Thổ Nhĩ Kỳ: Phụ nữ bị 'bao vây' bởi bạo hành

29/03/2016 - 07:00
Bạo lực gia đình đã tăng vọt trong thập kỷ qua ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bạo lực đối với phụ nữ thường liên quan đến khái niệm “danh dự” mà theo các nhà hoạt động nhân quyền, đàn ông xem phụ nữ như tài sản của họ.

Bahar ngồi trong một ngôi nhà an toàn, chiếc khăn trùm đầu màu xanh quấn lỏng lẻo quanh mái tóc nâu của mình. Cô đang nhớ lại thời điểm năm cô 13 tuổi, khi còn là cô bé bán trứng trong làng và nhớ lại người đàn ông đầu tiên mà cô đã kết hôn. Một phần tư thế kỷ đã trôi qua...

Hai trong số những đứa con của Bahar bỗng chạy ùa vào phòng cùng một người phụ nữ trẻ gây xáo trộn dòng hồi tưởng của cô. “Tôi không có tương lai” - Bahar nói. “Hy vọng duy nhất của tôi là những đứa con của tôi sẽ chết cùng với tôi. Đây không phải là thế giới của chúng”. Bahar cho biết, cuộc sống của cô đã mất tất cả từ những năm trước đây khi còn sống trong một ngôi nhà nhỏ ở trung tâm Anatolia, Thổ  Nhĩ Kỳ. Cha mẹ cô ép cô kết hôn với một người anh họ. Cô đã không nghe theo và bỏ trốn cùng với người đàn ông khác hơn cô 10 tuổi. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân trở thành địa ngục vì ngay sau khi họ cưới nhau, Bahar đã chịu không biết bao trận đòn từ người chồng vũ phu.

bao-hanh1.jpg
Phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình phản đối tình trạng bạo lực,

Sống trong nguy hiểm

Vào ngày 8/8/2013, Beyzal Bal đã bị chồng đâm chết ngay trên một con phố nhộn nhịp chỉ cách đồn cảnh sát chưa đầy 150m ở ven biển Izmir. Bal trước đó đã muốn ly hôn và đã nhờ cậy cảnh sát bảo vệ vì mối đe dọa sát hại từ chồng cô. 5 ngày sau, ở tỉnh Erzinican, một người đàn ông đã đánh vợ đến chết. Cũng đầu tháng 8/2013, một phụ nữ tên Serap Firat bị bắn vào đầu ngay tại văn phòng làm việc bởi một đồng nghiệp nam. Cuối tháng đó, một phụ nữ ở Thủ đô Ankara đã bị chồng sát hại dã man bằng một chiếc rìu.

Ghê rợn hơn, một phụ nữ ở một tỉnh đông Nam Batman đã bị chính gia đình mình chôn sống vì cô này đã nghe loại nhạc mà họ cho rằng không đoan chính. Rồi các trường hợp rùng mình khác như: Một phụ nữ đã bị chồng ném xuống khe núi, phụ nữ bị đẩy rơi xuống từ ban công, thậm chí có người còn bị thiêu sống bởi chồng mình.

Theo thống kê, khoảng 40% phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ đã từng bị lạm dụng thể chất ở một số giai đoạn trong cuộc đời mình. Báo cáo Khoảng cách giới tính toàn cầu 2013 đã xếp hạng Thổ Nhĩ Kỳ thứ 120 trên tổng số 136 quốc gia. Ở một đất nước có truyền thống gia trưởng và tôn giáo bảo thủ, nhiều người lo ngại rằng tình trạng còn tồi tệ hơn.

Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn với Bahar. Lần mang thai đầu tiên chưa kịp vui mừng thì cô bị sảy thai hậu quả từ một trong những trận đòn hứng chịu từ chồng cô. Lần thứ hai, Bahar sinh được một bé gái. Năm 17 tuổi, cô đã cố gắng liên hệ với gia đình mình để mong thoát khỏi cuộc hôn nhân tồi tệ. Thế nhưng, “Gia đình đã chối bỏ tôi, không muốn nhìn thấy mặt tôi. Tôi phải quay trở lại với gia đình chồng mình. Sau đó, bố chồng tôi bắt đầu lạm dụng tình dục tôi” - Bahar nức nở. “Anh chồng cũng thường xuyên vào phòng tôi khi tôi ở một mình”, Bahar cho biết thêm.

Những trận đòn của chồng Bahar ngày càng dữ dội. Được một người đàn ông trong làng hứa sẽ giúp cô chạy trốn, tìm việc làm cho cô nên Bahar đã bỏ trốn gia đình chồng và để lại đứa con gái nhỏ. Bahar được người đàn ông giới thiệu vào làm cho pavyon -  một hộp đêm tồi tàn. Về cơ bản, hộp đêm này giống như một nhà thổ có liên quan đến tội phạm có tổ chức, nơi nữ tiếp viên được trả tiền để tiếp rượu khách hàng.

“Vào cuối mỗi đêm, chúng tôi bị bán cho những người đàn ông”, Bahar kể. Cô đã uống rất nhiều ở thời gian này. Hồi ức về giai đoạn này chỉ là những đêm khuya, ma túy và rượu, mại dâm và bạo lực. Cô còn nhớ có một phụ nữ tại pavyon đã bị bóp cổ đến chết.

 

1.jpg
 

Mỗi ngày không dưới 3 phụ nữ bị giết hại

Giới phân tích cho rằng, đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang bạo lực để thiết lập sự thống trị của họ hoặc họ cảm thấy quyền lực của họ bị đe dọa. Giết người là một trong hậu quả khủng khiếp nhất của tình trạng bạo lực này, người đại diện nhóm nhân quyền Mor Cati nói: “Mặc dù chúng tôi không có thống kê chính thức, tuy nhiên từ những tin tức trên các phương tiện truyền thông cho thấy, không ít hơn 3 người phụ nữ bị sát hại bởi chồng, bạn trai của họ hoặc chồng cũ, người yêu cũ mỗi ngày”. Tính riêng trong năm 2009, khoảng 1.000 phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị thiệt mạng. Chính phủ ngừng cung cấp các số liệu và yêu cầu những nhà quan sát tìm thống kê từ các sở cảnh sát.

Cicek Tahaoglu, phóng viên theo dõi nạn bạo hành đối với phụ nữ cho biết: “Có nhiều tuyên bố chính thức khác nhau về nạn bạo lực, thậm chí còn mâu thuẫn với nhau. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, 953 phụ nữ đã bị giết trong 7 tháng đầu năm 2009. Trong khi đó, các quan chức Bộ Nội vụ lại tuyên bố chỉ có 324 phụ nữ bị giết hại trong năm 2009”. Chưa hết, cựu Bộ trưởng Bộ Phụ nữ và Các chính sách xã hội Fatma Sahin còn cung cấp một số liệu khác: Năm 2009, có 171 nạn nhân là phụ nữ bị sát hại.

Bạo lực đối với phụ nữ thường liên quan đến khái niệm “danh dự” mà theo các nhà hoạt động nhân quyền, đàn ông xem phụ nữ như tài sản của họ. Một báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc năm 2005 cho biết, phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ được coi là “danh dự” phải trong sạch, trung thành, ăn mặc giản dị và tôn trọng vai trò truyền thống. Những phụ nữ vi phạm hoặc bị cho là đã vi phạm các tiêu chí trên thường phải đối mặt với bạo lực.

 

Chính phủ ngoài cuộc?

Nhiều nhà hoạt động cho rằng, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã không thực thi đầy đủ những biện pháp để hỗ trợ những phụ nữ dễ bị tổn thương. “Chính phủ đã làm được gì? Họ có thể cung cấp cho phụ nữ một nút báo nguy! Vì như vậy, chỉ cần gia đình người phụ nữ đó có những hành động gây nguy hiểm đến tính mạng của phụ nữ, lập tức cô ta có thể nhấn nút và cảnh sát sẽ đến giải cứu ngay sau đó”, Bulan, người điều hành một chương trình gây tranh cãi dành cho phụ nữ bị đánh đập, trong đó họ được đào tạo sử dụng vũ khí lên tiếng.

Những nhà hoạt động cho rằng, Chính phủ, đứng đầu là Đảng Công lý và Phát triển (AKP) và Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan, ngày càng trở nên bảo thủ về các vấn đề giới tính. Trong năm 2011, Bộ các vấn đề về Phụ nữ, thành lập năm 1991, sau một thời gian dài đấu tranh nhưng dường như từ “phụ nữ” ít được nhắc tới. Bây giờ, Bộ đã đổi tên thành Bộ Gia đình và Chính sách xã hội, một lần nữa xác định lại phụ nữ tuân thủ theo qui tắc gia đình.

Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đã khuyến khích phụ nữ nên có ít nhất 3 đứa con và tốt nhất là 5 đứa con trong khi bản thân ông lại tìm cách hạn chế quyền phá thai và can thiệp để sinh mổ. Ông từng nói với một nhân viên nữ rằng, phụ nữ giữ các chức vụ cao trong Chính phủ là “chống lại bản chất của con người.”

Được biết, Chính phủ của ông Erdogan đã tăng ngân sách cho tôn giáo hơn 20 lần trong suốt nhiệm kỳ của mình và xây dựng 17.000 nhà thời Hồi giáo trong khi số nhà an toàn chỉ vỏn vẹn 120 với khả năng giúp 3.110 người trú ẩn. Đối với 28.000 phụ nữ có nhu cầu bảo vệ năm 2013, chỉ một số ít người trong đó có được sự chia sẻ nhờ những nhà trú ẩn do các tổ chức phi chính phủ xây dựng.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia tồi tệ nhất thế giới dành cho phụ nữ. Từ năm 2002 đến 2009, tỷ lệ giết hại phụ nữ tăng vọt tới con số không tưởng là 1400%. Theo số liệu chính thức từ cơ quan của Chính phủ uớc tính có khoảng 28.000 phụ nữ bị hành hung trong năm 2013. Trong số đó, hơn 214 nạn nhân bị sát hại bởi chồng hoặc người yêu.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm