“Thời ấy, ai cũng muốn đánh giặc giữ làng, mẹ tôi cũng vậy thôi”

Hải Linh, Ảnh: Phan Văn Phú
24/07/2023 - 21:21
 “Thời ấy, ai cũng muốn đánh giặc giữ làng, mẹ tôi cũng vậy thôi”

Những người lính Binh chủng Đặc công thả hoa đăng xuống dòng Thạch Hãn để tri ân các liệt sỹ

Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Cúc, ngoài 70 tuổi ở thôn Nại Hiệp, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị khi nhắc nhớ về người mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Vê, hy sinh từ thời chống Mỹ của mình.

Ngày 27/7 hàng năm là ngày giỗ lớn nhất của cả gia đình

Quảng Trị nắng trải vàng, con đường đến xã Triệu Ái Anh hùng - xã duy nhất của huyện Triệu Phong được phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ chiến tranh, hôm nay là những cánh đồng trù phú, những rừng cây lâm nghiệp xanh tươi, những làng quê, khu dân cư khang trang, tràn đầy sức sống. Ít ai ngờ được, mảnh đất nhỏ bé này từng đi lên từ sự hoang tàn, đổ nát bởi bom đạn chiến tranh.

 “Thời ấy, ai cũng muốn đánh giặc giữ làng, mẹ tôi cũng vậy thôi” - Ảnh 1.

Đại tá Đỗ Hoàng Nhị (bìa trái), Phó Chính ủy Binh chủng Đặc công, cùng các đồng đội ở đơn vị thắp hương tri ân các liệt sỹ trong chuyến công tác tại Quảng Trị

"Chiến tranh đã đi qua hơn 1 nửa thế kỷ, song đời sống của người dân trên địa bàn xã Triệu Ái còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các gia đình chính sách, phụ nữ, trẻ em. Binh chủng Đặc công thực hiện chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" để mong góp phần chia sẻ bớt khó khăn với người dân nơi này" - đại tá Đỗ Hoàng Nhị, Phó Chính ủy Binh chủng Đặc công cho biết.

"Khi ấy, dường như đời sống của người dân Triệu Ái bị huỷ diệt hoàn toàn. Ruộng đồng bom cày, đạn xới, bom đạn còn lại sau chiến tranh dày đặc. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, toàn xã chúng tôi có 677 người thuộc các đối tượng chính sách, 60 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 283 liệt sỹ, 170 thương binh và hàng chục người bị nhiễm chất độc hóa học. Riêng nghĩa trang liệt sỹ xã Triệu Ái hiện có 402 phần mộ liệt sỹ an nghỉ… cùng nhiều chiến công vang dội của bà con xã nhà đã đi vào lịch sử của đất nước.

Đó là minh chứng hào hùng nhất để người dân Triệu Ái hôm nay lấy đó làm động lực, làm sức mạnh cùng nhau vượt mọi khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp" - anh Lê Hài, Chủ tịch UBND xã Triệu Ái chia sẻ.

Dường như, mỗi gia đình ở Triệu Ái hôm nay đều có thành viên góp công sức, tuổi xuân, xương máu cho sự nghiệp giải phóng đất nước. 

Trong căn nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Cúc, ngoài 70 tuổi ở thôn Nại Hiệp, xã Triệu Ái buổi chiều khá vắng lặng. Anh Hoàng Văn Cường, con trai bà Cúc, bảo: "Mẹ tôi là con liệt sỹ, còn tôi là cháu ngoại của liệt sỹ Nguyễn Thị Vê, bà ngoại tôi hy sinh thời chống Mỹ. Nay mắt mẹ tôi đã mờ, sức khoẻ yếu đi nhiều, nhưng mỗi dịp tới ngày 27/7, mẹ tôi vẫn thường lặng lẽ ngồi trước ban thờ có di ảnh người mẹ liệt sỹ đã ra đi khi tuổi đời còn trẻ".

Bà Cúc hiện sống cùng vợ chồng anh Cường. Bà bảo: "2 vợ chồng con trai tôi đều làm công nhân, tôi có 1 cháu nội rồi. Cuộc sống không dư giả, nhưng cũng đủ ăn, đủ mặc. Các ngày lễ, Tết, gia đình tôi có cán bộ xã, thôn đến thăm hỏi, động viên, mẹ tôi hy sinh vì đất nước cũng là niềm tự hào của gia đình, của địa phương. Thời ấy, ai cũng muốn đánh giặc giữ làng, mẹ tôi cũng vậy thôi".

 “Thời ấy, ai cũng muốn đánh giặc giữ làng, mẹ tôi cũng vậy thôi” - Ảnh 3.

Người dân xã Triệu Ái thắp hương tri ân các liệt sỹ tại nghĩa trang Liệt sỹ xã nhà

Cách nhà bà Cúc không xa là gia đình ông Hoàng Chiêm. Gia đình ông Chiêm có 3 liệt sỹ và 1 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ông Hoàng Chiêm tự hào kể: "Bố tôi là Hoàng Ngô và 2 anh trai tôi là Hoàng Tâm và Hoàng Quỳnh đều là liệt sỹ. Còn mẹ tôi là Lê Thị Quế được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bản thân tôi cũng tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc, thuộc Sư đoàn 390, sau lại được bổ sung vào Sư đoàn 312, mãi khi về hưu tôi mới về sinh sống tại quê nhà". 

Ông Chiêm bảo, do gia đình có truyền thống Cách mạng, nên các ngày giỗ riêng của mỗi liệt sỹ và mẹ ông, con cháu làm mâm cơn đơn giản để cúng giỗ. Ngày 27/7 hàng năm là ngày giỗ lớn nhất của gia đình. Con cháu làm ăn xa cũng về viếng nghĩa trang liệt sỹ xã nhà, rồi cùng quây quần tưởng nhớ tới cha, mẹ và người thân là liệt sỹ.

 “Thời ấy, ai cũng muốn đánh giặc giữ làng, mẹ tôi cũng vậy thôi” - Ảnh 4.

Nghĩa trang liệt sỹ xã Triệu Ái Anh hùng hiện có 402 phần mộ liệt sỹ

"Dù điều kiện gia đình còn khó khăn, con cháu đều bươn chải đi làm ăn xa, nhưng chúng tôi không mong gì thêm. Mỗi dịp 27/7, nhìn phần mộ của 4 người thân ở nghĩa trang liệt sỹ được chính quyền, người dân thắp nến, trang hoàng hoa đèn tri ân, nỗi nhớ cha mẹ, nhớ các anh tôi cũng ào về. Nhớ lắm, mà gia đình tôi cũng tự hào nhiều lắm" - ông Hoàng Chiêm tâm sự.  

Tri ân và sẻ chia với những gia đình có công với cách mạng

"Chúng tôi chọn xã Triệu Ái là nơi thực hiện Chương trình "Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương", không chỉ vì đây là địa phương giàu truyền thống cách mạng của tỉnh Quảng Trị, mà Triệu Ái còn là nơi Binh chủng chuẩn bị thành lập đơn vị mới. Chúng tôi mong, từ chương trình ý nghĩa này sẽ thắt chặt tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái quân - dân, là khu vực phòng thủ vững chắc của cả nước"- đại tá Đỗ Hoàng Nhị, Phó Chính ủy Binh chủng Đặc công bộc bạch.

 “Thời ấy, ai cũng muốn đánh giặc giữ làng, mẹ tôi cũng vậy thôi” - Ảnh 5.

Đại tá Hoàng Ngọc Thanh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Binh chủng, trao quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" tại xã Triệu Ái

Đây cũng là dịp để đơn vị tri ân những gia đình có công với cách mạng, sẻ chia khó khăn với người dân xã Triệu Ái Anh hùng. Binh chủng Đặc công đã trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa cho các gia đình chính sách, phụ nữ nghèo và trẻ em mồ côi hiếu học. Ngoài ra, Binh chủng cũng trao tặng nhiều trang thiết bị y tế, máy tính… cho UBND xã Triệu Ái.

Bên cạnh nhiệm vụ chính, hoà lẫn vào dòng người khắp mọi miền Tổ quốc hành hương về Quảng Trị những ngày tháng 7, Đoàn công tác của Binh chủng đặc công đã đến viếng tại các nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 Khe Sanh, Thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang liệt sỹ xã Triệu Ái, Tưởng niệm 10 cô gái ở Ngã 3 Đồng Lộc và viếng mộ Đại tướng Võ Nguyễn Giáp để tri ân sự hy sinh xương máu của các liệt sĩ, vì nền độc lập của dân tộc.

Trung úy Trần Tuấn Anh, Trợ lý Công tác Quần chúng - Phó Bí thư Đoàn cơ sở, Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1 - Binh chủng Đặc công xúc động cho biết: "Khi đến Thành cổ Quảng trị, như bao người trẻ khác được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã sạch bóng quân thù, cảm nhận đầu tiên của tôi là biết ơn các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền hòa bình của dân tộc".

"Là cán bộ Đoàn trong Quân đội, tôi hiểu rõ, bất cứ thời đại nào, mỗi chúng ta, nhất là thế hệ trẻ phải ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với đất nước. Xác định cho mình một lý tưởng sống cao đẹp, không ngừng rèn đức luyện tài, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" - trung úy Trần Tuấn Anh nói.

Khoảnh khắc còn in đậm trong mỗi chúng tôi là hình ảnh những người lính đặc công ở các thế hệ, ở nhiều lĩnh vực công tác run run thả nhẹ những đoá hoa đăng lấp lánh ánh nến xuống dòng Thạch Hãn. Nơi đáy sông này, không ít những người con xã Triệu Ái và hàng nghìn liệt sỹ đã hoá thân thành sóng nước mênh mông, để đổi lấy nền độc lập hôm nay.

Người dân nơi đây bảo, dòng Thạch Hãn những ngày tháng 7 hiếm có đêm nào chìm trong bóng tối. Cứ từng đoàn người, từng nhóm người đều mong tự tay mình thả một ngọn đèn hoa đăng xuống dòng sông để tri ân và nguyện cầu cho linh hồn các liệt sỹ an nghỉ nơi đây. Dòng Thạch Hãn vì thế càng lung linh, huyền ảo, lặng lẽ mà tạc ghi vào lịch sử bất khuất, hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm