổi mới về kinh tế, chính trị của đất nước, mang lại nhiều giá trị. Nhiều tác phẩm, nhiều nhà thơ, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định được tên tuổi của mình trong việc mở ra những chiều kích mới của ngôn ngữ Việt, tư tưởng Việt.

nguyen-quang-thieu.jpg
 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, chính sự cách tân đã làm cho thơ trở nên khó đọc, khó hiểu và khiến người ta khó thuộc những câu thơ hay, những bài thơ hay như trước kia?

Nếu chúng ta bắt buộc câu thơ phải nằm lòng trong độc giả thì sinh ra tính bảo thủ. Bởi vì bản chất của thơ ca không phải chỉ để thuộc lòng. Có những loại thơ để nằm lòng, có những loại thơ để hát, có những loại thơ để phổ nhạc, nhưng có những loại thơ chúng ta phải đọc trên văn bản, trên 1 cuốn sách. Đấy không phải chuyện chỉ riêng Việt Nam mà là ở nhiều nước khác. Người ta có thể du dương ngâm những bài thơ, đưa thơ vào nhạc đồng quê truyền thống, đọc thơ trên thánh đường, đọc trong 1 căn phòng nhỏ… Có những bài thơ để thuộc lòng, nhưng có những bài thơ chỉ có thể đọc bằng văn bản. Điều quan trọng nhất là những bài thơ đó giúp nhà thơ bày tỏ được những độ phức tạp trong tâm hồn con người và tạo ra những hiệu quả mới.

Thơ khó nhớ không đồng nghĩa với là thơ không hay. Như một tác phẩm giao hưởng, giá trị về nghệ thuật là rất lớn, nhưng không phải ai cũng có khả năng tiếp nhận. Một tác phẩm thơ cũng vậy, đánh giá về nó như thế nào còn phụ thuộc vào cách tiếp cận và khả năng tiếp cận của độc giả.

Song không chỉ độc giả mà chính những người làm nghệ thuật cũng không còn mặn mà với thơ, chẳng hạn như giờ đây không còn nhiều nhạc sĩ chọn thơ để phổ nhạc?

Khởi đầu của thi ca là những lời hát. Trước kia khi chưa có văn bản, thì những người hát rong đã soạn ra những lời là thơ, họ hát để phổ biến những lời thơ của mình. Khi mà chúng ta thậm chí chưa có chữ viết, chưa có công nghệ in, thì thơ được truyền miệng qua những lời hát như vậy. Ngày nay thì khác, mọi thứ đã thay đổi, người ta có thể cẩm chiếc điện thoại smartphone trên tay đọc được cả cuốn sách. Mọi thứ đã biến động và thay đổi, hình thức và nội dung của thơ ca cũng đổi thay là điều không tránh khỏi. Nhưng có một điều không thể đổi thay: Sự rung cảm lớn lao của con người, nhân tính của con người, những điều mới mẻ. Nếu một ngày chúng ta đọc thơ chỉ thấy sự thù hận thì mới lo sợ. Còn những vần thơ, nếu trong đó chúng ta vẫn thấy sự dày vò, hướng thiện thì dù cho nó ở hình thức nào, con người vẫn tiếp cận được nó.
nguyen-hong.jpg
Nhà thơ trẻ Nguyễn Hồng 

Nói về chuyện cách tân thơ, Nguyễn Hồng – gương mặt nữ trẻ được chọn đọc thơ tại Ngày Thơ Việt Nam 2016 cho biết: “Tôi làm thơ theo bản năng, chủ yếu là làm thơ tự do, thích gì viết nấy. Cảm xúc đến đâu thì viết đến đấy. Câu dài câu ngắn đan xen, cứ để cảm xúc tự nhiên chảy. Như người đi bộ, đi mệt thì nghỉ, nghỉ rồi đi tiếp. Vì thế đôi ba câu thơ của tôi chỉ có 1 từ, 1 chữ… Đó là lúc tôi nghỉ ngơi. Cái hay của thơ tự do là chiều dài cảm xúc hơn là chiều vần, chiều ý, chiều nhạc, chiều nhịp… Tôi coi những bài thơ đó là những khoảnh khắc rơi tự do của chữ, của cảm xúc…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm